Tuesday, December 10, 2024
HomeBLOGPhóng sinh sao không phóng thích?

Phóng sinh sao không phóng thích?

Blogger Nguyễn Tường Thụy
2018-02-27/RFA

1.

Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấp lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.

Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.

Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.

Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi

Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt – thả, chim sẽ hao đi một số.

2.

Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.

Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.

Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.

3.

Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.

Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular