VOA
Một số người gốc Việt trong ngành giáo dục ở Mỹ không đồng tình với yêu cầu của chính quyền đòi các trường học phải mở cửa trở lại hoàn toàn do lo ngại cho sức khoẻ, tính mạng của học sinh, sinh viên và các giáo viên trong trường, theo tìm hiểu của VOA.
Trong buổi thảo luận về mở cửa lại trường học hôm thứ Ba ngày 7/7 có sự tham dự của Đệ nhất phu nhân Melania Trump và phó Tổng thống Mike Pence, Tổng thống Donald Trump được kênh ABC dẫn lời nói rằng: “Chúng tôi muốn mở cửa lại trường học. Ai cũng muốn điều này. Những người làm mẹ muốn, những người làm cha muốn, mấy đứa trẻ cũng muốn. Đã đến lúc mở cửa lại trường học.”
Tòa Bạch Ốc dẫn lời ông Trump nói rằng: “Nước Mỹ cần phải trở lại, và cần phải trở lại càng sớm càng tốt. Và tôi không xem đất nước chúng ta đã trở lại nếu như các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa.”
Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos yêu cầu các trường học ở Mỹ ‘phải mở cửa hoàn toàn chứ không được học từ xa hay học bán thời gian’ trong năm học mới sắp khai giảng vào mùa Thu, theo tường thuật của AP. Bà thúc giục các trường học mở cửa giảng dạy đủ 5 ngày trong tuần và gọi việc học từ xa qua mạng là ‘thảm họa’.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc mở cửa hoàn toàn trường học với tất cả học sinh-sinh viên trở lại tham gia đầy đủ tất cả các hoạt động và chia sẻ sách vở, tài liệu, học cụ ‘có nguy cơ cao nhất sẽ bị lây nhiễm virus corona’.
‘Không khả thi’
Từ thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, ông Phẻ Bạch, giáo viên dạy Hóa của trường trung học Mira Loma, nói với VOA rằng yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục DeVos ‘không khả thi’.
“Việc mở cửa lại hoàn toàn dính đến an toàn của số đông. Hiện giờ chúng ta không đủ bộ xét nghiệm cho tất cả các em và giáo viên nên rất nguy hiểm cho tính mạng của các em. Hơn nữa, các em đeo mặt nạ cả ngày cũng đâu chịu nổi,” ông lập luận.
Theo thầy giáo này, điều kiện để các trường học mở cửa lại hoàn toàn là ‘phải đảm bảo sức khoẻ của giáo viên và học sinh ít nhất từ 70% trở lên’ và nhất là khi có vaccine.
“Khi nào CDC nói là an toàn để mở cửa trở lại thì mình mới mở lại được,” ông nói thêm. “Nếu có một người nào đó bị nhiễm thì 100 người khác sẽ bị theo và sẽ bị cách ly. Không có người khác dạy thế thì sẽ rất là khổ.”
Do đó, ông dự đoán rằng các trường học trên khắp nước Mỹ ‘sẽ khó mà trở lại dạy bình thường trong mùa Thu này’ và ông chỉ ‘hy vọng vào mùa Đông mà thôi’.
Riêng về trường trung học Mira Loma nơi ông đang giảng dạy, giáo viên này cho biết hiện giờ nhà trường cân nhắc hai lựa chọn: một là mỗi tuần sẽ có hai ngày học trên lớp, ba ngày học qua mạng; hai là chia lớp ra làm đôi, một nửa học ca sáng, nửa kia học ca chiều.
Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 13/7 tới đây thì nhà trường mới quyết định sẽ chọn giải pháp nào, ông cho biết.
Theo lời ông thì với cách dạy song song vừa trực tiếp vừa trực tuyến, các giáo viên ‘phải chuẩn bị hai giáo án’ nên rất vất vả, trong khi chia lớp ra làm hai thì các giáo viên phải dạy hai lần.
“Phụ huynh dĩ nhiên muốn con em mình trở lại trường tại vì ở nhà đã quá chán và các em dùng máy tính, các thiết bị điện tử quá nhiều. Tuy nhiên họ cũng sợ con cái mình đi học sẽ bị bệnh và đem về lây cho gia đình,” ông nói.
