Thời khắc đen tối của châu Âu và bài học làm ngơ trước cái ác

0
414

LUẬT KHOA

Ký ức về hai cuộc thế chiến khiến châu Âu không thể ngồi yên trước viễn cảnh đen tối.

Đăng Nguyễn 26 Feb 2022

Sáng ngày 24 tháng Hai, nguyên thủ Mỹ và các quốc gia châu Âu đồng loạt lên án mạnh mẽ hành động mà họ coi là xâm lược Ukraine của người đứng đầu nước Nga, ông Vladimir Putin. Những ngôn từ giảm nhẹ thường được dùng trong ngoại giao nay được thay thế bằng những công kích trực tiếp như “dictator” (nhà độc tài), “barbaric” (man rợ), “unprovoked and unjustified attack” (cuộc tấn công vô cớ và không thể biện minh), để nói về ông Putin và bước đi quân sự của ông. [1]

Tôi theo dõi chương trình tin tức BBC từ Scotland vào trưa ngày 24/2. Hình ảnh tòa nhà số 10 phố Downing, văn phòng của thủ tướng Anh tại London, hiện ra lúc tờ mờ sáng, liền ngay với hình ảnh các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) bước ra bục phát biểu sau các cuộc họp gấp rút diễn ra vào rạng sáng. Tất cả đều biểu thị một cảm giác bất ngờ, kinh ngạc, và thất vọng sâu sắc của châu Âu trước hành động của ông Putin. Trong số những phát biểu, ông Josep Borrell, người đứng đầu Ngoại vụ EU, cho rằng, “Đây là một trong những thời khắc đen tối nhất của châu Âu kể từ Thế Chiến II”. [2]

Cảm giác bàng hoàng ở đây nghe qua thì ít có lý vì Nga đã dàn quân ở biên giới Ukraine từ vài tháng qua, và ở tầm chính phủ, các dự đoán về một cuộc tổng tấn công đã có từ trước. Nhưng là một người “trong cuộc” – đã học tập, sinh sống, và làm việc trong lĩnh vực chính trị và giáo dục ở châu Âu – tôi nhìn thấy trong sự bàng hoàng đó có căn gốc sâu xa từ ký ức tập thể về những biến cố lịch sử đã xới tung và gieo rắc đau thương mất mát lên cả châu Âu (bao gồm Anh và Scotland). Người châu Âu không thể chứng kiến những gì đang xảy ra ở Ukraine hôm nay qua lăng kính của một cuộc chiến nổ ra ở đâu đó, của các sang chấn kinh tế sắp tới, hay những căng thẳng địa chính trị.

Biểu tình phản đối hành động xâm lược của Putin trên phố Downing, London, Anh. Nguồn: Andy Hall/ The Observer.

Ông Borrell không phải là người duy nhất nhắc tới Thế Chiến. Trong các tin tức tôi đọc những ngày qua trên báo và tivi, nó được nhiều nhà quan sát và cả thường dân nhắc tới. Trong bản tin buổi trưa ngày 24/2 của BBC, khi phóng viên BBC phỏng vấn một người biểu tình phản chiến ở Moscow, sự liên tưởng đến Thế Chiến cũng được nhắc lại.

Tôi nghĩ người châu Âu không phải không có lý trong những liên hệ đầy sự lo lắng của họ với quá khứ. Khi hai cuộc Thế Chiến bắt đầu, nó đều khá bất ngờ và trông có vẻ như một cái nhọt đơm lên ở một chỗ cũng chẳng mấy ảnh hưởng tới ai. Nhưng rồi cái nhọt ấy cứ ngày một lan ra. Từ năm 1938 khi Đức chiếm Áo và một phần Tiệp Khắc, [3] ai có ngờ được cả châu lục đi đến đổ máu, cho đến tận miền xa xôi heo hút Đông Bắc Scotland nay cũng có một tượng đài sừng sững trên đỉnh đồi tưởng niệm những người lính của nước này tử trận trong Thế Chiến.

Thiệt hại sinh mạng của binh sĩ và thường dân trong Thế Chiến II, dù các thống kê có khác nhau, thường lên đến hàng trăm ngàn ở các nước phe Đồng minh ở châu Âu, và đặc biệt lên tới hàng triệu ở những chiến trường khốc liệt nhất, ví dụ như Ba Lan. [4] Chính tổng thống Mỹ Joe Biden, trước những diễn biến ngày 24/2, cũng cho rằng khả năng Putin không dừng lại ở Ukraine, mà tham vọng của ông là tái thiết lại cả Liên bang Xô Viết. [5]

Qua hai cuộc Thế Chiến, người châu Âu và người Mỹ đã học được bài học về hậu quả của chuyện làm ngơ trước những biến cố “chắc nó không liên quan tới mình”.

Hẳn là trong những ngày này, khi các nguyên thủ quốc gia dùng cụm từ “không thể ngó lơ”, không ít người với hiểu biết và ký ức về châu Âu sẽ nhớ tới những lời của mục sư Martin Niemöller về Thế Chiến II. [6]

Đầu tiên chúng đến bắt những người Cộng sản, tôi không lên tiếng vì tôi không phải người Cộng Sản

Sau đó chúng bắt những người Công đoàn, tôi không lên tiếng vì tôi không trong Công đoàn

Sau đó chúng bắt những người Do Thái, tôi không lên tiếng vì tôi không phải Do Thái

Rồi chúng đến bắt tôi, khi đó không còn lại ai để lên tiếng cho tôi.

Còn với người Mỹ, đó là sự kiện Trân Châu Cảng năm 1941, khi họ trở thành nạn nhân và không còn có thể đứng ngoài cuộc chiến.

Đài tưởng niệm binh sĩ Scotland hy sinh trong hai cuộc Thế Chiến, trên đỉnh đồi nhìn xuống thị trấn Stonehaven và bờ biển, Đông Bắc Scotland. Nguồn: Ảnh chụp năm 2019 của tác giả.

Đài tưởng niệm binh sĩ Scotland hy sinh trong hai cuộc Thế Chiến, trên đỉnh đồi nhìn xuống thị trấn Stonehaven và bờ biển, Đông Bắc Scotland. Nguồn: Ảnh chụp năm 2019 của tác giả.

Khi Thế Chiến II nổ ra và trong suốt diễn biến của nó, đã luôn có những người ngó lơ, dửng dưng, ở các mức độ khác nhau.

Triết gia Hannah Arendt, một người Do Thái sống sót qua những năm tháng đen tối đó, đã để lại cho thế giới tác phẩm “The Banality of Evil” (tạm dịch là “Sự tầm thường của cái ác”). Trong sách, tác giả nói về mức độ dửng dưng cao nhất: khi người ta đồng lõa với cái ác mà vẫn không thấy mình liên can tới nó.

Vào ngày 24/2, Ukraine kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển của nước này mà Nga đang dùng cho tàu chiến đi qua để vào vùng biển có thể tấn công Ukraine. [7] Đây là lúc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chọn mình đứng về phía nào của biến cố đang rúng động châu Âu. Không ít người đã nhắc đến tầm ảnh hưởng xa hơn của sự kiện này, rằng không ai trên thế giới có thể “yên thân” khi một nhà độc tài ngạo nghễ sử dụng bạo lực và bất chấp tất cả để đạt được những ý đồ vĩ cuồng của mình.

Sau hai cuộc Thế Chiến, thời đại “Bức màn sắt” (Iron curtain), kéo dài từ năm 1945 đến 1991, cũng là một chương “khắc cốt ghi tâm” nữa của châu Âu về bạo lực và bạo quyền. [8]

“Bức màn sắt” xẻ dọc châu Âu từ Bức tường Berlin xuống Tiệp Khắc và Áo, chia ra bên phải (phía Đông) bức màn là khối cộng sản, và bên trái (phía Tây) là các nước theo dân chủ tự do. Ở bên phải bức màn, hễ nơi nào manh nha muốn cải tổ chế độ cộng sản là ngay lập tức điện Kremlin sẽ dùng sức mạnh quân sự để vùi dập.

Sự kiện Mùa xuân Praha 1968 là một ví dụ. [9] Trước làn sóng cải cách do Alexander Dubcek khởi xướng – người sau này được thế giới vinh danh về tự do tư tưởng – xe tăng Liên Xô đã tràn vào thủ đô Praha để “dạy họ một bài học”.

Với ký ức ám ảnh đó, các nghiên cứu về thời kỳ hậu cộng sản ở Đông và Trung Âu cho thấy người dân các nước châu Âu từng sống dưới chế độ cộng sản thường ngưỡng vọng về khối EU thay vì Nga, không phải chỉ do động cơ kinh tế mà còn vì những giá trị nhân văn và tự do. Và hôm nay, sự căng thẳng và nỗi lo sợ của Latvia, Estonia, Lithuania, và Moldova – những nước từng đứng dưới bóng Liên Xô – nên được hiểu từ lịch sử đó. [10]

Ông Putin rồi sẽ làm gì tiếp với Ukraine, và có thể là vượt ra ngoài cả Ukraine, là chuyện chỉ có tương lai mới có thể trả lời chuẩn xác. Nhưng hôm nay, hình ảnh quân Nga tràn vào Ukraine và phong thái độc tài, vĩ cuồng của Putin ở điện Kremlin khơi gợi lại sống động và cùng lúc những chương sử đen tối của cả châu Âu.

Và người châu Âu, hiểu hơn ai hết nỗi đau của chiến tranh và bạo quyền, chưa bao giờ cùng chung một tiếng nói như lúc này, để ủng hộ và sát cánh cùng Ukraine.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Chú thích:

1.  Morrow, B. (2022, February 24). World leaders condemn Russia’s “hideous and barbaric” attack on Ukraine. The Week. https://theweek.com/russo-ukrainian-war/1010557/world-leaders-condemn-russias-hideous-and-barbaric-attack-on-ukraine

2.  Sangal, B. <. H. (2022, February 25). February 24, 2022 Russia-Ukraine news. CNN. Retrieved 2022, from https://edition.cnn.com/europe/live-news/ukraine-russia-news-02-24-22-intl/h_0f3aa336f0af3558f3458f3caffa1579

3.  Ruane, M. E. (2022, February 24). Putin’s attack on Ukraine echoes Hitler’s takeover of Czechoslovakia. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/history/2022/02/24/hitler-czechoslovakia-sudeten-putin-ukraine

4.  World War II – Costs of the war. (n.d.). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/World-War-II/Costs-of-the-war

5.  Business Insider. (2022, February 24). Biden says Putin’s invasion of Ukraine shows he has “much larger ambitions” and wants to ’re-establish the for. Business Insider India. Retrieved 2022, from https://www.businessinsider.in/politics/world/news/biden-says-putins-invasion-of-ukraine-shows-he-has-much-larger-ambitions-and-wants-to-re-establish-the-former-soviet-union/amp_articleshow/89811936.cms

6.  Martin Niemöller: “First they came for the Socialists. . .” (2012). Holocaust Encyclopedia. Retrieved 2022, from https://encyclopedia.ushmm.org/content/en/article/martin-niemoeller-first-they-came-for-the-socialists

7.  Al Jazeera. (2022, February 24). Ukraine asks Turkey to shut Black Sea waterways to Russian ships. Russia-Ukraine Crisis News | Al Jazeera. Retrieved 2022, from https://www.aljazeera.com/news/2022/2/24/ukraine-asked-turkey-to-close-black-sea-waterways-to-russia

8.  Iron Curtain | Definition & Facts. (2022). Encyclopedia Britannica. Retrieved 2022, from https://www.britannica.com/event/Iron-Curtain

9.  Prague Spring | Czechoslovak history. (2022). Encyclopedia Britannica. Retrieved 2022, from https://www.britannica.com/event/Prague-Spring

10.  Ukraine attack leaves Baltics wondering: Are we next? (2022, February 24). AP NEWS. Retrieved 2022, from https://apnews.com/article/russia-ukraine-russia-estonia-race-and-ethnicity-soviet-union-187f098422b7a3170143de238865b526

611080cookie-checkThời khắc đen tối của châu Âu và bài học làm ngơ trước cái ác