Tôi không bao giờ thuộc về phe kẻ cướp, tôi thuộc phe nhân dân

0
795
Tôi không bao giờ thuộc về phe kẻ cướp, tôi thuộc phe nhân dân - Doanh nhân Lê Hoài Anh.

Doanh nhân Lê Hoài Anh:

Tôi không bao giờ thuộc về phe kẻ cướp, tôi thuộc phe nhân dân

Sáng chủ nhật, không muốn viết chuyện buồn, ngồi cà phê bên hiên nhà, nhìn bức tượng nhỏ của bố tôi mẹ đặt ngoài vườn. Bố tôi mất còn có 3 tháng nữa là tròn 20 năm. Gia đình tôi chuyển nhà 4-5 lần, kể cả khi lên căn hộ chung cư tôi cũng mang theo tượng bố đặt ở góc vườn nhỏ, dưới chân ông luôn là những bụi hoa cúc vàng nhỏ, loài hoa bố tôi yêu.

Những ngày qua vụ cưỡng chế vườn rau và nhà cửa của bà con Lộc Hưng, phường 6 quận Tân Bình vào những ngày cận tết làm mẹ tôi và tôi nhớ mãi hoàn cảnh của nhà tôi vào những năm 1980-1981.

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018
Photo: RFA

Bố tôi là thương binh, ông bị thương trong 2 cuộc chiến tranh lần 1 là chống Mỹ, lần 2 là biên giới phía Bắc. Bố tôi không phải là bộ đội mà là người làm nghề lái tàu, làm nghề vận chuyển lương thực, vũ khí, bộ đội trong các cuộc chiến. Những người này được điều động tham gia khi có nhiệm vụ hoặc đất nước xảy ra chiến tranh để phục vụ quốc phòng. Lần thứ nhất bố tôi bị sức ép bom và mảnh bom bi vào đùi, lần thứ hai là trúng đạn vào bắp tay. Mảnh đạn và mảnh bom đều vào phần mềm nên bố tôi không bị tàn tật chỉ để lại những vết sẹo, nhưng di chứng nặng nề cho ông đó là sức ép bom đã ảnh hưởng tới tim của ông. Bố tôi là thương binh xếp loại 3/8 ( nặng nhất là loại 1).

1979, sau chiến tranh ông công tác tại sở TBXH Hà nội, nhưng bố tôi với gánh nặng nuôi mẹ già và anh trai bị tàn tật cùng với đàn cháu, vợ và hai con ông về mất sức, ông rất năng động tìm cách làm thêm để có tiền chu cấp cho gia đình trong những năm đói kém của đất nước. Bố tôi mở một cửa hàng nhỏ ở phố hàng Da Hà nội, sửa chữa, thay thế đồng hồ. Ông cũng thường mua đồng hồ từ miền Nam ra miền Bắc bày bán tại cửa hàng này. Cửa hàng của ông chuyên đánh bóng, thay thế, mạ vỏ đồng hồ, tân trang đồng hồ cho khách. Hồi đó Hà Nội có rất nhiều đồng hồ Nga mạ vàng, mà mốt lại là đồng hồ mạ crôm trắng. Thế là bà con mang đồng hồ đi mạ trắng, bố tôi bèn nhả lớp vàng mạ bên ngoài ra, rồi mạ trắng lại đồng hồ cho khách. Lớp vàng mạ ông nhả ra ông phân kim qua nhiều công đoạn thành vàng mười, cứ 14-18 cái đồng hồ ông có 1 chỉ vàng 10 tuổi. Bố tôi trở thành người phân kim vàng nổi tiếng (một trong 2 người nổi tiếng nhất miền Bắc những năm ấy). Ngoài đồng hồ ông còn phân kim tất cả những đồ đạc mạ vàng dày, ông cũng còn phân kim vàng ít tuổi (vàng cốm) để trở thành vàng 10. Ông làm giàu lên từ đấy, ông dạy tôi lao động giúp ông từ bé và chính ông đã dạy tôi không bao giờ được nói dối, nói sai về chất lượng hàng của mình với khách hàng, làm gì cũng phải giữ Đạo Đức nghề nghiệp mới bền. Không gì quý bằng vàng, ngày ấy căn nhà mặt phố Hà Nội chỉ có giá khoảng 10 cây vàng, có nhiều gia đình dành dụm cả năm mới mua được 1 chỉ vàng giữ phòng thân nên chúng ta không bao giờ được bán vàng không đúng tuổi và đủ chất lượng cho họ (ông thường dậy và căn dặn tôi như vậy)

