Thursday, December 26, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmSIẾT CHẶT TỰ DO NGÔN LUẬN QUÁ MỨC, TÔ LÂM COI CHỪNG...

SIẾT CHẶT TỰ DO NGÔN LUẬN QUÁ MỨC, TÔ LÂM COI CHỪNG SẬP CẢ CHẾ ĐỘ ?

Hoài Nam Trần

Trà My

Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm, liên tiếp đề xuất các chính sách móc túi dân và hành dân, như mới đây là chính sách kiểm tra nồng độ cồn ráo riết quá mức.

Đó là lý do, dư luận cho rằng, cứ 10 chính sách của Bộ trưởng Tô Lâm, thì hết 9 chính sách đi ngược lòng dân, và với mục đích để hành dân.

Trên mạng xã hội nhiều người cho biết, bất kể ngày Tết Nguyên đán, lực lượng công an các tỉnh và thành phố vẫn triển khai ồ ạt biện pháp thổi nồng độ cồn ở quy mô cao nhất, và trực 24/7. Không chỉ trên các trục đường ở các thành phố, công an còn len lỏi vào từng ngõ xóm. Thậm chí, công an triển khai ở cả các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, như Lai Châu.

Điều vừa kể đã khiến người dân bức xúc, khi thấy rằng, thay vì đảm bảo trật tự, an toàn cho nhân dân vui Tết cổ truyền, thì lực lượng công an lại lợi dụng để kiếm thêm “bánh mỳ”.

VNN online ngày 13/2 có bản tin: “Truy tìm những người bình luận xúc phạm cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngày mùng 2 Tết”. Bản tin cho biết, Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, đang truy tìm, triệu tập những người viết bình luận thiếu chuẩn mực, vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong bài viết của một Facebooker vừa bị xử phạt 7,5 triệu đồng, với cáo buộc đưa tin sai sự thật, xuyên tạc.

Theo đó, cơ quan công an đã triệu tập Lìm T. T., sinh năm 1998, trú tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, là chủ tài khoản Facebook tên Linh Ninh, lên làm việc và lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Theo cáo buộc của cơ quan Công an huyện Than Uyên, Facebooker này đã chụp ảnh lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, và đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Kèm theo đó là những lời bình luận thiếu văn hóa, xúc phạm, nhằm mục đích câu like, tăng tương tác, và thông báo cho bạn bè biết vị trí có chốt kiểm tra của cảnh sát để né tránh.

Được biết, trên các mạng xã hội được nhiều người sử dụng ở Việt Nam, như Zalo, Facebook…, trong thời gian qua, có rất nhiều hội nhóm được thành lập, để thông báo cho nhau những điểm có chốt của cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn, hoặc “kiếm bánh mỳ”, để né tránh.

Theo một thông tư của Bộ Công an năm 2019, lưu ý rằng, người dân dù được quyền giám sát các hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, nhưng không được tùy tiện đưa các thông tin, hình ảnh họ đang thực hiện nhiệm vụ lên mạng xã hội, hoặc đăng tin trong các hội nhóm. Những người bị xác định là vi phạm thông tư vừa kể, có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Truyền thông nhà nước cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã xử phạt hơn 29 nghìn tài xế vi phạm nồng độ, thu hơn 182 tỷ đồng tiền phạt. Đồng thời, lực lượng chức năng đã tạm giữ khoảng 36.000 xe cộ các loại; tước 18.899 bằng lái.

Việc chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm tuyệt đối người lái xe có hơi men, đã được công luận đa số đồng tình và ủng hộ. Nhưng công luận băn khoăn về nghị quyết của Quốc hội, mới được thông qua ngày 10/11/2023, cho phép Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông. Điều đó đã kích thích sự “hưng phấn” làm tiền quá mức của lực lượng này. Họ bất kể nắng mưa, 24/7 có mặt trên đường để hành dân, khiến cho người dân bức xúc, là điều dễ hiểu.

Tình trạng nhà cầm quyền Việt Nam hình sự hóa quyền tự do ngôn luận của công dân, như vụ việc ở Lai Châu kể trên, một lần nữa cho thấy, chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do biểu đạt của người dân, quyền được hiến định trong Hiến pháp.

Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ: “Công dân Việt Nam được quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, bản chất của quyền tự do ngôn luận là phải để cho người dân có quyền tự do bày tỏ chính kiến. Theo đó, “Dân chủ là làm cho người dân được mở miệng” và “nếu Chính phủ làm không tốt, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.

Song, rõ ràng, quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam hiện nay, được hiểu là, chỉ được phép dùng để ca ngợi Đảng và chính quyền.

Xin nhắc lại, phản biện xã hội giúp điều tiết xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội, để tạo ra sự đồng thuận chung xã hội. Cần phải hiểu rằng, phản biện không phải là chống đối.

Mà từ chối việc phản biện, tức là khuyến khích chống đối. Chống đối phát triển thêm một chút là thành phá hoại và nếu phát triển thêm đến mức cao hơn, có thể sẽ tạo thành cách mạng. Nó có thể lật nhào một nhà nước chuyên chế như Việt Nam hiện nay./.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular