Wednesday, October 16, 2024
HomeDU LỊCHBLOGQuận Tân Bình chỉ cưỡng chế “các công trình trái pháp luật”,...

Quận Tân Bình chỉ cưỡng chế “các công trình trái pháp luật”, chỉ là chiêu trò gian dối nhằm xoa dịu dư luận?

Vườn rau Lộc Hưng

23-4-2019

Sau khi xảy ra vụ cưỡng chế đất kinh hoàng tại Vườn Rau Lộc Hưng trong hai ngày 04 và 08.01.2019, dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ, nhiều tờ báo Đảng đồng loạt đưa tin theo chiều hướng đả kích bà con nông dân đã “cố tình” xây dựng các “công trình trái phép”, “nhà xây không phép”… trên diện tích đất Vườn Rau. Đặc biệt báo Tuổi Trẻ cho biết, “lãnh đạo UBND Q.Tân Bình chỉ cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất”.

Các báo đài còn khẳng định, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng các thủ tục pháp luật quy định về cưỡng chế, thu hồi đất. Nhưng ngay sau đó, nhà cầm quyền đã tiến hành thu dọn hiện trường, âm mưu rào chắn, dựng bảng “dự án” nhằm thực hiện trọn vẹn công cuộc chiếm đoạt nhà-đất của bà con Vườn Rau Lộc Hưng. Rõ ràng, chiêu trò “cưỡng chế công trình xây dựng trái phép” chỉ là gian dối, xoa dịu dư luận. Ngay nội dung bài báo có ghi “lãnh đạo UBND quận Tân Bình”, nhưng không chỉ rõ “lãnh đạo” là ai để chịu trách nhiệm về sau, cũng cho thấy tính gian dối của truyền thông lề phải.

1/ “Quyền sử dụng” đất Vườn Rau là của bà con

Trong bài viết “Vườn Rau Lộc Hưng nhìn dưới khía cạnh pháp lý”, nhóm GNsP đã trưng dẫn các quyết định của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và nhà cầm quyền cộng sản thời điểm đó về việc“giải quyết tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân phải trên cơ sở nguyên canh là chính”, “Nhà nước chỉ quốc hữu hoá các đồn điền và ruộng đất của các tư sản nước ngoài”…; và ra các văn bản chỉ thị “đăng ký, thống kê sử dụng đất” mà sau này được xem là các giấy tờ hợp pháp… Và bà con Vườn Rau đã “chấp hành”, “thống kê”, “đăng ký”, “đo đạc” ruộng đất với các cơ quan có thẩm quyền trong “công tác quản lý ruộng đất” của nhà nước.

Chính cơ quan chức năng đã “nhận thuế đất” và cấp các biên lai “thu thuế” cho bà con để xác định bà con Vườn Rau có đầy đủ QSD đất của mình. Đến Hiến Pháp 1980 và Luật Đất Đai 1987 quy định: “…Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật…” mà không cần đến cái gọi là “sổ đỏ” khi bà con sử dụng đất lâu dài và ổn định từ năm 1954 cho đến nay.

2/ Cưỡng chế các “công trình trái pháp luật” vi phạm nghiêm trọng pháp luật

Để bảo vệ đất của cha ông đã để lại từ năm 1954, cũng như cải thiện đời sống kinh tế, tìm kế sinh nhai, đặc biệt bảo vệ sự an ninh cho khu Vườn Rau, bà con đã xây tạm những ngôi nhà trọ tềnh toành để cho sinh viên, công nhân nghèo thuê với giá thấp. Các ngôi nhà tạm này chính là tài sản gắn liền với đất hợp pháp của bà con có quyền sử dụng đất lâu dài và ổn định gần 65 năm qua, luôn mong muốn được nhà nước công nhận “quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” cho các hộ dân có thửa đất tại Vườn Rau.

Giả sử rằng, bà con Vườn Rau “cố tình” xây dựng các “công trình trái pháp luật” như các báo chí nhà đảng đưa tin thì nhà cầm quyền quận Tân Bình “cưỡng chế” các công trình trái pháp luật cũng phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Xử phạt Vi phạm Hành Chính (Luật XPVPHC) và các luật liên quan. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã ngang nhiên vi phạm các thủ tục quy định của pháp luật khi “cố tình” làm ngơ và để mặc cho bà con “xây dựng trái phép”, “xây nhà không phép” gần 500 căn nhà – thậm chí có nhiều căn nhà xây từ năm 2012 – mà các cán bộ không có bất kỳ hành vi ngăn cản nào, không “lập biên bản vi phạm hành chính”, không có “quyết định tạm dừng thi công”, “quyết định xử lý vi phạm”, không có biện pháp khắc phục hậu quả như “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;” (được quy định tại Điều 3; điểm b khoản 1 Điều 28; Điều 57 Luật XLVPHC; Điều 2 Nghị định 111/2013/NĐ-CP).

