Bốn giờ sáng, tụi tôi đưa Đinh Thảo ra sân bay Bangkok. Ôm thật lâu lúc chia tay vì biết rằng cô bạn chuẩn bị bước vào một ngày rất dài với những cuộc thẩm vấn của an ninh. Hộ chiếu của Đinh Thảo sẽ bị tịch thu. Những ngày tới đây sẽ còn nhiều khó khăn khác nữa. Điều đó, ai cũng có thể tiên đoán được.
Bởi Đinh Thảo là một nhà hoạt động.
Cách đây độ mười năm, những đứa trẻ thế hệ chúng tôi hãy còn bỡ ngỡ với những chữ “nhà hoạt động”. Nó là một nghề nghiệp gì đó nghe chừng mộng mơ mà cũng xa lạ viển vông. Chữ “nhà” lại làm cái nghề này có vẻ gì rất sang, như “nhà toán học” hay “nhà nghiên cứu”.
Thế rồi nó trở nên quen thuộc hơn khi bọn tôi ngày càng thường xuyên đọc được những tin như nhà hoạt động này bị bắt lên đồn, nhà kia bị đánh chảy máu đầu, nhà nọ bị bỏ tù mười mấy năm, lại có những nhà đang đi lánh nạn. Ba chữ “nhà hoạt động” từ đó gắn liền với những viễn cảnh u ám tù mù, như thể chỉ dành cho những ai gàn dở ưa đâm đầu vào đá.
Giữa mớ lộn xộn này, đâu đó vẫn có vài tin tức khiến người ta không khỏi tò mò. Có nhà hoạt động trẻ vừa được mời để lên tiếng về những chuyện vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trước cái hội đồng gì đấy của Liên Hiệp Quốc. Một nhà hoạt động khác vừa trốn chạy khỏi những cuộc truy đuổi của an ninh, vừa xuất bản hàng loạt cuốn sách về chính trị. Cũng có các “nhà” đã chọn hoạt động bằng cách ghi lại lên màn ảnh những số phận hứng chịu cảnh bất công, sáng tác những bản nhạc về thực tế xã hội nhiễu nhương, hay đưa bao câu chuyện đời vào trong các buổi triển lãm ảnh.
Rốt cuộc thì, họ có phải là những kẻ viển vông như đám chúng tôi từng nghĩ ban xưa?
Kể từ hồi làm sách, viết báo, đi đó đi đây, rồi chuyển sang làm về đào tạo, tôi có dịp gặp và làm việc chung với nhiều “nhà”. Các “nhà” cũng ăn cơm ba bữa ngủ tám tiếng như người thường. Thân xác không có gì phi phàm. Một số nhà thậm chí còn hơi làm biếng, nhà thì nói chuyện vụng về, cũng có nhà tính tình nóng nảy, song hết thảy đều nhiệt thành, trong sáng, vô tư.
Đinh Thảo cũng là một “nhà” như thế, trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, nhà hoạt động khác.
Cô vốn là một bác sỹ ngành y. Đâu đó nghe chuyện chính quyền đòi chặt hàng loạt cây xanh, cô cùng bè bạn lên tiếng để gìn giữ màu xanh cho thành phố. Rồi người ta bắt cô lên đồn tra hỏi mấy bận, biến cô trở thành nạn nhân của thói hành xử vô pháp ở Việt Nam. Không chấp nhận sự bất công, cô đã bước ra khỏi vòng an toàn của mình, và chọn trở thành một nhà hoạt động. Tức là, cô chọn sống không chỉ cho riêng mình, mà còn tranh đấu để cộng đồng và xã hội của chính cô trở nên tốt đẹp hơn. Cô điều phối một nhóm bảo vệ môi trường. Cô hỗ trợ những người tự ứng cử đại biểu quốc hội. Cô sang Philippines học về cách hoạt động hiệu quả. Cô mở ra trang web hướng dẫn mọi người cách lên tiếng trước bất công mà không cần dùng tới bạo lực. Cô đi Âu châu vận động chính quyền các nước và Liên minh Âu châu về chuyện vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Và cô trở về để hoạt động ngay trên chính quê hương mình.
Thật chẳng viển vông chút nào.
Thực trạng ở Việt Nam hiện giờ, với cách đối xử hà khắc đến từ chính quyền, quả thực không dễ dàng cho những ai chọn sống vì xã hội. Các nhà hoạt động có thể phải đối mặt với đủ loại hiểm nguy, nặng thì ở tù, nhẹ thì bị theo dõi, làm phiền, hoặc bị tịch thu hộ chiếu. Phải làm gì trong hoàn cảnh này, cần lên tiếng như thế nào, nên chọn đứng ở đâu, là những câu hỏi mà mỗi người phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình.
Song cái cốt lõi có lẽ vẫn là, đừng để những khó khăn ấy ngăn trở bạn trở thành một nhà hoạt động, nếu bạn thực sự tâm huyết với chuyện biến những điều viển vông thành thực tế để xã hội mình tốt đẹp lên. Như Đinh Thảo đã làm, và đang làm. Có những người chọn lên tiếng mạnh mẽ như Đinh Thảo, song cũng có nhiều người đang âm thầm làm các công việc khác để thay đổi xã hội. Bằng cách này hay cách khác, bạn luôn có thể trở thành một nhà hoạt động.
Và chắc chắn, khi có thêm một người chọn dấn thân, thì những nhà hoạt động bản lãnh như Đinh Thảo sẽ được tiếp thêm một phần sức trên hành trình chung rất gian nan mà cũng rất đẹp này.