Tuesday, September 17, 2024
HomeDU LỊCHBLOGTỔNG HỢP CÁC CHIÊU LỪA ĐẢO KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

TỔNG HỢP CÁC CHIÊU LỪA ĐẢO KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Cập nhật bởi PhamCina

Ngày nay, mạng xã hội cung cấp cho chúng ta một khối lượng thông tin hữu ích, kết nối với bạn bè mọi lúc mọi nơi và giúp việc liên lạc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các hành vi lừa đảo cũng xuất hiện và ngày càng tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho những người dùng mạng xã hội.

Sau đây mình sẽ tổng hợp những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội mà mình biết. Nếu còn hình thức lừa đảo nào mong được các bạn góp ý thêm.

A. Các hình thức lừa đảo:

1. Mạo danh các nhà mạng, cơ quan nhà nước

Các đối tượng lừa đảo thông qua những thông tin của nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội đã giả mạo thành nhân viên các nhà mạng VNPT, FPT,… hoặc giả mạo cán bộ Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thoại lừa nạn nhân chuyển cho chúng một số tiền nhất định.

 

2. Hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo

Các đối tượng lừa đảo sau khi chiếm được tài khoản mạng xã hội của một người nào đó, sẽ dùng tài khoản đó để nhắn tin đến bạn bè, người thân của người đó để nhờ mua card điện thoại. Nhiều người vì tin đó là bạn bè, người thân mình thật nên đã mua card gửi cho các tài khoản này và đã bị mất rất nhiều tiền.

3. Ứng dụng lừa đảo

Các bạn chắc chắn đều biết đến những ứng dụng trên mạng xã hội như Ai hay theo dõi bạn?, Ai là bạn thân nhất của bạn?,… Thực tế không phải ứng dụng nào cũng là ứng dụng lừa đảo, tuy nhiên nếu đúng là ứng dụng lừa đảo thì nạn nhân cũng không thể biết được. Sau khi nạn nhân gặp phải ứng dụng lừa đảo, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng, hình ảnh cá nhân,… và có thể còn bị chiếm tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.

4. Link clip, hình ảnh nóng

Dạng lừa đảo này thường xuất hiện dưới dạng comment kèm theo link dưới các bài viết trong các group. Nạn nhân vì tò mò mà bấm vào, dẫn đến bị chiếm đoạt tài khoản facebook và thông tin cá nhân. Chưa kể đường link đó còn kèm theo yêu cầu cài đặt phần mềm như Flash Player mà nếu nạn nhân cài vào máy thì sẽ bị kiểm soát cả máy tính, mất các thông tin, tài liệu quan trọng lưu trữ trong máy tính.

5. Tặng quà từ nước ngoài

Đánh vào tâm lý sính ngoại của nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được món quà đó thì nạn nhân phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển. Món quà thường được nói là có giá trị lớn để mức phí hải quan cao, khiến nạn nhân không nghi ngờ mà chuyển một số tiền lớn cho đối tượng lừa đảo. Sau khi được chuyển tiền thì các đối tượng sẽ chặn tài khoản nạn nhân và tiếp tục lừa đảo đối tượng khác.

6. Giả mạo bán hàng

Đối tượng lừa đảo mở ra các page bán hàng online trên mạng xã hội, yêu cầu khách mua hàng ứng trước một khoản tiền trước khi giao hàng. Những khách hàng nhẹ dạ, cả tin sau khi ứng tiền cho các đối tượng lừa đảo thì sẽ bị chặn tài khoản và không thể nào lấy lại tiền.

B. Chế tài đối với hành vi lừa đảo trên mạng xã hội:
Những hành vi lừa đảo đều mang dấu hiệu tội phạm khiến cho nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Vì vậy, cần phải xử lý thật nghiêm khắc để răn đe. Theo mình thấy thì hành vi lừa đảo có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự như sau:

1. Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013:

Điều 74. Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản;

b) Lừa đảo qua các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

b) Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.[…]

 

2. Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;[…]

 

C. Tự bảo vệ:

Không chỉ dựa trông chờ vào việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền, mình khuyên những người sử dụng mạng xã hội cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng. Tốt nhất là sau này không chơi mấy cái ứng dụng trên mạng xã hội nữa. Không giao dịch trên mạng xã hội với những nguồn không an toàn. Và điều tiên quyết là không được tin bất kỳ ai trên mạng xã hội, kể cả bạn bè, người thân.

Cập nhật bởi PhamCina ngày 12/09/2017 04:38:47 CH

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular