LUẬT KHOA
Tôi sinh ra ở một làng nhỏ, thuộc vùng trung du Bắc Bộ, nơi ba con sông uốn mình chảy qua. Cả tuổi thơ cho đến bây giờ tôi vẫn gắn bó với những dòng sông ấy.
Mỗi con sông quê tôi có một chức năng riêng. Sông nhỏ nhất do con người đào đắp, chảy qua giữa những dãy nhà dân dẫn nước khắp một huyện thuần nông. Sông thứ hai thoát nước mùa mưa cấp tỉnh, một chi lưu phụ sông Hồng, chảy uốn lượn quanh các ngôi làng và cánh đồng. Sông thứ ba là một đoạn hạ lưu sông Phó Đáy, chảy mãi từ thượng nguồn vùng Bắc Kạn, trước khi hòa với Lô Giang, Thao Giang nhập sông Hồng tạo ra ngã ba sông Bạch Hạc.
Những dòng sông ký ức luôn mang dư vị tuổi thơ ngọt ngào. Thuở bé tôi thường cởi truồng bơi lội thỏa thê trên làn nước trong veo. Thậm chí, ngày ấy dân làng tôi thường gánh nước sông về sinh hoạt.
Bây giờ thì khác. Sông vẫn chảy. Trẻ con vẫn tắm truồng trên sông, nhưng thuần túy tập bơi, chứ không dám nô đùa bởi rác thải sinh hoạt và xác động vật trôi từ thượng nguồn về. Đoạn trên vứt rác bừa bãi xuống sông thì đoạn dưới cũng thế. Đoạn dưới nữa cũng thế. Tiếp nối đến hạ nguồn thì dòng sông đã ô nhiễm lắm rồi.
Nhiều lúc tôi nghĩ, thôi thế là còn mừng. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa dọc các dòng sông chảy qua làng tôi chưa đến nỗi biến chúng thành những dòng sông chết. Lâu lâu, báo chí lại khui ra dòng sông nào đó đang bị xả thải vô tội vạ, gây ô nhiễm nặng. Cách đây gần mười năm khi Vedan xả thải xuống sông Thị Vải, cả một phong trào phản đối diễn ra. Thế rồi vụ việc cũng chẳng tạo nên tiền lệ tôn trọng môi trường đối với bất kì công ty, doanh nghiệp nào. Bất chấp đạo lý, người ta ngang nhiên đầu độc những dòng sông chảy dài hàng trăm cây số. Nếu bị phát hiện, người ta đổ lỗi cho ý thứ kém, luật nhiều bất cập, chế tài chưa đủ mạnh. Và lãng quên.
Cứ đà này những dòng sông của kí ức tuổi thơ, nguồn cảm hứng cho thi ca nhạc họa, chốn hẹn hò của bao thế hệ trai gái Việt có nguy cơ trở thành cổ tích.
Lo xa hơn nữa, nếu những dòng sông như Cửu Long cạn dòng thì nguy cơ mất an ninh lương thực là điều nhỡn tiền. Vai trò điều tiết nước của những dòng sông là vô cùng quan trọng đối với nền nông nghiệp. Ngược dòng thời gian, văn minh nông nghiệp lúa nước thoát thai bên bờ những con sông lớn. Cư dân, làng mạc đã hình thành từ đó.
Tôi lo lắng cho những con sông cũng vì một lẽ nữa. Nhớ hồi đầu năm nay, chỗ tôi có một người giàu có xây dựng xưởng sản xuất gạch lát vỉa hè, cục vỉa, gạch giả đá. Địa điểm ông chọn cách đồng bãi nơi tận cùng hạ lưu sông Phó Đáy. Ông tính toán hơn chục năm qua sông không hề có nước lớn, coi như chuyển đổi đất bãi thành đất sản xuất công nghiệp.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Năm nay mưa nhiều. Cả mùa mưa ba lần thủy điện Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình đều xả đập. Hai lần trước nước nhỏ ông chủ chủ quan. Nào ngờ lần này nước to hơn dự tính. Cách đây mấy hôm, gần hai giờ sáng, ông chủ gọi điện cho tôi giọng lo lắng: “Lũ to quá, ra chuyển giúp chú ít xi lên bờ”. Tôi ra, dòng nước cuộn chảy. Tôi bơi vào đến xưởng, mấy bố con ông chủ quần đùi cởi trần cùng mấy người thợ đang bàn tính. Cuối cùng mượn chiếc thuyền bê tông chất hai mươi bao xi một chuyến rồi mấy thanh niên lực lưỡng người đẩy người kéo thuyền vào bờ.
Chiến đấu với dòng nước xiết đến tầm 6 giờ sáng, chúng tôi xong việc. Người nào người nấy thấm mệt. Mười mấy người đàn ông cởi trần ngồi bệt vệ cỏ, bàn tán về sông nước, cá nhiều cá ít. Gã ngồi cạnh tôi bâng quơ: “Sao nước sông đỏ ngầu thế nhỉ? Cái này gọi là phù sa phải không?” Gã khác trả lời: “Chính xác. Phù sa bên lở bên bồi đấy!” Gã lại hỏi: “Có phải nước rút đi đất bãi tốt lắm không?” Tôi bảo: “Đúng. Các nhà khoa học phán, đất này phù hợp với các loại cây họ củ, quả, như lạc, củ cải, cà rốt, cà chua…” Gã im lặng, mắt nhìn xa xăm cánh đồng bãi giờ mênh mông trời nước. Không biết gã nghĩ đến những thửa ngô xanh rờn, những ruộng bí sai quả sau lũ hay gã lo nước lâu rút đồng nghĩa hoa màu mất cả.
Tôi nhìn dòng nước đục ngầu, nổi bọt chảy ào ào. Rồi bất giác nghĩ, nếu độ dốc cao, đợt xả lũ này hẳn sẽ gây thiệt hại rất lớn. Ông chủ ngồi co ro bên bếp củi đang tàn, miệng lẩm bẩm: “Đen thế, mười mấy năm mới có nước to thế…”
Tôi luôn quan niệm, những dòng sông ô nhiễm nặng, rồi bị thủy điện khai thác đến cạn dòng trước sau sẽ không còn là sông. Mọi dòng sông đều cần được tự do trôi chảy theo đúng những gì tự nhiên tạo dựng. Làm trái quy luật tự nhiên thì hậu quả sẽ khôn lường. Vậy nên với tôi, quốc gia đáng sống đơn giản là nơi những dòng sông luôn sạch sẽ, trong lành và không bao giờ ngừng chảy.