SAI LẦM BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

0
414
Bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc.

Lưu Trọng Văn

Sinh nhật lần thứ 90 của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức nhắc lại câu chuyện giữa bà Nguyễn Thị Bình với nhà văn Nguyên Ngọc. Bà nguyên phó chủ tịch nước hỏi ông Ngọc: chúng ta sai bắt đầu từ đâu? Ông Ngọc đáp “từ Đại hội Tours của đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường của Đệ Tam Quốc tế CS và Lenin”.

Nguyễn Tất Thành ở Tours 1920.

Một lần gã ghé Đà Nẵng thăm bà Lê Thị Kinh nguyên đại sứ VN tại Italia, chị ruột nhà văn Phan Tứ, cùng với bà Bình đều là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh. Bà Kinh là người trong Phan tộc để ra nhiều năm sưu tập tư liệu, nghiên cứu cụ Phan Châu Trinh một cách toàn diện, khoa học dưới duy nhất góc nhìn sự thật của Lịch sử.

Gã hỏi bà Kinh “theo cụ Phan Châu Trinh mà chị nghiên cứu thì Dân tộc chúng ta sai từ đâu?”. Thay vì câu hỏi của bà Bình với ông Ngọc giới hạn “chúng ta sai từ đâu?”

Hai câu hỏi với chủ thể khác nhau và độ dài thời gian khác nhau. Một đằng là “Dân tộc chúng ta sai từ đâu “với chiều dài lịch sử, một đằng là chúng ta(cụ thể là lãnh đạo đảng CS VN) sai từ đâu ở thời hiện đại. 

Trước câu hỏi của gã, bà Kinh đã cho gã đọc hai bài diễn thuyết của cụ Phan năm 1925 tại Sài Gòn trước khi cụ mất.

Trong hai bài diễn thuyết này cụ Phan đã chỉ ra nguyên do chính Đất nước Việt Nam bị lụn bại, lạc hậu. Đó là từ thời nhà Lý, các vua đã rước Khổng Tử về thờ tại Văn Miếu và các vua các triều đại phong kiến đã tôn tư tưởng của Khổng Tử: “Trung quân ái quốc” là rường cột trị nước. 

Cụ Phan cho rằng, khi lấy vua là nền tảng của các giá trị đương nhiên vua chính là Nước, trung thành với vua chính là trung thành với Nước, lời của vua là chân lý tối cao bất cứ ai nói khác đi là phản vua- phản quốc. 

Cụ Phan Châu Trinh.

Cụ Phan trong các diễn thuyết của mình đã cực lực phê phán tư tưởng ấy. Cụ cho rằng chính cái tư tưởng ấy đã tiêu diệt sự phản biện của sĩ phu dẫn đến tiêu diệt tầng lớp sĩ phu. Cụ khẳng định một Quốc gia, Dân tộc không còn tầng lớp sĩ phu thì sẽ sống trong đêm dài tăm tối và rủi ro. Có vua hiền thì gặp may. Có vua thất tài, thất đức thì cam chịu.

Cụ Phan có tư tưởng cách mạng trên nhờ cụ nhiều năm sống bên Pháp, trong lòng châu Âu. Cụ nhận ra nền văn minh chỉ có được khi quốc gia có tầng lớp sĩ phu mạnh. Ở châu Âu tầng lớp sĩ phu ấy chính là tầng lớp quý tộc- trí thức. 

Vấn đề nguyên do Dân tộc VN bị lạc hậu so với thế giới cụ Phan Châu Trinh là người đã phân tích căn cơ, thấu đáo, chính xác nhất. Và nó đúng ngay cả thời hiện đại của Đất nước chỉ khác, thay vì một ông vua là tập thể …vua.

Mới đây chính nhà văn Nguyên Ngọc trên nền tảng phân tích này của cụ Phan đã khẳng định làm rõ hơn, cụ thể hơn tư tưởng cụ Phan từ gần 100 năm trước khi định nghĩa “trí thức là con người thế nào.”

Nhà văn viết:

“Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta.

Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức. Xin nói rõ là họ cần tự do tư tưởng rộng rãi nhất, tuyệt đối, không có bất cứ rào cản, cấm kỵ nào. Họ phải có được quyền suy nghĩ đến cùng, trên mọi vấn đề, lật lại mọi vấn đề, không bị bất cứ sự cản trở nào”.

Một Quốc gia thất bại là do tầng lớp trí thức – sĩ phu của Quốc gia ấy không có dũng khí, không có năng lực ngẩng đầu, không có năng lực dẫn dắt.

Triều đại nào cũng vậy. 

Ở bất cứ đâu cũng vậy.

641220cookie-checkSAI LẦM BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?