“sống khôn”

0
406

Thái Hạo

Hôm qua lúc 00:42

Một giảng viên “nhờ” sinh viên đi thi hộ lấy chứng chỉ, và đã được cấp chứng chỉ! Sự việc xảy ra từ tháng 4/2021 đến này chưa xử lý được, dù giảng viên này đã thừa nhận sai phạm. Nhưng dù thế, cốt lõi của vấn đề đã không được đặt ra: vì sao nhờ, và tại sao nhờ được.

Một cái chứng chỉ, học để lên giảng viên chính mà một sinh viên đi thi hộ có thể thi qua được, thì thử hỏi chất lượng của nó thế nào? Lưu ý, để lên giảng viên chính thì phải cần rất nhiều điều kiện, trong đó ít nhất đã phải trải qua 9 năm làm giảng viên. Có nên vứt nó đi không?

Nếu không vứt đi thì phải đặt ra câu hỏi tiếp theo: Vì sao nó được sinh ra và duy trì. Một lần đang ngồi nhà thì có bạn ghé chơi. Hắn nói đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mà chán quá, bỏ vô đây uống trà. Nhà hai vợ chồng làm giáo viên, đều phải tham gia mấy cái lớp đó, tiền đóng hết mấy tháng lương. Quan trọng là đóng tiền, còn có mặt hay không không thành vấn đề. Lại một lần khác, một người bạn làm phóng viên nhắn tin than thở: đang đi học mấy cái lớp thăng hạng phóng viên, mà mấy ông bà báo cáo viên toàn nói bá láp, chán quá. Ai cũng ngán ngẩm.

Mấy bạn tôi ở nhiều ngành nghề khác nhau kể cái chuyện đi thi lấy chứng chỉ mà cười ra nước mắt. Như những cái chợ. Chép, cóp, í ới, viết bạt mạng nhăng cuội… Và đậu. Và có cái chứng chỉ về vứt đâu đó trên trên nóc tủ, yên thân, chứ tuyệt nhiên không ích lợi gì cho công việc của mình.

Tóm lại là tiền. 

Bọn Tây cũng học và thi dữ lắm, nhưng về tới Việt Nam thì nó thành ra trò khóc cười. Hình thức, qua loa đại khái, hành người lấy tiền. Các loại chứng chỉ nhan nhản mà các ngành đang yêu cầu và tổ chức bắt buộc phải học là một miếng bánh béo ngậy, được làm từ những đồng tiền còm cõi của người lao động.

Nghe than nhiều quá, tôi nổi cáu: thế tại sao không phản đối! “Phản đối làm sao được, họ bắt cả nước vậy chứ đâu phải mình mình”. “Thì cả nước phản đối”! “Có ai dám ho he đâu, chỉ xúi nhau ngoài quán café thôi, khi một người cả tin mà công khai ý kiến thì tất cả im re, thành bẽ bàng và rước họa vào thân ngay”. “Thế thì đáng đời. Đừng than nữa!”.

Trở lại, đến nay, dù sự việc đã xảy ra hơn 1 năm trời (theo quy định là phải xử lý trong thời gian không quá 150 ngày) nhưng ĐHKT Đà Nẵng vẫn chưa xử lý xong, vì đủ lý do vòng quanh tít mù. Vì sao thế? Có lẽ họ cũng tự biết cái chứng chỉ đó chả nói lên điều gì cả, họ tổ chức mà sao lại không tự biết cho được! Giờ mà trảm một giảng viên vì cái tờ giấy vô bổ đó thì tội quá, thế là cù nhây.

Vì tôi hiểu bản chất của những thứ chứng chỉ như thế nên, nói thật, tôi chả đánh giá đạo đức của giảng viên kia khi cô ta nhờ sinh viên đi thi hộ. Cái đáng trách và đáng khinh nên dành cho họ là sự hèn hạ, thấy những thứ vô ích, nhũng nhiễu để moi tiền một cách tàn bạo trên đầu mình như thế, nhưng thay vì lên tiếng phản đối và đòi thay đổi thì họ lại chọn “thích nghi”. Nó là tiến hóa ngược. Người trí thức như vậy thì xã hội về đâu?

Buồn đau là ở chỗ, bây giờ nó đã trở thành một lối ứng xử phổ biến, rộng khắp, ăn sâu và gọi đó là “sống khôn”. Người ta chọn cách sống trong rác, chết vùi trong rác, để sinh tồn – chứ tuyệt nhiên không còn muốn hiệp nhau lại mà dọn cái mớ rác rưởi ấy đi nữa.

Thái Hạo

646730cookie-check“sống khôn”