Saturday, July 27, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGPhương Tây Cần Suy Nghĩ Lại Về Mối Quan Hệ Với Trung...

Phương Tây Cần Suy Nghĩ Lại Về Mối Quan Hệ Với Trung Quốc.

[1] “Phương Tây Cần Suy Nghĩ Lại Về Mối Quan Hệ Với Trung Quốc.” – Nigel Farage
[2] “Nhật Bản Phải Thức Tỉnh Trước Bản Chất Của Chế Độ Đảng Cộng sản Trung Quốc.” – Yoshiko Sakurai, báo Japan Forward

[1] Chính trị gia người Anh Nigel Farage mới đây đã có bài bình luận về mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang bùng nổ tại châu Âu. Ông cho rằng đã đến lúc phương Tây cần thật sự nhận thức rõ bản chất của chính quyền ĐCSTQ và có những hành động thiết thực với thể chế này để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Dưới đây là bài viết của ông:

Phương Tây đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1939 vì dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Hàng nghìn người đã chết, và con số sẽ còn tiếp tục tăng. Cú sốc kinh tế đã trở nên thực sự nghiêm trọng. Thế nhưng, có một quốc gia dường như đang đứng trên mọi chỉ trích: Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu trục xuất các nhà báo Mỹ, tôi tự hỏi: Vây rốt cuộc ai là nhân vật phản diện trong chuỗi thảm kịch này?

Tôi phải thú nhận rằng vào tuần trước, tôi đã ở trong tình trạng trầm cảm nặng, nặng hơn những lần tôi đã từng bị trong đời bởi những lời nói của Trưởng ban cố vấn khoa học của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance. Ông nói 60% dân số Anh cần mắc viêm phổi Vũ Hán để tạo ra tình trạng “miễn dịch cộng đồng”, và lúc đó Thủ tướng Boris Johnson đã không có ý định phản đối điều này. Tôi tính toán khá nhanh và nhận thấy rằng chiến thuật này có thể khiến 400.000 người trong nước thiệt mạng. Vài ngày sau, nhóm phản ứng dịch COVID-19 của trường đại học Imperial đã làm một số ước tính và dự đoán rằng khoảng 260.000 người sẽ chết nếu chính phủ để dịch tự do lây lan.

Sau đó, tôi mừng vì chính sách của chính phủ đã thay đổi. Nước Anh đang hành động giống với nhiều quốc gia khác trong nỗ lực ngăn chặn virus. Phố Downing [nơi Thủ tướng làm việc] đã nhận ra rằng cho phép dịch bệnh lan rộng sẽ hạ gục Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Cuối cùng họ cũng nhận ra điều đó. Chúng ta phải giữ bình tĩnh và hy vọng vào điều tốt nhất.

Tôi tin rằng sự chú ý bây giờ nên quay trở lại Trung Quốc. Khi Tổng thống Trump nói về “virus Trung Quốc” (những người khác gọi nó là “virus Vũ Hán”) ông đã gặp phải làn sóng chỉ trích và bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Tại Hạ viện Anh, ngoại trưởng nội các đối lập Emily Thornberry đã chỉ trích ông Trump: “Bây giờ ông ấy đang gọi nó là virus ngoại, đổ lỗi cho châu Âu vì sự lây lan của nó và hôm nay đổ lỗi cho Trung Quốc.” Tôi ghét phải chen ngang bà Thornberry, nhưng ông Trump đã đúng. Và đây là lúc tất cả chúng ta phải thách thức Trung Quốc.

Có nhiều yếu tố để chúng ta cân nhắc. Đây là lần thứ 3 thế giới phải hứng chịu một thảm hoạ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng mà có lẽ đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Đầu tiên là dịch SARS, sau đó là cúm lợn, bây giờ là virus corona. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy virus này được tạo ra có chủ ý, nhưng cũng không thể nói rằng nó không có chút liên quan gì đến yếu tố con người.

Các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng vệ sinh kinh hoàng ở các chợ động vật hoang dã của Trung Quốc trong nhiều năm, với những loài vật còn sống, đã chết, sắp chết như dơi, tê tê và những con vật khác được xếp cạnh nhau. Dịch cơ thể và tất cả vi khuẩn, virus và ký sinh trùng mà chúng mang theo trộn lẫn vào nhau và có thể đột biến khi tiếp xúc trực tiếp với những người mua.

Không chỉ là vấn đề vệ sinh, Trung Quốc thậm chí đã được một số nơi tung hô nhiệt liệt vì những biện pháp hà khắc được áp đặt để ngăn chặn dịch bệnh tại tâm dịch Vũ Hán. Dĩ nhiên, các bác sĩ và y tá chiến đấu ở tuyến đầu chắc chắn xứng đáng được khen ngợi. Nhưng ngoài câu hỏi liệu các biện pháp này có phải là thứ mà chúng ta nên mô phỏng trong một nền dân chủ, thì điều này còn đang che khuất sự thật rằng Trung Quốc đã áp chế những tiếng nói cảnh báo về nạn dịch khi nó mới xuất hiện, bắt giữ và cảnh cáo những “người thổi còi,” khiến thế giới chậm trễ trong việc phản ứng với dịch bệnh cả tháng trời với cái giá phải trả là hàng ngàn nhân mạng khắp thế giới.

Đây chẳng phải là lúc phương Tây chúng ta cần có một cuộc đối thoại nghiêm túc về Trung Quốc, bắt đầu với sự thật rằng một số tầng lớp của chế độ đó, từ thanh tra vệ sinh đến cảnh sát chìm, phải chịu trách nhiệm cho cơn ác mộng này? Đây chẳng phải đã đến lúc chúng ta cần nhắc nhở mình rằng Trung Quốc là một chế độ độc tài cộng sản tàn tệ nhất, một xã hội giám sát và hành quyết hàng ngàn người dân của nó mỗi năm? Tất cả chúng ta cần xem lại thái độ của mình đối với chế độ Bắc Kinh.

Đã quá lâu rồi không có một nhà lãnh đạo nào trên thế giới dám nói lời phản đối lại họ, ít nhiều đều chấp nhận “mắt nhắm mắt mở” để gắn kết với chế độ đó. Những ưu tiên của toàn cầu hóa được xem quan trọng hơn rất nhiều lần so với nhân quyền. Điều này đã sai hoàn toàn.

Cánh Tả gào lên và la ó ông Trump hay, trên thực tế, bất kỳ ai ở phía cánh Hữu. Tất cả chúng ta [người bên cánh Hữu] đều bị bôi nhọ là những kẻ phân biệt chủng tộc, phát xít và homophobes [kỳ thị đồng tính luyến ái]. Nhiều người trong chúng ta cũng bị quy cho là transphobic [kỳ thị người chuyển giới]. Thế nhưng, trong khi cánh Tả hào hứng tấn công chúng ta liên tục bằng cách đệ trình rất nhiều vấn đề, họ hiếm khi nói một lời nào về Trung Quốc. Việc đàn áp người Hồi giáo Trung Quốc thì sao? Tây Tạng thì sao? Có lẽ Emily Thornberry sẽ làm việc hiệu quả hơn bằng cách tấn công Chủ tịch Tập thay vì Donald Trump.

Tương tự, các nhóm vận động môi trường rất vui khi gây ra sự hỗn loạn trong xã hội bất cứ khi nào họ muốn. Các nhóm giống như Extinction Rebellion đã đưa các thành phố Anh vào tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, họ rất hiếm khi lên tiếng chống lại Trung Quốc – nước phải chịu trách nhiệm cho phần lớn sự ô nhiễm trên thế giới. Tôi thấy mâu thuẫn này thật kỳ lạ.

Trớ trêu thêm nữa, nhà lãnh đạo Serbia Alexander Vucic đã phàn nàn trong tuần này rằng EU sẽ không giúp quốc gia của ông và ca ngợi người bạn mới tốt nhất – Chủ tịch Tập. Tương tự, Ý đã cảm kích nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc cung cấp các vật tư y tế. Sẽ tốt hơn nếu những hành động trợ giúp này của Trung Quốc ít nhất đi kèm với việc thừa nhận trách nhiệm khi để tình hình dịch bệnh leo thang lúc ban đầu. Thật ra cũng khó mà đổ lỗi cho người Serbia và người Ý khi họ nhận sự giúp đỡ này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu là thời điểm tốt nhất để chúng ta thiết lập mục tiêu: Điều chỉnh lại mối quan hệ của chúng ta với chế độ chuyên chế giết người của ĐCSTQ, chế độ đã mang lại sự khốn khổ cho thế giới như ngày hôm nay.

