Thời báo Hoàn Cầu: TQ chưa bao giờ ‘cưỡi lưng hổ’ trong xung đột Ukraine

0
233

NCQT 19/09/2022

Nguồn: “社评:中国从未骑在俄乌冲突的“虎背”上”, 环球时报, 13/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trong tuần qua, tình hình chiến trường cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có những chuyển biến phức tạp. Hôm thứ Hai 12/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: kể từ cuộc “phản công” vào đầu tháng 9, các lực lượng Ukraine đã tái chiếm 6.000 km vuông lãnh thổ. Lời giải thích công khai của phía Nga là quân đội Nga đã tự nguyện rút lui về “giải phóng Donbass” để tái tập hợp quân. Tình hình thực tế vẫn chưa rõ ràng, nhưng giới truyền thông Mỹ và phương Tây nóng lòng ăn mừng “chiến thắng vĩ đại trong cuộc phản công” của Ukraine.

Mới đây Hal Brands, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ, đã viết trên Twitter rằng nếu tình hình của Nga ở Ukraine tồi tệ như vậy, nó sẽ khiến Trung Quốc ở vào thế  “cưỡi hổ khó xuống”. Cũng có phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây cho rằng đà tiến công nhanh chóng của Ukraine “chắc chắn đặt Trung Quốc vào thế khó chịu“, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc nên “học bài học của Nga“. Những luận điệu này vừa nhảm nhí vừa độc ác. Đầu tiên, cách khuếch đại “thất bại” của quân đội Nga trên chiến trường sẽ làm tổn hại đến tinh thần của người Nga; sau đó lại gán ghép một cách gượng gạo, biến điều này thành “thất bại” của Trung Quốc, và theo logic của phương Tây, hoặc là “ràng buộc” sâu sắc Trung Quốc với Nga, hoặc cố gắng tạo ra rạn nứt giữa Trung Quốc với Nga.

Nói chính xác, các biểu hiện nói trên càng cho thấy những khát vọng nội tâm của giới tinh hoa Mỹ và phương Tây, đặc biệt là về việc kéo Trung Quốc vào vụ việc này, cho dù Trung Quốc không phải là một bên đương sự, cũng chẳng phải là thủ phạm. Nó hoàn toàn không dựa trên sự thật, mà được thúc đẩy bởi những động cơ xấu xa. Trung Quốc chưa bao giờ “cưỡi lưng hổ” trong cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, thì làm sao lại ở vào thế “cưỡi hổ khó xuống“?

Cần nhấn mạnh rằng lập trường của Trung Quốc đối với xung đột giữa Nga và Ukraine trước sau như một, và tính chất của quan hệ Trung Quốc – Nga và quan hệ Trung Quốc – Ukraine cũng chưa hề thay đổi. Phía Trung Quốc luôn chủ trương tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, coi trọng mối quan tâm an ninh hợp lý của các nước, ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng, cống hiến cho thúc đẩy hòa bình và đàm phán, làm dịu tình hình nhân đạo và phản đối các hành vi trừng phạt đơn phương và quản lý dài hạn mà không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an. Cả Nga và Ukraine đều tỏ ý tán thành quan điểm công bằng và khách quan của Trung Quốc đối với vấn đề Ukraine.

Trên vấn đề Ukraine, khác với thái độ của Mỹ và phương Tây liên tục chọc tức, lợi dụng Ukraine để kéo đổ Nga,  Trung Quốc chưa bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, cũng không nhân cơ hội để trục lợi địa chính trị. Không chỉ vậy, chúng tôi còn cảm thấy xót thương về sự bùng nổ cuộc xung đột Nga-Ukraine, và lo lắng về sự xung đột kéo dài và phát triển theo hướng chiến tranh tiêu hao. Dù tình hình trên chiến trường có thay đổi như thế nào, thì một thực tế xác định và cực kỳ nguy hiểm là những nhân tố dẫn đến bùng nổ xung đột Nga-Ukraine không những không được giải quyết mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Và ngoài những nhân vật có dã tâm về địa chính trị ra, ai lại có thể coi kết quả như vậy là một chiến thắng?

Nhiều phương tiện truyền thông và chính trị gia Mỹ và phương Tây đã lớn tiếng nhấn mạnh rằng vũ khí của Mỹ và NATO đã giúp Ukraine “đảo ngược tình thế một cách kịch tính“, từ đó hình thành một bầu không khí dư luận ủng hộ việc tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine. Các nguồn tin dẫn lời các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết,  Washington và đồng minh đang thảo luận về các nhu cầu dài hạn của Ukraine, chẳng hạn như khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv “trong trung hạn và dài hạn“. Một bên là mong muốn của Washington chiến đấu “đến người Ukraine cuối cùng“, và bên kia là việc Nga nhấn mạnh tiếp tục hành động quân sự đặc biệt “cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đã nêu”. Điều này rất có thể có nghĩa là cuộc xung đột đổ máu sẽ không sớm dừng lại mà sẽ rơi vào bế tắc kéo dài. Thiệt hại do xu hướng này gây ra không chỉ thể hiện trên chiến trường tàn khốc.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 200 ngày, không chỉ ảnh hưởng lớn đến dân chúng hai nước Nga và Ukraine mà người dân châu Âu, mà nhiều nước đang phát triển cũng đang phải hứng chịu tai họa địa chính trị này. Một cựu nghị sĩ Anh mới đây đã chỉ ra rằng “cũng như Mỹ sẵn sàng để Ukraine chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, thì sau rốt, Mỹ cũng sẵn sàng để châu Âu đổ đến giọt máu cuối cùng“. Ngày nay, Washington vẫn đang cố gắng vắt kiệt giá trị địa chính trị của cuộc khủng hoảng Ukraine, cố gắng vắt óc gượng ép vẽ Trung Quốc cưỡi lên “lưng hổ” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Lằn ranh dưới cùng của Washington thấp hơn mức mà thế giới có thể tưởng tượng.

646760cookie-checkThời báo Hoàn Cầu: TQ chưa bao giờ ‘cưỡi lưng hổ’ trong xung đột Ukraine
SHARE
Previous article“sống khôn”
Next articleHồi ức Tây Tạng