NỖI SỢ HÃI TRONG MÙA DỊCH

0
324
Công an & dân phòng chặn đường kiểm tra giấy xét nghiệm covid-19 gây ách tắc giao thông tạo ra môi trường lây nhiễm cao nguy hiểm

Xuân Sơn Võ

Hôm nay, một giáo sư Việt kiều lớn tuổi gọi cho tôi. Ông cảm thấy ông bị bỏ rơi, và ông khá bức xúc. Ông hỏi tôi chỗ xét nghiệm để ông có thể đi máy bay về nước. Tôi khuyên ông nên đăng kí chích vaccine theo trang đăng kí chích vaccine của chính phủ.

Tôi hiểu cảm giác của ông. Chúng ta đang ở trong một tình cảnh hết sức đặc biệt. Truyền thông đã làm cho chúng ta sợ hãi quá đáng trước con virus Vũ Hán. Chính sự sợ hãi quá mức đó đã làm cho chúng ta chủ quan, đắc thắng khi có những thành công bước đầu trong chống dịch. Từ đó, không mấy người quan tâm, tìm hiểu kĩ càng về con virus Vũ Hán, và hoàn toàn không có sự chuẩn bị tốt cho đợt bùng phát lần này, cả về phía chính quyền và người dân, cả về cơ sở vật chất và tinh thần.

Bây giờ, sự lúng túng và chậm trễ trong việc chống dịch đã bắt đầu gây hậu quả khi số ca nhiễm tăng cao. Một số hiện tượng tiêu cực mà trước đây xảy ra ở các nước đã được truyền thông thổi phồng về mức độ ghê sợ đang xảy ra ngay tại thành phố lớn nhất nước. Sự sợ hãi ban đầu lại có dịp bùng phát mạnh mẽ. Càng sợ hãi, thiệt hại lại càng nhiều, càng tăng theo.

Như một bài viết cách đây hơn 1 tháng của tôi có dẫn chứng khoa học, nếu chúng ta đạt đến mức lây nhiễm nhiều nhất thế giới, tỉ lệ lây nhiễm trong dân số ngang bằng với Mỹ, 10,06%, thì sẽ phải có 9.869.479 người nhiễm. Ngay cả khi đó thì vẫn có tới 90% khả năng là chúng ta không bị lây nhiễm. 

Chúng ta hay lấy Ấn Độ làm biểu tượng của sự kinh hoàng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Nhưng thực ra tỉ lệ lây nhiễm của Ấn Độ chỉ có 2,06%. Tức là, nếu chúng ta đạt đến độ kinh hoàng như Ấn Độ, thì có tới 98% khả năng là chúng ta sẽ không bị nhiễm.

Về tỉ lệ tử vong, nước có tỉ lệ người tử vong trong số người nhiễm cao nhất thế giới là Brazil, tỉ lệ này ở Brazil là 2,8%. Còn ở Mỹ, tỉ lệ này là 1,79%. Riêng Ấn Độ, biểu tượng của sự kinh hoàng, tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều: 1,19%. 

Nếu chúng ta lấy tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới của Brazil so với dân số của họ, chúng ta thấy số người chết do viêm phổi Vũ Hán chiếm 0,2202%, tức là, nếu Việt nam có rơi vào thảm cảnh ở mức tệ nhất thế giới về người chết, thì vẫn có tới 99,78% là không bị chết bởi con virus Vũ Hán này.

Trong khi Mỹ là nước có số người tử vong cao nhất, hiện nay là hơn 600 ngàn người tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán, thì năm 2020, số ca tử vong vẫn chỉ đứng hàng thứ ba, sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Tức là, nếu bạn bị cao huyết áp, hay các bệnh tim mạch khác, thì khả năng chết của bạn cao hơn nhiều so với nếu bạn bị nhiễm virus Vũ Hán, mà tử vong ở mức cao nhất thế giới.

Theo tôi, ở Việt nam, nếu bạn bị tăng huyết áp, bạn sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với bạn bị nhiễm virus Vũ Hán. Bạn hãy nên hốt hoảng khi phát hiện mình bị tăng lipid máu, hơn là hốt hoảng khi bị nhiễm virus Vũ Hán.

Thế nhưng, chúng ta có xu hướng sợ hãi những thứ mà chúng ta ít nghe đến. Mấy hôm nay, trên mạng xuất hiện khá nhiều clip cảnh người bị viêm phổi Vũ Hán chết, và nó lan rất nhanh. Thế nhưng, cũng mấy hôm nay, chúng ta có đến hàng mấy ngàn người chết vì đột quị, suy tim, ung thư… 

Ở Việt nam, vào thời điểm này, số người chết vì đột quị, suy tim, ung thư… cao gấp hàng chục lần so với chết do viêm phổi Vũ Hán, nhưng chẳng có ai quay phim và đưa lên mạng, chẳng có Facebook, Zalo nào nhắc đến họ.

Những biện pháp chống dịch cũng góp phần làm chúng ta hoảng sợ trước con virus Vũ Hán. Tôi cho là bản thân chính quyền, thời gian gần đây, khi khống chế dịch khó khăn, cũng đã hoảng sợ nên đã đưa ra các cách chống dịch càng ngày càng cực đoan, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng ta. 

Sự hoảng sợ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội, mà còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên sức đề kháng của từng cá nhân. Từ đó, người nhiễm virus Vũ Hán dễ bị trở nặng hơn, và khi bị trở nặng cũng dễ chết hơn. 

Sự hoảng sợ của người nhiễm virus Vũ Hán có liên quan chặt chẽ đến sự cô đơn, và cảm giác bị bỏ rơi. Vì vậy, trong đề xuất sắp tới của tôi, tôi sẽ chú ý đến việc tư vấn của bác sĩ, giao tiếp của người nhà, và cả sự hỗ trợ tinh thần của tôn giáo… để dập tắt cảm giác cô đơn, và cảm giác bị bỏ rơi, cùng sự hoảng sợ, tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua dịch bệnh.

595510cookie-checkNỖI SỢ HÃI TRONG MÙA DỊCH