Các chuỗi cung ứng của phương Tây đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hãy xem Trung Quốc hiện đang tận dụng cuộc khủng hoảng mà họ gây ra để mở rộng sự ảnh hưởng tại châu Âu, điều đó khiến người ta lạnh cả sống lưng. Ông Boris Johnson cần phải thấy rằng quyết định mời công ty Trung Quốc Huawei xây dựng mạng 5G của Anh là một sai lầm. Tôi đã chỉ ra trước đó rằng rất nhiều thành viên của tầng lớp các doanh nghiệp lớn của chúng ta, của dịch vụ công, và thực tế của tầng lớp chính trị tại Anh đang làm việc cho Trung Quốc. Họ nên rút ra và suy nghĩ lại. Lợi ích tài chính không được đặt trên lợi ích quốc gia. Sự đúng đắn chính trị từ các hợp đồng kinh doanh với Trung Quốc đã khiến chúng ta không thể nói sự thật một cách cởi mở về cuộc khủng hoảng giống như sự việc đang xảy ra. Điều này có tính phá hoại rất cao.

Tôi không có ý xấu gì chống lại người dân Trung Quốc; cũng không chống các bác sĩ Trung Quốc đang chiến đấu với đại dịch tại Vũ Hán, cũng không chống lại các nhà khoa học Trung Quốc đang kề vai sát cánh với các đồng nghiệp trên khắp thế giới để giải mã căn bệnh này. Nhưng thực tế, Trung Quốc là một quốc gia ý thức hệ với những mục đích thâm sâu, và Chủ tịch Tập – hiện đang ở vị trí lãnh đạo tuyệt đối trong xã hội Trung Quốc – không phải là bạn của chúng ta.

***

[2] Ngày 19/3 vừa qua, tờ Japan Forward đăng tải bài viết có tựa đề “Nhật Bản không được phép để bị lừa bởi chiến dịch tuyên truyền ồ ạt của Bắc Kinh”, đưa ra nhận định rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang muốn “đổi trắng thay đen” trong bối cảnh đại dịch corona từ Vũ Hán đã lan ra toàn cầu.

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết:

“Thẳng thắn mà nói, cuộc chiến này không thể thắng nếu chỉ dựa vào sức mạnh của chính quyền. Toàn bộ từng người dân cần phải hợp tác trong cuộc chiến.” – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trong một bài phát biểu gửi tới toàn quốc vào ngày 29/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi người dân Nhật Bản cùng hỗ trợ nhằm thực thi các biện pháp quyết liệt để kìm chế sự lan truyền của virus corona mới COVID-19, nhấn mạnh rằng một đến hai tuần tới là thời điểm rất quan trọng.

Mặc dù phản ứng của chính quyền đối với đại dịch bị chỉ trích là không tương xứng, bây giờ là thời điểm người Nhật cần đoàn kết cùng các cơ quan chính quyền cấp quốc gia và cấp địa phương, nhằm chiến thắng hiểm họa virus.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thắng trong trận chiến này, Nhật Bản phải thức tỉnh trước bản chất của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này lộ rõ trong sự lan tràn của virus Vũ Hán, ở việc chế độ có xu hướng làm méo mó sự thật và đưa ra những lời dối trá.

Điểm quan trọng nhất trong việc hiểu về virus Vũ Hán là biết rằng thông tin do chính quyền Trung Quốc đưa ra về cơ bản là mập mờ.

Bắc Kinh tuyên bố rằng virus Vũ Hán đã được kiểm soát, ngay cả khi số lượng các ca lây nhiễm tại Nam Hàn và các quốc gia phương Tây tiếp tục bùng nổ. Thực tế, từ 25/2, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cảnh báo về hiểm họa của một đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại mong muốn chúng ta chấp nhận ý niệm mơ hồ rằng, mặc dù chỉ có một hệ thống y tế sơ đẳng, họ vẫn có thể dập tắt hiểm họa của virus corona mới.