Thậm chí luật quy định rõ, nếu “hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “hết thời hạn ra quyết định xử phạt” thì vẫn phải lập “biên bản” (Điều 65 Luật XPVPHC). Tuy nhiên chỉ có một số hộ gia đình Vườn Rau được nhận “biên bản vi phạm hành chính”, đa số là không nhận được bất kỳ một biên bản nào từ phía nhà cầm quyền phường 6, quận Tân Bình.

Điển hình là những Ngôi nhà đơn thân của Qúy TPB VNCH do Quý cha Văn phòng Công Lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn xây dựng. Sáu căn nhà cho quý ông Thương phế binh VNCH nghèo đơn thân được xây dựng công khai, kéo dài và Qúy Ông TPB đã sinh sống ổn định mà không gặp phải bất kỳ phản ứng nào. Hoặc gia đình Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên cũng xây cất một căn nhà nhỏ cho hai vợ chồng sống cùng con gái nhỏ, nhưng họ không nhận được bất kỳ một “biên bản vi phạm hành chính” nào trong thời gian thi công, cũng chưa nhận được một quyết định tạm dừng thi công nào… Một ông thầu xây dựng từng kể “chỉ cần mua một bao xi măng, hay một xe ba gác chở cát thôi là các cán bộ sẽ đi theo “thanh tra, kiểm tra” xem nhà đó có “xây dựng trái phép” không?”. Nhiều người đặt câu hỏi: Các công trình “xây dựng trái phép” trên đất rừng ở Sóc Sơn sao không bị xử lý, không buộc tháo dỡ công trình trong khi có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết? Bí thư Sóc Sơn nói phá Việt phủ Thành Chương ở Sóc Sơn là “vô cảm”.

Thế thì phá hủy hơn 200 căn nhà của người nghèo Vườn Rau – mà người nông dân đã chắt chiu, quấn khăn buộc bụng từng đồng từng cắc cả cuộc đời của họ là “không” vô cảm sao? Nhà cầm quyền đập nát ngôi nhà của bà con nông dân cận kề ngày tết đến là không “vô cảm” sao? Vậy, “ai” cố tình vi phạm pháp luật? “Ai” cố tình cho người dân “xây dựng trái pháp luật”, sau đó tùy tiện mang máy xúc, máy ủi đến đập phá nhà, bình địa Vườn Rau thành bãi tha ma? “Ai” cố tình vùi dập, triệt đường sống của người dân nghèo? “Ai” đã đẩy người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không công ăn việc làm?

3/ Người dân Vườn Rau Lộc Hưng quyết bảo vệ đất đai của mình

Cái gọi là “lãnh đạo UBND Q.Tân Bình nói cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất”, làm người ta lầm tưởng, như vậy chỉ có “công trình trái phép” của bà con bị cướp, còn đất đai “còn nguyên”? Thực tế là sau khi đưa máy xúc, máy ủi đập phá các ngôi nhà của người dân nghèo thành đống tro tàn ngổn ngang vào ngày 08.01.2019 thì các ngày sau đó nhà cầm quyền đã ngay lập tức lại tiếp tục dùng lực lượng có chức năng gồm công an, an ninh, dân quân tự vệ… rào chắn khu đất Vườn Rau và không cho người dân Vườn Rau vào trên khu đất của chính họ? Nếu chỉ cưỡng chế tháo dỡ thôi, tại sao lại ngăn cản người dân ra vào trên khu đất của họ? Tại sao không trả lại đất cho người dân Vườn Rau – là chủ đất?

Bà con Vườn Rau quyết tâm dùng mọi biện pháp để buộc là được nhà cầm quyền công nhận quyền sử dụng đất cho gần 5 hecta đất mà bà con đã sử dụng lâu dài và ổn định từ năm 1954, tức gần 65 năm. Đây là điều hợp lý, hợp pháp.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular