Wednesday, April 30, 2025
HomeBIỂN ĐÔNGPHONG TRÀO XUỐNG ĐƯỜNG CỦA CÔNG NHÂN XƯA VÀ NAY NHỮNG BÍ...

PHONG TRÀO XUỐNG ĐƯỜNG CỦA CÔNG NHÂN XƯA VÀ NAY NHỮNG BÍ SỬ SAU 10/06/2018

I. PHONG TRÀO XUỐNG ĐƯỜNG CỦA CÔNG NHÂN XƯA VÀ NAY
1- Phong trào đấu tranh của công nhân VN nửa đầu thế kỉ XX
Vì sao công nhân Việt Nam trong những năm 20-45 của thế kỉ XX lại xuống đường biểu tình? Ai là người đã lãnh đạo họ và những cuộc đấu tranh đó có thành công không?
Thưa các bạn!
Giai cấp công nhân Việt nam được hình thành từ khi thực dân Pháp đã bình định xong đất nước ta và bắt đầu mở cuộc khai thác lần một (1914-1918) trùng khớp với Thế chiến thứ Nhất. Phong trào công nhân Việt Nam cũng bắt đầu được khơi mào từ sau cuộc chiến ấy và nhất là nó được ảnh hưởng sâu sắc cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1917). Rồi sau đó ảnh hưởng rất mạnh mẽ Phong trào Quốc tế Vô sản (1919-1925), rồi phong trào Dân tộc, Dân chủ (1936-1939) khi ĐCS VN ra đời và lãnh đạo họ…

Vì sao họ xuống đường? Vì họ bị một cổ 3 tròng (chủ tư bản mại bản + nhà nước phong kiến Việt + tư sản Việt bóc lột). Họ bị cúp lương, bị đánh đập, bị cướp đoạt mọi quyền lợi.

Lúc đầu, họ được những người công nhân ưu tú trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền… đứng lên dẫn dắt, lãnh đạo họ xuống đường biểu tình đòi nhà cầm quyền và các chủ nhà máy, đồn điền… phải thực hiện các yêu sách của họ như tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập và các quyền lợi khác. Sau đó, họ được các “lá cờ tiên phong” trong tổ chức ĐCS lãnh đạo, tiến dần lên đấu tranh đòi quyền Dân tộc, Dân chủ. Trong những năm đấu tranh ấy, có những cuộc xuống đường thành công, buộc chủ thợ phải xuống nước thương thuyết với người đứng đầu phong trào, thực hiện các yêu cầu của họ. Nhưng nhiều cuộc biểu tình bị dìm trong bể máu… song họ đã thành công ở cuộc Cách mạng tháng Tám, 1945, dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN, giành được vị thế “Độc lập, Dân chủ, Tự do, Hoà bình…” cho dân tộc. Giai cấp công nhân trong suốt nửa thập kỉ đó, họ thực sự là giai cấp tiên phong trong công cuộc đấu tranh đòi lại bát cơm, manh áo và quyền tự chủ của một đất nước.

2- Giai cấp công nhân từ sau 1945 và cuộc xuống đường ngày 10/06/2018
Sau khi làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng hiện hình là “giai cấp vô sản” (giai cấp trắng tay). Nhưng họ vẫn kiên định đi dưới ngọn cờ của lãnh tụ. Họ cũng như đội quân “vệ túm” xuất thân từ những vùng “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá”. Lòng yêu nước của họ cũng giống nhau ở sự chân thành, ngây thơ, không bao giờ hoài nghi mình bị ai đó lợi dụng. Lâu dần sống trong “giấc mơ XHCN – thế giới đại đồng”, họ trở thành những “vật liệu biết nói”, thứ công cụ có công năng hữu ích cho một nhóm người ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng họ vẫn không hề nhận ra, dù thời gian đã qua đi gần một thế kỉ.

Vì sao vậy? Vì họ tin tưởng một cách tuyệt đối vào con đường đi lên “thiên đàng”, “ đi tắt đón đầu” mà nhóm lãnh tụ của họ đặt ra, toàn là những người sáng suốt, tài ba… Lâu dần, họ ỷ lại… cam phận, họ sống thụ động trong nền kinh tế bao cấp (tem phiếu). Họ không chịu quan sát thế giới quanh mình, không chịu nghĩ, không chịu học hỏi, vươn lên. Lâu dần sống trong nền giáo dục nô dịch nên nền dân trí của họ cũng như của toàn dân thấp dưới mức sàn, so với trình độ và nghiệp vụ, chuyên môn của công nhân quốc tế thì họ thua xa. Hơn nữa, về văn hoá giao tiếp, ứng xử, họ cũng không muốn đuổi kịp công nhân các nước trong khu vực. Sống ở đâu, trong hay ngoài nước, họ vẫn cứ bê nguyên thứ văn hoá bóc ngắn cắn dài, lười biếng, tư hữu, ăn cắp, vô trách nhiệm, thụ động… của nước mình đến với nước người. Thế nên, họ vẫn bị một cổ 3 tròng (TB mại bản, TB đỏ trong nước, chính quyền bóc lột) nhưng họ cũng vẫn không hề nhận ra. Cái tư duy “làm thuê” thì chỉ cố đủ ngày hai, ba lần tống đầy cái túi cơm là đủ. Thậm chí, công nhân ở nhiều nhà máy làm thuê cho công ti nước ngoài, đời sống còn nheo nhóc, không đủ chi phí cho những sinh hoạt tối thiểu của một con người nói gì đến nuôi thêm một người nữa. Rồi năm hết tết đến còn không có nổi tấm vé về thăm quê. Nhưng lạ thay! Họ vẫn cam chịu như một thứ “vật liệu biết nói”, trung thành với truyền kiếp làm nô lệ.

Còn nữa, họ không có Tổ chức Công đoàn độc lập. Công đoàn được dựng lên cũng chỉ là bù nhìn, tay sai cho chủ. Không ai dạy cho họ về kĩ thuật nghiệp vụ, về văn hoá ứng xử, lòng trung thực và ý thức trách nhiệm với công việc, để nhận được đồng lương cao. Khi công nhân bị ốm đau, bị ngược đãi, bị đuổi việc, cúp lương, bị chà đạp nhân quyền… thì không có một ai thay họ đứng ra thương thuyết với chủ, bênh vực quyền lợi cho họ cả…

Họ không hề biết sau Luật An ninh mạng được thông qua thì tương lai của họ sẽ bị lâm vào nạn thất nghiệp. Bởi các nhà máy, các công ti sản xuất, lắp ráp, các ngân hàng đầu tư vốn vào Việt Nam, họ sẽ tháo chạy để bảo toàn tài chính và sự sống còn của họ. Hơn thế, cuộc cách mạng 4.0 sẽ sáng tạo ra Robot thay thế con người trong các nhà máy, kể cả Robot chăm sóc người già, giúp việc trong nhà. Vậy, số phận mỗi người sẽ trôi về đâu? Đau đớn thay! Chẳng những họ chẳng nhận ra số phận của mình mà còn lao vào con đường ăn chơi, trụy lạc. Gái chưa chồng thì nhiều người ngày làm trong công xưởng, đêm bán hoa kiếm thêm thu nhập (báo chí quốc doanh gọi là bán “rau sạch”); nam giới chưa gia đình thì nướng vài đồng tiền lương còm vào rượu bia, thuốc lá, thậm chí nghiện ngập… Thái độ sống khác nào nước trôi qua cầu?

Cuộc xuống đường của công nhân mấy năm gần đây, đặc biệt là ngày 10/06/2018 cũng chỉ xẩy ra theo kiểu tự phát ở một số nhà máy như ở tỉnh Bình Dương, chứ không thấy có “lãnh tụ Cộng sản” lãnh đạo như thời Pháp thuộc nữa. Không thấy ai cầm cờ tạo thành làn sóng, phong trào sâu rộng trên toàn quốc. Thế rồi, họ lại nhanh chóng bị chính quyền dập tắt bằng dùi cui, lựu đạn hơi cay, đánh đập, đàn áp tàn nhẫn, bắt bớ, đuổi việc, cắt lương… Phải chăng “lãnh tụ” của họ đã trở mặt với họ? “Lãnh tụ” của họ xưa đã từng đứng trong hàng ngũ của họ, lãnh đạo họ, lên án, tố cáo chế độ thực dân, tư bản bóc lột đến tận xương tuỷ công nhân, đã dìm phong trào công nhân trong bể máu, đã dựng nhà tù nhiều hơn trường học, đã cướp đoạt mọi đặc quyền đặc lợi, không cho kinh tế tư nhân trong nước ngóc đầu dậy… Vậy có phải “lãnh tụ” của giai cấp vô sản hôm nay lại đang thay thế cho các ông chủ tư bản bóc lột xưa làm những chuyện đó không? Một sự hoán vị ngoạn mục mà trình độ văn hoá thấp sao có thể nhận ra? Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ của một cô giáo dạy văn: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh? Bốn ngàn tuổi mà vẫn không chịu lớn. Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm. Trước những bất công mà không biết kêu đòi…”

Xưa Chủ nghĩa Mác – Lênin đã từng lấy giai cấp công nông làm nòng cốt đấu tranh cách mạng mà vì sao giai cấp công nông ngày nay sống giữa thời đại hội nhập thế giới, mà lại không thể phát huy vai trò tiên phong của mình trong phong trào đòi quyền độc lập, tự do, dân chủ cho chính mình và quyền tự chủ, tự quyết của dân tộc mình? Phải chăng tinh thần của giai cấp tiên phong đã bị tê liệt bởi sự u mê, mù quáng, đớn hèn…?

II. NHỮNG BÍ SỬ SAU 10/06/2018
Hiện tượng xuống đường lịch sử của nhân dân và công nhân Ngày 10/06 vừa qua đã đi vào sử xanh, đặc biệt là hiện tượng Phan Rí Cửa (Bình Thuận) cho tới giờ nhiều người vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng mà nó vẫn nằm trong “thâm cung bí sử”. Những người ném đá, ném bom xăng đốt nhà công, xe công vụ là ai? Chính quyền nói rằng đã bắt 200 kẻ gây rối ngày hôm đó mà cũng chẳng rõ mặt ai? Tin thật hay giả? Đây có phải là cách tung hoả mù, hù doạ nhân dân? Các chính khách và báo chí, truyền thông thì vu lên rằng đó là những tay nghiện ngập, những người nông dân nghèo nhận tiền của các thế lực phản động mà làm việc đó… Các chóp bu lãnh đạo cứ nói một cách mơ hồ rằng cuộc xuống đường của nhân dân là do có thế lực phản động, thù địch xúi giục… Giả thiết, nếu có bàn tay vô hình mượn tay dân để đấu đá nội bộ theo “thuyết âm mưu” nhằm lật đổ chính quyền hay để buộc ai đó phải từ chức thì sao dân vẫn bị đàn áp một cách điên cuồng?

Biểu tình ở TPHCM hôm 10/6

Vậy với họ, các thế lực thù địch của họ là ai? Ai xúi giục, ai lợi dụng dụng lòng yêu nước của nhân dân, ai bật đèn xanh, bảo kê, ai đạo diễn mà có cả chục ngàn người đồng loạt xuống đường trên cả ba miền đất nước? Trong khi đó, những nhà hoạt động dân chủ công khai thì đều bị chính quyền phái người canh cửa? Điều này chứng tỏ chính trong nội bộ của đảng đã bị phân rã và mâu thuẫn phe cánh tranh chấp quyền lực, lợi lộc, ăn chia không đều… đã bị lộ thiên. Thế lực thù địch nằm ngay trong nội bộ chính quyền và cũng có khi còn có cả bàn tay bên ngoài thò vào, khoắng nội bộ lên mà đục nước béo cò, chứ chẳng hẳn phải là sự đối nghịch với nhân dân.

Nhiều nhà hoạt động chính trị cho rằng việc dừng ra Luật Đặc khu có thể nằm trong “thuyết âm mưu” chứ không phải sẽ “bị bỏ rơi” như một số người nhận định. Họ sợ ngày ra Luật cũng là ngày “giỗ” của tập đoàn. Thế nên các phe nhóm tạm thời “hoà hoãn, đình chiến” với nhau để tìm kế sách mới. Cũng có ý kiến cho rằng trong nội bộ cũng có phe “canh tân” thức tỉnh cho tứ trụ nên “dừng tay”… vì bất lợi nhiều bề. Người ta có thể suy diễn bằng nhiều hướng nhưng có một điều không thể phủ nhận là… cốc nước đã tràn li…

Đã đến lúc phải chấm dứt vai trò lịch sử của nó, đó cũng chính là ý Trời lòng Dân. Khi cái ác, cái bất công, vô lí đã đạt đến cái ngưỡng của nó thì lập tức nó sẽ bị trừng phạt. Nó bị trừng phạt ngay chính trong nội tại của nó. Nó bị trừng phạt bởi chính sự phản bội của nó. Nhân dân chính là quan toà xử án kẻ có tội chứ không phải ai khác.

Thưa các bạn!
Tất cả nước đang hồi hộp, nín thở chờ đợi một cuộc vật đẻ, sinh nở đau đớn hay thuận lợi của dân tộc sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới thế nào? Việc gì đến sẽ phải đến… Chúng ta hãy cùng nắm chặt tay nhau, chuẩn bị tinh thần…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular