VOA
Tòa án Quốc tế hôm thứ Năm 23/1 ra lệnh cho Myanmar phải đề ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân Rohingya chống nạn diệt chủng, một phán quyết được người tị nạn Rohingya hoan nghênh là chiến thắng pháp lý đầu tiên của họ kể từ khi bị buộc phải sơ tán.
Một vụ kiện do Gambia phát động vào tháng 11 năm ngoái tại cơ quan cao nhất của Liên Hiệp Quốc chuyên giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, cáo buộc Myanmar về tội diệt chủng đối với người Rohingya, qua đó vi phạm công ước quốc tế năm 1948.
Phán quyết chung cuộc của tòa án quốc tế có thể phải mất nhiều năm, và phán quyết hôm Thứ Năm chỉ giải quyết yêu cầu của Gambia phải có các biện pháp sơ khởi.
Nhưng trong một phán quyết nhất trí của hội đồng xét xử gồm 17 thẩm phán, tòa án nói rằng người Rohingya đang đối mặt với một mối đe dọa đang tiếp diễn và Myanmar phải hành động để bảo vệ họ.
Tòm tắt bản án, Chánh Thẩm Abdulqawi Yusuf nói Myanmar “phải thi hành mọi biện pháp trong khả năng có được để ngăn chặn tất cả các hành vi bị cấm theo Công ước chống diệt chủng năm 1948, và báo cáo lại trong vòng bốn tháng.
Các nhà hoạt động Rohingya từ khắp thế giới đã kéo về La Haye, trụ sở của Tòa án quốc tế, họ bày tỏ hân hoan trước phán quyết đồng thuận của tòa, mà cùng lúc xác nhận rằng nhóm thiểu số Rohingya là một nhóm được bảo vệ theo Công ước chống Diệt chủng.
Vào chiều tối thứ Năm, Bộ Ngoại giao Myanmar, nói họ ghi nhận quyết định của tòa quốc tế.
Nhưng Bộ Ngoại giao Myanmar nói thêm: “Lời lên án vô căn cứ của giới hoạt động bênh vực nhân quyền, đã đưa ra một bức tranh méo mó về tình hình ở bang Rakhine, tác động đến các mối quan hệ song phương của Myanmar với một số quốc gia.”
Một phát ngôn viên của chính phủ và hai phát ngôn viên của quân đội Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.