Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Lần này có giống 3 năm trước?

0
1171
Lần này đà lao dốc của nhân dân tệ đã không ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính quốc tế như 3 năm trước. Nguồn: Bloomberg.
CAFEF
Ngoài những chỉ trích của Tổng thống Trump thì phần lớn giới quan sát đều cho rằng động thái phá giá nhân dân tệ lần này của Trung Quốc hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố kinh tế cơ bản chứ không phải cú sốc như năm 2015.

Năm 2015, khi Trung Quốc khiến thị trường tài chính quốc tế chấn động sau khi phá giá nhân dân tệ, nước này đã phải đối mặt với làn sóng giận dữ phản đối từ các nước và dòng vốn thì ồ ạt tháo chạy. Trong khoảng hơn 1 tháng vừa qua, nhân dân tệ cũng đã giảm giá mạnh nhưng Trung Quốc lại được hưởng lợi thế khi không phải chịu đựng những khó chịu như như 3 năm trước – cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng.

Cuối tuần trước, ông Trump buộc tội Trung Quốc đang “thao túng” tỷ giá. Theo ông, nhân dân tệ đã “lao xuống như 1 hòn đá đang lăn xuống dốc” với 6 tuần giảm giá liên tiếp và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm so với USD. Nhận xét này trên Twitter cùng với bài phỏng vấn trên CNBC của ông Trump khiến thị trường phải đi đến kết luận chiến tranh thương mại Mỹ – Trung giờ đang mở rộng thành chiến tranh tiền tệ, và tất nhiên cách mà Trung Quốc quản lý tỷ giá sẽ rất được chú ý.

Sau khi nhân dân tệ giảm gần 5% kể từ giữa tháng 6, giờ đây câu hỏi đối với các lãnh đạo Trung Quốc là có nên sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng hay không trong bối cảnh ngành xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn vì chiến tranh thương mại. Wang Tao, chuyên gia của ngân hàng UBS, là một trong số những người dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ khác chứ không phải tỷ giá để giảm bớt tác động của chiến tranh thương mại.

“NHTW Trung Quốc (PBOC) sẽ hành động để bình ổn tỷ giá. Họ có thể làm gì? Ở thời điểm hiện tại có lẽ là nới lỏng một số lĩnh vực đang bị siết chặt” như chính sách tiền tệ và tài khóa, Wang nói.

Ngoài những chỉ trích của Tổng thống Trump thì phần lớn giới quan sát đều cho rằng động thái phá giá nhân dân tệ lần này của Trung Quốc hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố kinh tế cơ bản chứ không phải cú sốc như năm 2015.

“3 năm trước chúng ta không có câu chuyện nào để lý giải tại sao nhân dân tệ bị phá giá. Đó là động thái rất đột ngột, không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào của PBOC”, Iris Pang – chuyên gia kinh tế của ING Bank, nhận xét.

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Lần này có giống 3 năm trước? - Ảnh 1.

Lần này đà lao dốc của nhân dân tệ đã không ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính quốc tế như 3 năm trước. Nguồn: Bloomberg.

Tỷ giá nhân dân tệ giảm mạnh vẫn có một số tác động đến thị trường, ví dụ như các hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500, chứng khoán châu Á và giá dầu đã giảm mạnh sau khi Trung Quốc hạ tỷ giá tham chiếu mạnh nhất hơn 2 năm. Tuy nhiên tác động đã được hạn chế. Chỉ số S&P 500 vẫn đang trong chuỗi tăng điểm 4 tháng liên tiếp, so với mức giảm 6,3% của tháng 8/2015. Chứng khoán Trung Quốc rơi vào thị trường con gấu (CSI 300 giảm 20% so với mức đỉnh hồi tháng 1) nhưng nguyên nhân là do tăng trưởng giảm tốc và những nỗi lo về làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ.

Trung Quốc có nhiều lý do để hạ giá nhân dân tệ

Để đáp lại lời buộc tội thao túng tỷ giá của ông Trump, Trung Quốc có khá nhiều lý do hợp lý để giải thích tại sao họ cần 1 đồng nội tệ rẻ hơn. “Chúng ta có Fed tăng lãi suất trong khi PBOC thì nới lỏng tiền tệ, và sự ngược chiều này sẽ được phản ánh trên thị trường ngoại hối”, Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC, nói với Bloomberg. “Biến động vừa qua vẫn nằm trong dự tính của PBOC, là 1 phần của chính sách để cho các lực thị trường tác động nhiều hơn đến tỷ giá và để cho thị trường biến động mạnh hơn một chút”.

Theo ước tính của Bloomberg Economics dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, nhân dân tệ đang cao hơn khoảng 6,6% so với giá trị thực. Do đó Bắc Kinh vẫn đang kiểm soát tốt tỷ giá.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng có nhiều lý do để ngăn chặn việc nhân dân tệ giảm giá quá lâu. Nước này từng phải “đốt” 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy và tháng 6 vừa qua lượng vốn khoảng 10,7 tỷ USD đã bị rút ra (theo số liệu của Morgan Stanley).

Một số biện pháp đã được thực hiện để bảo đảm đà giảm của nhân dân tệ chắc chắn vẫn trong tầm kiểm soát. Sau mức giảm 2% trong 1 tuần, vào đầu tháng 7 Thống đốc PBOC Yi Gang nhấn mạnh rằng Trung Quốc ưa thích 1 đồng nội tệ ổn định. Và một lần nữa, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, sau khi đà lao dốc của nhân dân tệ bắt đầu khiến các nhà đầu tư châu Á hoang mang, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã can thiệp để chặn đứng đà giảm.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

329780cookie-checkTrung Quốc phá giá nhân dân tệ: Lần này có giống 3 năm trước?