Do đó, người thầy giáo đồng thời cũng là một phụ huynh này cho rằng trường học không nên mở cửa lại hoàn toàn ngay mà ‘cần tìm giải pháp cân bằng’ giữa việc mở cửa lại và đảm bảo an toàn.
Với kinh nghiệm dạy học trong mùa dịch, thầy Phẻ cho rằng việc giảng dạy trực tuyến ‘không hiệu quả’.
Ông giải thích một số gia đình không đủ điều kiện trang bị máy tính cho con cái tham gia học trực tuyến hoặc có những gia đình chẳng hạn như ba mẹ đã ly dị sẽ thiếu sự theo dõi, đôn đốc việc học của con.
Riêng với môn Hóa mà ông đang giảng dạy, ông cho biết cần phải có sự thể hiện, minh họa, làm bài tập chỉ cho các em thấy để kích thích sự hứng thú theo dõi bài học, mà những việc này, theo ông, ‘rất khó làm qua mạng’.
“Dạy trực tuyến đòi hỏi tính kỷ luật ở các em để có thể kiểm soát thời gian và không gian của mình,” ông giải thích. “Tôi dạy các em không thấy mặt mày các em đâu nên chỉ dạy một chiều không biết các em có tiếp thu được không. Nếu bảo các em bật camera lên thì có những đứa còn nằm ngủ trên giường nữa.”
‘Dạy hỗn hợp’
Từ Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington D.C., Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn cho biết trong học kỳ mùa Thu tới đây, trường ông sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hỗn hợp (hybrid) tức kết hợp cả học trên lớp và học ở nhà.
“Thí dụ như lớp có 30 sinh viên thì 15 em đến lớp, 15 em học qua mạng ở nhà. Đến hôm sau 15 em kia trở lại lớp còn 15 em đã đến lớp sẽ học ở nhà,” ông giải thích.
“Như vậy chúng tôi sẽ áp dụng được việc giãn cách xã hội là các em phải cách nhau 6 feet,” ông nói và cho biết trường ông năm nay sẽ khai giảng sớm hơn, rút gọn chương trình hơn để chấm dứt sớm hơn trước Lễ Tạ Ơn do dự trù dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại vào mùa Đông.
Giáo sư Cường cho hay trường ông quyết định cho sinh viên trở lại lớp vì ‘nghĩ đến quyền lợi của sinh viên khi xin vào học ở trường.’
“Các sinh viên mơ ước khi đi học là học trực diện với giáo sư và các sinh viên khác,” ông nói.
“Dạy trực diện có lợi hơn tại vì nếu chỉ học trực tuyến thì không có cơ hội gặp thầy cô và bạn bè – vấn đề trao đổi ý kiến trong lớp rất quan trọng,” Giáo sư Cường phân tích bất lợi của việc học từ xa.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay thì trường của ông không thể mở cửa lại 100% theo yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục. Theo lời ông, nếu đúng nguyên tắc giãn cách xã hội thì sức chứa của trường bị giảm 50% nên không đủ phòng ốc để mở cửa cho tất cả sinh viên đi học trở lại.
Nếu sau thời gian mở cửa trở lại mà tình hình diễn biến tốt, trường của ông sẽ chuyển sang mở cửa hoàn toàn và kỳ Xuân năm sau, còn ngược lại sẽ chuyển sang học trực tuyến 100%, theo lời vị giáo sư này.
Về yêu cầu mở cửa lại trường học hoàn toàn, Giáo sư Cường nói ông ‘không ủng hộ’.
“Tôi thấy như vậy rất nguy hiểm cho các em sinh viên, tại vì các sinh viên đi học trở lại thì mình không thể hoàn toàn có thể điều khiển được hành động của các em,” ông nói.
Do đó, ông cho rằng không nên gấp gáp mở cửa lại trường học 100% mà ‘nên có thời gian chuyển tiếp dần dần để xem có chỗ nào sai sót thì điều chỉnh’.