TIỄN BIỆT DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG VÀ “MÓN NỢ” CỦA TÔI VỚI ÔNG

0
126
Dịch giả Dương Tường

Anh Son Tran Duc

Sáng nay vào FB, thấy bạn bè đăng tin nhà thơ / dịch giả Dương Tường rời cõi tạm ở tuổi 92. 

Biết ngày này rồi cũng đến, khi thấy cách đây không lâu, vài người bạn trên FB đăng status nói là ông rất yếu, nhưng khi nghe tin ông mất thì cũng không khỏi ngậm ngùi.

Tôi biết tên của ông từ thời học cấp 3, và đã nhiều tác phẩm văn học lừng danh thế giới do Dương Tường chuyển ngữ, như: CUỐN THEO CHIỀU GIÓ (Margaret Mitchell), ĐỒI GIÓ HÚ (Emily Brontë), ALEXIS ZORBA – CON NGƯỜI HOAN LẠC (Nikos Kazantzakis)… [đọc thời học cấp 3], BỨC THƯ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÔNG QUEN (Stefan Zweig), CỘI RỄ (Alex Haley)… [đọc thời học đại học], CÁI TRỐNG THIẾC (Günter Grass), KAFKA BÊN BỜ BIỂN (Haruki Murakami)… [đọc thời đi làm NCS ngoài Hà Nội], LOLITA (Vladimir Vladimirovich Nabokov) mới đọc năm 2019, khi làm biên tập sách cho Tao Đàn Thư Quán; KIỀU (Dương Tường dịch sang tiếng Anh) [mới đọc năm ngoái]…

Trong số đó, cuốn CỘI RỄ của Alex Haley (tựa tiếng Anh là ROOTS: THE SAGA OF AN AMERICAN FAMILY, do Doubleday Books, Mỹ xuất bản bằng tiếng Anh, phát hành lần đầu vào tháng 12/1976) là  cuốn sách tôi mê nhất trong các dịch phẩm của Dương Tường. 

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần hai tập của CỘI RỄ (in trong hai năm 1984 – 1985 bởi Nxb Tác phẩm mới, tiền thân của Nxb Hội nhà văn hiện nay), trên thứ giấy đen thui của thời bao cấp. Đó là một trong hai cuốn tiểu thuyết ưa thích nhất của tôi thời sinh viên (cuốn kia là ĐẤT VỠ HOANG, của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov, do Nxb Cầu Vồng ở Liên Xô xuất bản năm 1981).

Nhà thơ Dương Tường

Vì thế, sau khi về làm biên tập cho Tao Đàn Thư Quán vào tháng 4.2019, tôi đã đề nghị với anh Thân Hà Nhất Thống, Giám đốc Tao Đàn Thư Quán, đầu tư để tái bản cuốn CỘI RỄ. Anh Thống đồng ý.

Tôi tìm lại hai tập CỘI RỄ đã cũ nát của mình, đánh máy lại toàn bộ và tra soát chính tả, rồi biên tập sơ lược. Nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Đức Kim Long (giáo viên tiếng Anh ở Buôn Ma Thuột, tôi có được file text cuốn ROOTS: THE SAGA OF AN AMERICAN FAMILY (do Vanguard Press ở Mỹ xuất bản, phát hành ngày 22/5/2007, là bản in tiếng Anh muộn nhất của cuốn tiểu thuyết này).

Sau đó tôi giành hai tháng so sánh bản gốc tiếng Anh và bản dịch của Dương Tường. Từ đó, tôi phát hiện ra Dương Tường đã không dịch ba chương cuối của bản gốc tiếng Anh (các chương 118, 119 và 120). Ông cũng lược bỏ hai đoạn trong 117 chương mà ông đã dịch. Tôi cũng tìm ra một số lỗi dịch thuật trong bản in năm 1984 – 1985.

Nhờ quen biết với anh Lê Hoàng Lân (qua FB), tôi được anh Lân cho số điện thoại và địa chỉ nhà riêng của dịch giả Dương Tường. Tháng 10.2020, tôi ra Hà Nội tìm đến nhà ông ở số 3b ngõ Phan Huy Chú.

Ông tiếp tôi cùng với anh Hải Âu, con trai của ông. Tôi tặng ông cuốn Cõi Việt của tôi (in năm 2019) và trình bày với ông ý định tái bản cuốn CỘI RỄ mà ông đã dịch và xuất bản trước đây. 

Tôi cũng nói với ông là tôi tìm ra hai đoạn và ba chương mà ông không dịch. Các đoạn này đã được anh Nguyễn Đức Kim Long dịch sang tiếng Việt, rồi tôi bắt chước giọng văn của ông để viết lại ba chương và hai đoạn này, cho phù hợp với văn phong rất dí dỏm của ông. 

Tôi đưa cho ông bản in ba chương và hai đoạn Việt dịch đó, xin ông thẩm định như thế đã được chưa? Ông hứa sẽ xem và trả lời sau. 

Sau cùng, tôi đề nghị ông chuyển tác quyền bản dịch CỘI RỄ cho Tao Đàn Thư Quán để Tao Đàn Thư Quán xúc tiến các thủ tục xin phép tái bản và hỏi ông mức kinh phí chuyển nhượng để ký hợp đồng.

Lúc ấy thì ông mới nói: “Tôi không giữ tác quyền dịch cuốn này, vì tôi đã bán tác quyền đó cho một bà chuyên làm sách ở Hà Nội, bán một lần. Tên bà ấy là bà Mão, cậu tìm bà ấy để mua lại bản quyền nhé”.

Rồi thì anh Hải Âu cho tôi số điện thoại của bà Mão và bảo tôi liên hệ với bà ấy để bàn chuyện tác quyền bản dịch. Tôi cám ơn ông và anh Hải Âu, rồi trở về Đà Nẵng.

Ba ngày sau, anh Lê Hoàng Lân nhắn tin cho tôi qua messenger báo là: “Bố Tường đồng ý những đoạn dịch thêm của Sơn, và cũng tán thành ý kiến của Sơn là chuyển tên các nhân vật, địa danh trong bản dịch từ hình thức phiên âm sang tên gốc tiếng Anh. Sơn tiến hành các thủ tục tái bản đi nhé”.

Nào ngờ, việc liên hệ mua bản quyền tiếng Anh của cuốn này mới thực sự cam go. Lần theo những thông tin về bản gốc tiếng Anh cuốn ROOTS: THE SAGA OF AN AMERICAN FAMILY, mà tôi tìm thấy trên mạng, tôi biết cuốn sách này đã qua mấy chục lần tái bản, và bản quyền được chuyển giao cho nhiều nhà xuất bản khác nhau. 

Tôi đã gửi không biết bao nhiêu email, tới bao nhiều nhà xuất bản, kể cả tới Alex Haley Foundation để liên hệ mua bản quyền. 

Có vài nhà xuất bản trả lời email, nhưng thông báo là họ không còn giữ bản quyền cuốn này nữa. Họ chỉ cho tôi những nhà xuất bản khác. Tôi liên hệ nhưng bất thành. Tôi nhờ cả anh Trần Quốc Anh và con trai tôi (đều ở Mỹ) gửi mail, gọi điện thoại đến những nơi có liên quan đến vấn đề bản quyền cuốn ROOTS: THE SAGA OF AN AMERICAN FAMILY, nhưng hoặc là họ im lặng, hoặc là chỉ sang nơi khác. Sau cùng tôi cũng tìm ra công ty sau cùng đang nắm giữ bản quyền cuốn ROOTS: THE SAGA OF AN AMERICAN FAMILY là The Knopf Doubleday Group Foreign Rights ở New York (Mỹ). 

Tôi đã gửi mail, gọi điện cho họ nhiều lần để bàn chuyện mua bản quyền cuốn tiểu thuyết của Alex Haley, nhưng họ không phản hồi.

Suốt hai năm 2020 – 2021, tôi đã tốn rất nhiều công sức để tìm mua bản quyền cuốn tiểu thuyết của Alex Haley, nhưng thất bại. 

Vì thế, đến giờ Tao Đàn Thư Quán vẫn chưa thể tái bản cuốn CỘI RỄ được, dù đã có hơn 200 người đăng ký mua bản tái bản mà Tao Đàn Thư Quán dự định tái bản, và bản thảo bản dịch 700 trang đã được biên tập kỹ càng và layout hoàn chỉnh.

Đầu năm nay, khi vạch kế hoạch làm việc của cả năm 2023, tôi tự hứa là trong năm nay, sẽ tìm ra một phương thức nào đó để có thể tái bản cuốn CỘI RỄ qua bản dịch (có update) của dịch giả Dương Tường, và sẽ mang tặng ông bản in số 1, rồi nhờ ông ký tên lên các bản sách cho độc giả đặt mua.

Nhưng giờ thì không kịp nữa rồi. Ông đã rời gót đi vào cõi thiêng. Còn tôi thì mắc ông một “món nợ”.

Xin tiễn biệt ông, một dịch giả tôi rất yêu thích và kính trọng; một đối tác “chưa thành” của Tao Đàn Thư Quán.

Ông yên nghỉ nhé.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)

https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/pfbid0Js5HcVM2QwCNGRMxWfWM5ps9FPDYjxd6djoETeBEe9cnVqbRQhKAbQCk6d2ChhV6l

694040cookie-checkTIỄN BIỆT DỊCH GIẢ DƯƠNG TƯỜNG VÀ “MÓN NỢ” CỦA TÔI VỚI ÔNG