1. Giả mạo chiều hướng của dịch corona

Kể từ 17/2, đường cong số liệu của dịch corona tại Trung Quốc, bên ngoài tỉnh Hồ Bắc nơi có thành phố Vũ Hán, đã cho thấy một xu hướng đi xuống “đẹp đẽ”. Mạc dù tỉnh Quảng Đông đã có số người nhiễm virus lớn nhất ngoài Hồ Bắc, nhưng đến 18/2, không có người bị nhiễm mới tại thành phố Thâm Quyền, tương tự đối với thành phố Thượng Hải.

Tỉnh Quảng Đông, nơi có thành phố Thâm Quyền, có dân số xấp xỉ 110 triệu người. Mặc dù virus có thể đã được kiểm soát tại đây, kể từ giữa tháng 2, chính quyền Trung Quốc đã cho phép các lao động nhập cư từ nông thôn được miễn phí vé tàu để trở lại các nhà máy ở các tỉnh ven biển, nhằm khởi động nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc. Trong tình huống đó, các ca lây nhiễm chéo đáng lẽ phải tăng mạnh. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại tuyên bố không có ca lây nhiễm mới nào.

Bắc Kinh quá háo hức muốn công nhân quay trở lại các thành phố, bất chấp nguy cơ lây nhiễm tràn lan, bởi vì chính quyền đang liều lĩnh muốn phục hồi toàn bộ việc sản xuất. Vô số các doanh nghiệp nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản, kéo theo số lượng người thất nghiệp gia tăng.

Theo Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số quản lý tiêu dùng tháng 2 năm 2020 đã sụt giảm xuống 35,7, tụt 14,3% so với tháng trước đó. Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc đang ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ suy thoái kinh tế năm 2008.

2. Phân tích rủi ro của Trung Quốc

Sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng sẽ đe dọa tới chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu. Trên hết, một nền kinh tế tốt là cần thiết để chống đỡ chế độ. Tập Cận Bình và cấp dưới của ông ta đang đánh đổi việc virus lây lan để bảo đảm vấn đề quan trọng nhất đối với Đảng.

Theo Akio Yaita, phó tổng biên tập về các vấn đề ngoại quốc thuộc tờ Sankei Shimbun, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm có kinh nghiệm trong việc hiểu các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh, Tập Cận Bình đã quyết định hy sinh người Trung Quốc để đổi lấy ổn định kinh tế.

Như vậy, 5 đến 10 triệu người nhập cư sẽ sớm phải làm việc cận kề với nguy cơ virus Vũ Hán lây lan. Tỷ lệ tử vong của virus corona mới này ít nhất là 2%. Như vậy nếu những công nhân này bị lây nhiễm, sẽ có khoảng 100.000 đến 200.000 người chết.

Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ không xét nghiệm hay sàng lọc những người này. Vì thế ngay cả khi họ qua đời, cái chết của họ sẽ không có liên hệ gì với virus Vũ Hán.

Hơn thế nữa, bởi vì truyền thông nước ngoài không được phép điều tra độc lập tại Trung Quốc, cái chết của các công nhân nhập cư này có thể bị che dấu. Thực tế, đó chính là cách hoạt động cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phân tích của bà Yaita có thể sẽ trở thành sự thực.

3. Chính quyền Trung Quốc đổi trắng thay đen

Chính quyền Trung Quốc đang rao giảng về “thành công” rực rỡ trong việc kiểm soát virus. Tuy nhiên đây chẳng qua chỉ là một kỹ thuật dối trá đổi trắng thay đen. Thực tế, chính quyền này còn đang muốn bóp méo sự thật, để Nhật Bản trở thành quốc gia gặp khủng hoảng chứ không phải là Trung Quốc.

Ngày 25/2, chính quyền thành phố Uy Hải, Sơn Đông, đã yêu cầu những người tới từ Nhật Bản và Nam Hàn phải cách ly 14 ngày. Sau đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 28/2, Đảng viên Cộng sản Yang Jiechi đã tuyên bố, “Trong cuộc chiến chống lại virus, chính quyền Trung Quốc đã sẵn sàng để hỗ trợ chính quyền Nhật Bản”.

Hơn nữa, trang chủ của đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, đã khoác lác về việc Trung Quốc cung cấp khẩu trang và trợ giúp cho Nhật Bản. Nói cách khác, Bắc Kinh đang dùng mưu mẹo để chuyển kịch bản “Nhật Bản giúp Trung Quốc” thành “Trung Quốc giúp Nhật Bản”.

