RFI
Trước các thông tin dồn dập về việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại khẳng định rằng các tiền đồn mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng ở Trường Sa chỉ nhằm chống Mỹ mà thôi.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Philippines-Trung Quốc tổ chức ở Manila, ngày 19/02/2018, với sự tham dự của ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tổng thống Duterte đã giảm nhẹ hẳn mức độ nghiêm trọng của các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thậm chí, ông còn cho rằng các căn cứ quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Biển Đông chỉ có mục tiêu phòng thủ trước nước Mỹ, chứ không phải nhằm đối phó với Philippines và các láng giềng Đông Nam Á.
Ông Duterte đồng thời phản bác những lời chỉ trích ông là “hèn nhát” trước Trung Quốc khi cho rằng ông sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích, và “sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà Philippines không thể thắng”.
Hãng tin Anh nhận định : Philippines và Trung Quốc từng căng thẳng với nhau trong nhiều năm trời vì các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Duterte, quan hệ hai bên đã cải thiện hẳn lên, với việc lãnh đạo Philippines ra sức chiêu dụ Bắc Kinh để tranh thủ các lợi ích thương mại và kinh tế.
Lập luận cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông chỉ để chống Mỹ cũng được đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, khai triển thêm cũng tại diễn đàn ở Manila, với nhận định cho rằng tương quan lực lượng Mỹ-Trung tại châu Á đang dịch chuyển, và cụ thể là ở Biển Đông : “Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chống lại thế thống trị của hạm đội 7 Hoa Kỳ”.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho rằng “Biển Đông chưa phải là ao nhà của Trung Quốc” vì tàu sân bay Mỹ chẳng hạn vẫn đi ngang qua đó, ý muốn nói đến chiếc USS Carl Vinson vừa ghé cảng Manila. Thế nhưng theo ông, rủi ro xẩy ra xung đột võ trang trong vùng đang gia tăng do thế đối đầu Mỹ-Trung hiện nay.
Ông đã dùng đến hình tượng hai con voi đấu nhau làm cỏ dưới đất bị đạp nát để cho rằng “Có ai muốn làm bãi cỏ đâu”.
Theo hãng tin Mỹ AP, đại sứ Romana đã ca ngợi lợi ích của chính sách xích lại gần Bắc Kinh của Manila, nêu lên ví dụ về việc Trung Quốc đã không còn phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thoomas Shoal) ở Trường Sa, bên trên có một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines thường trú, hay đã cho phép ngư dân Philippines đến đánh bắt tại bãi Scarborough Shoal mà Trung Quốc đã lấn chiếm vào năm 2012 sau khi xua đuổi tàu thuyền của Philippines.