VOA
Các chuyên gia về nhân quyền của LHQ hôm thứ Ba 20/2 hối thúc Campuchia xem xét lại các thay đổi trong hiến pháp, trong đó có luật khi quân. LHQ nói rằng những thay đổi trong hiến pháp của Campuchia quá mơ hồ và không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Quốc hội Campuchia tuần trước đã thông qua một đạo luật về tội khi quân, cùng với những sửa đổi khác về quyền của cử tri trong hiến pháp. Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng những điều luật mới này có thể được sử dụng để nhằm vào những người chỉ trích chính phủ.
Bà Rhona Smith và ông David Kaye, cả hai đều là báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nói trong một thông cáo: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đánh giá lại một cách thấu đáo và toàn diện các dự thảo sửa đổi hiến pháp nhằm đảm bảo rằng các điều luật này tuân thủ luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.”
Hai chuyên gia của LHQ nói thêm rằng các điều khoản dự thảo sửa đổi dùng các “thuật ngữ chung chung và phải cần một ngôn ngữ chính xác hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.”
Lời chỉ trích của LHQ có nhiều khả năng không có tác dụng gì đối với Thủ tướng Hun Sen, người từng chỉ trích LHQ vì cơ quan quốc tế này cáo buộc Campuchia vi phạm nhân quyền.
Trong những năm của thập kỷ 80, LHQ đã giúp mang lại hòa bình cho Campuchia sau hơn một thập kỷ chiến tranh dưới thời Khmer Đỏ từ năm 1975-79.
Báo chí hôm 20/2 không thể liên lạc được với Người phát ngôn chính phủ Camupchia Phay Siphan.
Đạo luật mới về tội khi quân, tương tự như luật của Thái Lan mà các nhà quan sát cho rằng đã bị lạm dụng một cách thô bạo và có hệ thống để làm câm họng các nhà bất đồng chính kiến, quy định mức án tù từ 1 đến 5 năm.
Luật đã được Quốc hội Campuchia thông qua hôm 14/2 cùng với một loạt những sửa đổi hiến pháp mơ hồ, trong đó có một sửa đổi cho phép tước vĩnh viễn quyền bầu cử đối với tội phạm bị kết án.
Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp, ông Chin Malin, nói rằng luật về tội khi quân là “rất cần thiết” để mang lại tôn ti trật tự đối với cách người dân “thực hiện quyền tự do của họ”, nhấn mạnh rằng luật chỉ áp dụng với những lời xúc phạm đối với nhà vua, chứ không phải các thành viên khác của hoàng gia.
Ông Chin Malin, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia.
Luật cấm xúc phạm hoàng gia của Campuchia quy định rằng những người bị kết tội phải đối mặt án tù từ một năm đến năm năm tù và bị phạt từ 500 đến 2.500 đôla.
Quốc vương Norodom Sihamoni là nguyên thủ của Campuchia, nhưng Thủ tướng Hun Sen mới thật chất là người cai trị đất nước trong hơn 33 năm qua.
Ông Hun Sen đã bị các nước phương Tây và các nhóm quyền chỉ trích về việc trấn áp phe đối lập với chính phủ trước cuộc bầu cử vào tháng 7 năm nay, và ông dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền.
Vào năm ngoái, một tòa án Campuchia đã giải tán đảng Cứu quốc, sau vụ chính quyền bắt giữ nhà lãnh đạo Kem Sokha vì tội phản quốc, mà ông nói rằng việc buộc tội ông có động cơ chính trị.