Thái Hà
Từ khi Trung ương Đảng họp bất thường lần thứ 7 vào ngày 26/4 để phế truất ông Vương Đình Huệ thì con số “1 tháng” đang là khoảng thời gian “ác mộng” đối với những đối tượng đang bị Tô Lâm nhắm đến. Từ khi ông Võ Văn Thưởng rớt chức cho đến khi ông Vương Đình Huệ mất ghế, thời gian chỉ hơn 1 tháng.
Sau khi ông Huệ mất ghế, phần nổi của chính trường ở thượng tầng Đảng Cộng Sản đang rất yên ắng, tuy nhiên, theo giới quan sát thì đấy là sự yên ắng trước cơn bão. Hiện nay bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có cơ sóng ngầm rất mạnh, cơn sóng do ông Tô Lâm tạo ra đang nhắm vào 2 chiếc ghế của bà Trương Thị Mai đang ngồi.
Bà Trương Thị Mai được xem là con bài chiến lược, ông Tổng bí thư muốn giữ lại để chặn đường tiến của phe Hưng Yên vào Ban bí thư. Sau khi ông Võ Văn Thưởng ngã ngựa, ông Tô Lâm đã ra mặt đòi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho ông Nguyễn Duy Ngọc, bởi vì lúc đó bà Trương Thị Mai muốn rút lui.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ bà Trương Thị Mai xin rút sau khi ông Thưởng ngã ngựa là bà sợ rồi cũng đến lượt bà. Bởi Tô Lâm đang tung quân khắp nơi rà soát lại hết các dự án sân sau của các quan chức Trung ương trong đó có dự án Khu du lịch sinh thái Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí. Hành động xin rút của bà Mai nói thẳng ra là lo cuốn gói bỏ chạy trước khi “lưỡi kiếm” của Tô Lâm bổ vào bà.
Việc bà Mai xin rút là tin vui cho phe Hưng Yên, tuy nhiên, với con mắt tinh đời của ông Trọng, ông đã ngăn cản việc rút lui của bà Mai, mục đích là hãm đà tiến của phe Tô Lâm. Chỉ là hãm chứ chưa chắc gì ngăn cản được. Bởi chặn đường này thì Tô Lâm sẽ tìm đường khác.
Việc ngăn cản bà Mai rút lui của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ khiến cho Tô Lâm như con thú vồ hụt mồi, Tô Lâm càng trở nên “điên tiết” và chiến dịch hạ bệ Trương Thị Mai bắt đầu. Bà Mai không rút thì cho đốn luôn ghế của bà, đấy là cách làm rất Tô Lâm.
Cơ sóng ngầm trong Bộ Chính trị ngày một lớn dần, khả năng rất cao là sẽ có một Hội nghị Trung ương bất thường lần Thứ 8 để giải quyết vấn đề của bà Trương Thị Mai. Một khi Tô Lâm đã trưng ra bằng chứng đầy đủ và thuyết phục thì ông Trọng có muốn giữ lại bà Trương Thị Mai cũng không giữ được. Số phận của bà Mai hiện mong manh hơn bao giờ hết. Giờ cơ hội tháo chạy sớm đã không còn, bà chỉ có thể bị bãi chức một cách nhục nhã như Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Nếu bà Trương Thị Mai rụng thì Ban Bí thư mất người điều hành, bởi lâu nay, vì lý do sức khỏe, vấn đề của Ban bí thư được ông Trọng uỷ quyền cho bà Trương Thị Mai. Có thể nói, sau khi Võ Văn Thưởng rời ghế Thường trực Ban bí thư, ông Trọng giao nó cho bà Mai là một lựa chọn đúng, bởi Bà Mai cũng khá giống với ông Thưởng, tận tụy làm việc và rất vâng lời ông Tổng bí thư mà không hề có chút trái ý nào. Nếu bà Mai bị Tô Lâm đ. ánh gãy ghế, có thể nói ông Tổng bí thư sẽ không thể chọn được người thay thế xứng đáng. Đây là cú đ. ánh quá hiểm của Tô Lâm, nó sẽ khiến cho Ban Bí thư trở nên thủng một lỗ rất lớn không thể vá được.
Khi bà Mai ngã ngựa, có thể nói Ban bí thư sẽ trở nên tê liệt. Việc sắp xếp nhân sự trám lỗ trống sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì bà Mai rời chính trường để lại Ban bí thư đến 2 chiếc ghế trống. Mà cả 2 ghế đều cần Ủy viên Bộ Chính trị.
Số Ủy viên Bộ Chính trị đang thiếu nghiêm trọng thì việc để trám được ghế trống sẽ cần có giải pháp khác, rất có thể sẽ dùng Ủy viên Trung ương Đảng trám vào rồi sau đó cho bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Lúc đó cơ hội lớn đang đợi Nguyễn Duy Ngọc. Và rất có thể Tô Lâm sẽ ra tay chiến đấu với phe khác để đưa Nguyễn Duy Ngọc vào, và cứ thứ, cuộc chiến này nối tiếp cuộc chiến khác kéo dài bất tận.
Chúng ta hãy chờ xem./.