Bố mẹ tôi dành dụm mãi mới có đủ tiền mua căn nhà mặt phố của người quen ở 164 phố Khâm Thiên, đó là căn nhà đầy đủ giấy tờ của bác ấy, bác ấy là nguổi Việt gốc Hoa, những năm nạn kiều gia đình bác muốn chuyển vào miền nam sinh sống, mẹ tôi mua nhà của bác ấy để bác có tiền vào mua nhà ở chợ An Đông Sài Gòn.

Vì bác là người Hoa nên chính quyền tìm mọi cách gây khó khăn cho bác ấy chuyển tên cho bố mẹ tôi, mặc dù gia đình bác ấy không hề vượt biên đi nước ngoài, họ muốn thu nhà của bác ấy, bố tôi vẫn đưa tiền đầy đủ cho bác ấy để bác trai và các anh chị chuyển vào SG mua nhà, còn bác gái ở lại nhà cùng với gia đình tôi để họ không chiếm nhà của chúng tôi. Gia đình bác có đầy đủ giấy tờ, bằng khoán nhà cửa, gia đình tôi mua nhà của bác, bố mẹ tôi đã làm đơn trả lại cái căn hộ bé xíu 19 m2 mà nhà nước cấp cho ông. Thế nhưng chính quyền cương quyết không chứng nhận cho hợp đồng mua bán nhà cửa ấy, họ lên kế hoạch cưỡng chế gia đình tôi ra khỏi căn nhà ấy. Khi ấy tôi mới 14 tuổi. Vào khoảng cận tết 1981 bố tôi viết đơn kêu cứu khắp nơi, ông viết rằng nếu cưỡng chế nhà tôi ông sẽ tự thiêu trước nhà quốc hội. Những ngày ấy đi đâu ông cũng mang theo người 1 chai xăng nửa lít. Ông căn dặn mẹ con tôi rằng trên đời này chỉ có hai điều làm ông không ngần ngại hy sinh bản thân mình, một là cho Tổ Quốc và đồng bào mình, hai là cho gia đình. Khi có giặc ông không ngần ngại vào bom ra đạn vì Tổ Quốc, trong cơn lũ bị lật tàu, ông không ngần ngại tính mạng nhảy xuống sông cứu 16 người, thì giờ này ông sẽ chết để bảo vệ cho tài sản mồ hôi nước mắt có được của ông, của gia đình, cho cả nước biết bọn tham quan không thể bất chấp luật lệ để vơ vét tài sản của nhân dân. Ông nói với mẹ tôi và tôi rằng nếu ông tự thiêu cả nhà hãy trở về căn phòng nhỏ ở, nhưng mang thi thể ông không chôn đặt tại 164 Khâm Thiên, để ông có chết cũng làm oan hồn bảo vệ căn nhà của mình, đất đai của mình.

Có lẽ vì sự quyết liệt của ông mà họ đã không dám cưỡng chế gia đình tôi, rồi sau đó 3 năm gia đình tôi cũng có được tờ giấy sở hữu căn nhà ấy.

Những ngày cuối năm nhìn cảnh cưỡng chế, đập phá nhà cửa tại Lộc Hưng, Tân Bình ký ức cũ của tôi lại tràn về đau buốt, nhức nhối.

Gia đình tôi từ ông nội tôi là nạn nhân oan khiên của CCRĐ, bố tôi và tôi nữa là ba đời phải chứng kiến những cảnh này. Vì vậy tôi không bao giờ mong con tôi, cháu tôi sẽ phải chứng kiến những cảnh này. Đừng hỏi tôi tại sao tôi lại biết đau nỗi đau của đồng bào, của người dân mất nhà, mất đất, mất hết phương tiện sinh sống.

Tôi không bao giờ thuộc về phe kẻ cướp, tôi chỉ thuộc về phe nhân dân.

385090cookie-checkTôi không bao giờ thuộc về phe kẻ cướp, tôi thuộc phe nhân dân