4. Phản ứng ấp úng của Nhật Bản

Phản ứng của Nhật Bản đối với chiến dịch tuyên truyền ồ ạt – được thiết kế bởi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bóng tối – thật ấp úng. Một ví dụ là sự thực rằng Nhật Bản vẫn tiếp tục tiếp nhận mà không cách ly các du khách tới từ Trung Quốc, ngoại trừ người về từ hai tỉnh Hồ Bắc và Chiết Giang. Mặc dù Bộ Ngoại giao đã giải thích rằng không cần thiết phải kiểm soát toàn bộ người tới từ Trung Quốc, nhưng điều này là không thực tế trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó lời chứng của quan chức nhập cư vào ngày 27/2 trước Bộ Tư pháp cho biết, số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản đã giảm xuống nhưng vẫn còn 1.000 lượt/ngày. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đã có các biện pháp sàng lọc và cách ly người Nhật Bản tới Trung Quốc, thì Nhật Bản lại tiếp tục đối xử nhẹ tay với du khách Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi logic từ quan điểm y tế và vệ sinh.

Thủ tướng Abe đã kêu gọi toàn bộ nước Nhật hợp tác nhằm chế ngự virus Vũ Hán. Nhưng để có được sự đồng cảm và chấp nhận của công chúng Nhật Bản, dù muộn, cần phải cấm nhập cảnh người tới từ bất cứ nơi nào ở Trung Quốc.

Hơn nữa, để phản ứng lại việc chính quyền Trung Quốc tạo ấn tượng rằng Nhật Bản là ổ dịch nguy hiểm của virus Vũ Hán, Nhật Bản cần phải làm rõ ràng vấn đề này. Giữ quan hệ hữu nghị với một quốc gia láng giềng và bình tĩnh đối diện với sự ngụy tạo bôi nhọ, đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

5. Dịch bệnh và sự hình thành các triều đại Trung Hoa

Sự bùng phát của virus Vũ Hán là điều vượt qua mối quan hệ song phương Nhật-Trung. Thực tế, nó có thể quyết định số phận của đất nước Trung Quốc. Cả triều nhà Minh, thành lập thế kỷ 14, và triều Thanh, triều đại mở rộng lãnh thổ Trung Nguyên đến cực điểm, đều bị sụp đổ phần nào do đại dịch đậu mùa và dịch hạch.

Có bằng chứng nào cho thấy lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình có thể sống sót trong cuộc đấu tranh quyền lực chắc chắn sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới?

Tập Cận Bình đang đứng trong thế đối lập với Mỹ. Mặc dù đúng là Mỹ cũng có các vấn đề của họ, quốc gia này vẫn là một siêu cường quốc. Như giáo sư Tadae Takubo thuộc đại học Kyorin đã nhấn mạnh, Mỹ có lợi thế rõ ràng về cấu trúc dân số và nguồn tài nguyên năng lượng. Kinh tế Trung Quốc đã gần chạm đáy.

Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với việc xã hội bị già hóa, với số lượng trẻ sơ sinh tụt giảm. Và mặc dù Trung Quốc còn lâu mới có thể tự cung tự cấp năng lượng, Mỹ có nguồn lực tự nhiên dồi dào trong lĩnh vực này.

Là quốc gia láng giềng khổng lồ, và là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc rõ ràng có một vai trò quan trọng không thể xem nhẹ. Chúng ta không thể xem nhẹ sức mạnh của Trung Quốc. Tuy vậy, Nhật Bản phải đứng về phía Mỹ.

Chính quyền ông Abe không được phép cho Bắc Kinh kẽ hở để làm gián cách Tokyo và Washington. Thay vào đó, Nhật Bản cần cho thấy chỗ đứng rõ ràng, cho thấy chúng ta có chung các giá trị căn bản với Mỹ, và cho thấy chúng ta không tiếp nhận các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Để Nhật Bản có thể chọn con đường đó, Thủ tướng cần cải cách lại bộ máy của mình.

Link gốc:

[1]: The Virus is Yet Another Reason to Rethink the West’s Relationship With China
https://www.newsweek.com/nigel-farage-china-coronavirus-wes…

[2]: Japan Mustn’t Be Fooled by Beijing’s Propaganda Blitz
http://japan-forward.com/japan-mustnt-be-fooled-by-beijing…/

Nguồn bài, ảnh: Net.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular