Tuesday, September 17, 2024
HomeDU LỊCHBLOGTrần Huỳnh Duy Thức: Từ doanh nhân đến tù nhân lương tâm

Trần Huỳnh Duy Thức: Từ doanh nhân đến tù nhân lương tâm

LUẬT KHOA

Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư, doanh nhân, blogger.

Trần Huỳnh Duy Thức

Ông Thức bị bắt vào tháng 5/2009 vì tội trộm cước viễn thông và tuyên truyền chống nhà nước, nhưng lại bị kết án vì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Ông bị tuyên án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Trần Huỳnh Duy Thức thời sinh viên. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Trần Huỳnh Duy Thức sinh ngày 29/11/1966 trong một gia đình có tám anh chị em tại Gia Định, Sài Gòn.

Cha Thức là giáo viên dạy tiếng Anh, còn mẹ làm nông nhưng xuất thân là con nhà địa chủ.

Thức tốt nghiệp kỹ sư điện, ngành kỹ thuật điện tử (Đại học Bách Khoa TP.HCH) năm 1990. Ra trường, Thức làm ở Sở Công nghiệp TP.HCM, trước khi xin nghỉ cùng em trai mở xưởng làm các vật dụng bằng cao su và nhựa. Xưởng làm ăn phát đạt.

Trần Huỳnh Duy Thức (đứng, bìa phải) cùng với bố mẹ và anh chị em. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Năm 1993, Thức bán xưởng, lấy vốn mở cửa hàng dịch vụ tin học (đánh máy, photocopy…) tại Quận 1, TP.HCM.

Lúc này, tin học vẫn còn rất mới, Việt Nam chưa có Internet và một vạn dân chưa có một cái máy điện thoại.

Vài tháng sau, Thức ráp thành công những chiếc máy vi tính đầu tiên. Máy tính được gắn thương hiệu là EIS (Electronic Information System) và bán tại TP.HCM.

Tháng 3/1995, Trần Huỳnh Duy Thức cùng Lê Thăng Long (sinh năm 1967) thành lập Công ty TNHH Tin học Duy Việt.

Đến cuối năm 1995, Duy Việt bị thanh tra thuế. Công ty bị phạt nặng và hàng hóa bị niêm phong, nợ nần chồng chất. Duy Việt đứng trước bờ vực phá sản.

Trần Huỳnh Duy Thức (thứ hai từ trái sang) và Lê Thăng Long (thứ ba từ trái sang) trong một bức ảnh được chụp năm 1996. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Duy Việt quyết định bỏ thị trường lắp ráp máy tính và tập trung vào công nghệ mạng máy tính, đặc biệt là Internet.

Công nghệ mạng máy tính lúc này còn mới, ông Thức phải tự tìm hiểu rồi dạy lại cho nhân viên.

Cuối năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet.

Năm 1998, Duy Việt giới thiệu công nghệ kết nối Internet kỹ thuật số (digital), giúp tăng tốc độ đường truyền so với kết nối qua đường điện thoại (analog).

Đầu năm 2000, Duy Việt trở thành nhà tích hợp hệ thống mạng máy tính hàng đầu Việt Nam.

Ông Thức trong lễ khai trương Công ty cổ phần Công nghệ thông tin EIS năm 2000. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Tháng 6/2000, Công ty TNHH Duy Việt đổi tên thành Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin EIS. Lúc bấy giờ, mạng Internet và điện thoại mới bắt đầu phổ biến ở Việt Nam.

EIS mua lại một công ty ở Mỹ, sở hữu công nghệ điện thoại Internet chưa hoàn chỉnh. EIS là công ty Việt Nam đầu tiên đầu tư vào công nghệ cao ở nước ngoài.

Cuối năm 2002, EIS ra mắt dịch vụ điện thoại Internet toàn cầu, cho phép gọi, nhắn tin, nhận fax quốc tế từ máy tính đến máy tính và từ máy tính đến điện thoại và ngược lại với giá 0,5 cent/phút.

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam chưa cấp phép cho dịch vụ này hoạt động.

Không được cấp phép tại Việt Nam. EIS mở công ty con là One Connection tại Mỹ và Singapore.

EIS khai trương dịch vụ này tại Singapore vào tháng 2/2003. Sự kiện gây tiếng vang lớn, báo chí nước ngoài đưa tin về công nghệ Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Thức nói nguyên nhân không đầu tư ở Việt Nam là “do quá trình cấp phép triển khai dịch vụ tại Việt Nam của cơ quan chức năng quá chậm, thứ hai là hệ thống cơ sở hạ tầng Internet còn yếu”.

