17/11/2021 – 12:46
Thu Hằng / RFI
Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên trên bức ảnh Mao Trạch Đông nhân lễ bế mạc đợt kỷ niêm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 01/07/2021. © REUTERS/Carlos Garcia Rawlins/File Photo
Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra nghị quyết nhắc lại lập trường của Bắc Kinh theo đó, Cách Mạng Văn Hóa là một thảm họa và chủ tịch Mao Trạch Đông là người chịu trách nhiệm. Ngày 16/11/2021, Tân Hoa Xã đăng toàn văn nghị quyết được thông qua tại hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung ương, theo đó đảng Cộng Sản chưa bao giờ phủ nhận rằng Cách Mạng Văn Hóa đã đẩy Trung Quốc vào một thập kỷ hỗn loạn và bạo lực từ năm 1966.
Theo trang mạng báo Hồng Kông South China Morning Post, thông cáo tóm tắt nghị quyết của Hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 6 được công bố vào tuần trước chỉ nhắc lại rằng hai nghị quyết lịch sử (1945 xác nhận vai trò lập quốc của chủ tịch Mao và 1981 xét « công » và « tội » của Mao) vẫn có giá trị, nhưng không nhắc chi tiết cuộc Cách Mạng Văn Hóa và vụ đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn.
Tuy nhiên, toàn văn nghị quyết được Tân Hoa Xã đăng tải, đã xác nhận lại Cách Mạng Văn Hóa là « một thảm kịch » cùng với « 10 năm hỗn loạn » và Mao Trạch Đông là người chịu trách nhiệm. Nghị quyết cũng lấy lại một số điểm được ghi trong nghị quyết 1981 dưới thời Đặng Tiểu Bình, theo đó Cách mạng Văn hóa xảy ra là do « những sai lầm về lý thuyết và thực tiễn » của Mao ngày càng nghiêm trọng và Đảng đã không kịp thời sửa đổi. « Đồng chí Mao đã đánh giá sai lầm về giai cấp » và « đã khởi xướng Cách mạng Văn hóa »…
Nghị quyết của Hội nghị 6 cũng nhắc đến những sai lầm trước Cách mạng Văn hóa, trong đó có chính sách « Bước đại nhảy vọt », phong trào « Công xã Nhân dân » và cuộc chiến thái quá chống cánh hữu… Về sự kiện Thiên An Môn 1989, nghị quyết chỉ lặp lại lập trường từ lâu của Đảng, cho rằng đây là « một sự bất ổn chính trị » do các thế lực trong và ngoài nước gây ra. Việc trấn áp là do Đảng và Nhà Nước đã « bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa » và « lợi ích cơ bản của dân tộc ».
Ông Alfred Wu, giáo sư của trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, thuộc đại học quốc gia Singapore, cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không thay đổi những kết luận lịch sử trước đó vì nghị quyết mới có lẽ sẽ tập trung chủ yếu vào « kỷ nguyên mới » của ông.
Nghị quyết gồm 36.000 từ, được thông qua tại Hội nghị 6, đã củng cố vị trí của ông Tập Cận Bình ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.