Đầu năm 2003, ông Thức lần đầu gặp luật sư Lê Công Định để tham vấn về luật vì Bộ Thương mại lúc đó diễn giải luật tùy tiện, gây bất lợi cho doanh nghiệp của ông, họ muốn bảo vệ các công ty viễn thông quốc doanh.

Mặt khác, EIS đã không trúng thầu các dự án hạ tầng mạng trong nước vì những lý do bất thường; các doanh nghiệp nước ngoài bị cản trở hợp tác với One Connection Việt nam vì lý do “an ninh quốc gia”.

Thư của Trần Huỳnh Duy Thức gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết năm 2004. Ảnh: Chụp màn hình.

Tháng 7/2003, dịch vụ của One Connection được Bộ Bưu chính Viễn thông cấp phépnhưng khống chế giá sàn là 10 cent/phút. Với giá này One Connection không thể cạnh tranh với thẻ điện thoại lậu đang tràn lan trên thị trường.

Ngày 7/1/2004, Trần Huỳnh Duy Thức gửi thư kiến nghị đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết. Thư nêu rõ những thách thức hiện tại của ngành viễn thông và những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong thư, ông Thức nói Bộ Bưu chính Viễn thông không chỉ kìm hãm ngành viễn thông mà còn không kiểm soát được đặc quyền của bộ, “một trong những nguyên tắc rất quan trọng để tạo ra động lực chính là sự công bằng, mà đã đặc quyền thì không thể có công bằng”.

Từ trái sang: ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Công Định và ông Lê Thăng Long. Ảnh: Luật Khoa tổng hợp.

Năm 2004, ông Thức cùng với ông Lê Thăng Long và một số nhân viên của mình thành lập Nhóm nghiên cứu Chấn. Nhóm nghiên cứu về các dữ liệu của Việt Nam và một số nước về kinh tế, chính trị và xã hội.

Năm 2006, Nhóm gửi kết quả nghiên cứu đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết; Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 04/2007.

Năm 2006, One Connection thiết lập hệ thống phân phối, đánh bật thẻ điện thoại Internet “lậu” ra khỏi thị trường Việt Nam.

Đến năm 2008, One Connection dẫn đầu thị trường về dịch vụ điện thoại Internet trong nước với 48,6% thị phần, trên 600.000 người dùng.

Tháng 1/2007, Lê Thăng Long và luật sư Lê Công Định ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XII nhưng không thành công.

Blog Trần Đông Chấn được phục dựng bởi gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Tháng 4/2007, ông Thức lập blog Trần Đông Chấn đăng tải các bài viết dự báo về khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam.

Theo Cơ quan Điều tra (Bộ Công an), tháng 3/2008, ông Thức và luật sư Định làm quen với Nguyễn Sỹ Bình (sinh năm 1955), một người bất đồng chính kiến bị chính quyền Việt Nam trục xuất năm 1993, thông qua Nguyễn Tiến Trung (sinh năm 1983), một du học sinh, cũng là một người bất đồng chính kiến.

Từ tháng 11/2008, blog Trần Đông Chấn bị Tổng cục An ninh – Bộ Công an theo dõisau khi đăng các bài viết chỉ trích về quản lý kinh tế, xã hội, vấn đề Biển Đông và dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên.

Sách con đường Việt Nam được phát hành vào tháng 6/2013, sau khi ông Thức các thành viên khác bị bắt và kết án. Ảnh: Chụp màn hình.

Cuối năm 2008, EIS đưa toàn bộ doanh thu của One Connection ở nước ngoài về Việt Nam để đóng góp ngân sách nhà nước và giảm giá dịch vụ cho người tiêu dùng.

Theo Cơ quan Điều tra, tháng 3/2009, ông Thức và luật sư Lê Công Định gặpNguyễn Sỹ Bình tại Thái Lan để chuẩn bị viết một cuốn sách có tên là Con đường Việt Nam. Trong cuốn sách này, ông Thức sẽ chịu trách nhiệm chung và viết về kinh tế; ông Bình sẽ nghiên cứu về chính sách của nước ngoài ở khu vực Đông Á; ông Định sẽ tập trung vào cải cách pháp luật và hành chính.

One Connection khiếu nại kết quả thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngày 20/3/2009, One Connection bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM kết luận kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại Internet chiều về Việt Nam; đầu tư ra nước ngoài trái phép; và trộm cước viễn thông đối với lưu lượng trái phép vào Việt Nam.

Ngày 21/5, Công ty VDC (thuộc Tổng Công ty VNPT) báo với Tổng cục An ninh – Bộ Công an đường truyền ADSL “thdthuc” xuất hiện tài liệu xuyên tạc đường lối chính sách của đảng, nhà nước.

Ngày 22/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề nghị Tổng cục An ninh – Bộ Công an xử lý hình sự hành vi trộm cắp cước viễn thông của One Connection.

16 giờ 30 phút ngày 24/5, ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vì phạm tội tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88 Bộ luật Hình sự) và trộm cắp tài sản (Điều 133 Bộ luật Hình sự).

Từ tháng 6/2009, ông Lê Thăng Long, luật sư Lê Công Định và ông Nguyễn Tiến Trung lần lượt bị bắt theo Điều 88 BLHS.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao dành cho ông Thức, ông Định, ông Trung và ông Long. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngày 31/07/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông kết luận không đủ căn cứ để kết luận One Connection trộm cước viễn thông và đầu tư ra nước ngoài trái phép.

Cuối tháng 8/2009, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã tách vụ án trộm cắp tài sản ra xét xử riêng, nhưng không có phiên xử về tội danh này sau đó.

Đến tháng 10/2009, Cơ quan An ninh Điều tra chuyển tội danh của bốn người từ Điều 88 sang Điều 79 BLHS (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), với khung hình phạt hơn Điều 88.

Từ trái qua: ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Nguyễn Tiến Trung, ông Lê Thăng Long và ông Lê Công Định tại phiên xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 20/01/2010. Ảnh: AFP.

Ngày 20/01/2010, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Ông Thức bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 BLHS).

Cáo trạng nói ông Thức đã thành lập và lôi kéo nhiều người tham gia Nhóm Nghiên cứu Chấn; làm và đăng tải nhiều bài viết phỉ báng chính quyền, chia rẽ nội bộ đảng lên mạng Internet; tiếp cận, mở rộng quan hệ với các lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước nhằm chuyển hóa tư tưởng của họ để thay đổi chế độ; có kế hoạch làm ra tài liệu “Con đường Việt Nam” nhằm lật đổ chính quyền.

Ông Định bị buộc tội tham gia đảng Dân chủ Việt Nam, được cho là một tổ chức phản động; soạn thảo và chỉnh sửa một văn bản có tên “Tân Hiến pháp”; làm ra các tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước.

Cáo trạng cho rằng ông Long tham gia Nhóm nghiên cứu Chấn; làm ra nhiều tài liệu nhằm tuyên truyền chống nhà nước; và lôi kéo nhiều người tham gia nhóm nghiên cứu nhưng chưa thực hiện được.

Ông Trung bị cáo buộc thành lập một tổ chức tuyên truyền chống nhà nước khi còn học ở Pháp; tham gia đảng Dân chủ Việt Nam; và làm ra nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước.

Cả bốn người đều bị tuyên phạt theo điều 79 BLHS: ông Thức bị tuyên án 16 năm từ giam và 5 năm quản chế; ông Trung 7 năm tù giam và 3 năm quản chế; ông Định và ông Long cùng mức án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Ông Thức, ông Định và ông Long trong phiến xét xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM ngày 11/05/2010. Ảnh: TTXVN.

Ngày 11/5/2010, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên y án đối với ông Thức và ông Định.

Ông Long được giảm án xuống còn ba năm sáu tháng tù giam và ba năm quản chế. Ông Trung không kháng cáo bản án sơ thẩm nên không được tái thẩm.

Gia đình tuyệt thực sau khi ông Thức tuyên bố tuyệt thực tại trại giam. Ảnh: RFA.

Tháng 8/2012, Nhóm làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc khẳng địnhviệc bắt giữ ông Thức và ba người trên là tùy tiện và trái với luật quốc tế, yêu cầu chính quyền Việt Nam trả lại tự do cho họ.

Ông Thức bị giam tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) rồi bị chuyển ra trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào tháng 6/2013, mà gia đình không hề hay biết.

Thư của Tổ chức Ân xá Quốc tế về trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức. Ảnh: chụp màn hình.

Ngày 5/5/2016, ông Thức bị cưỡng bức chuyển trại từ trại giam Xuyên Mộc ra trại giam Số 6 (Nghệ An) sau khi có đơn tố cáo phạm nhân bị ngược đãi tại trại giam.

Tại nhà tù Nghệ An, ông Thức từ chối đi tị nạn tại Mỹ và tuyệt thực trong 15 ngày để kêu gọi thượng tôn pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.

Tháng 5/2017, Tổ chức Ân xá Quốc tế đăng thư (open letter) kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo điều kiện giam giữ và trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cũng như các tù nhân lương tâm khác.

Tài liệu tham khảo:

Bình luận

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular