Tại Hoa Kỳ, ngày của Mẹ (Mother’s Day) là một ngày lễ hàng năm được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng Năm. Ngày của Mẹ vinh danh những người mẹ, tình mẫu tử ruột thịt và tình mẫu tử nói chung, cũng như những đóng góp tích cực của người mẹ cho gia đình và xã hội. Có một số người Việt sống ở trong nước và ở các nước khác cũng chúc mừng ngày này như người Mỹ. Rất nhiều lời chúc, bài viết gửi đến người mẹ, nói đến tình mẹ được đăng trên mạng xã hội nhân dịp này –với năm nay thì đó là ngày Chủ Nhật 14.5. Trong đó có hai bài viết với những tâm sự từ hoàn cảnh riêng rất đặc biệt của nhà bình luận chính trị, nhà thơ Trần Trung Đạo ở Mỹ và nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ biên tạp chí Làng Văn Hải Ngoại trước đây, ở Canada. DĐTK xin chia sẻ với quý bạn đọc.
***
Trần Trung Đạo:
TUỔI THƠ ĐẾN TRỄ MƯỜI NĂM
Hai tháng trước tôi gặp lại một người em, bạn học của em gái tôi, trên Facebook này. Bây giờ có thể đã là bà rồi nhưng nửa thế kỷ trước các em chỉ là những cô bé thích đọc Tuổi Hoa. Ngày đó cách nhau năm tuổi là xa lắm rồi nhưng em hay đến nhà chơi nên chúng tôi nhận ra nhau ngay.
Sau khi kết bạn, em nhắn trên ‘Facebook messenger’ nguyên văn như thế này: “Có lần em tới nhà thấy anh nằm trên giường cạnh má, nghe má dặn dò gì đó, cảnh âu yếm mẹ con thật cảm động.”
Nghe em nhắc chuyện xưa, tôi vừa xúc động và cũng vừa có chút mắc cỡ.
Năm đó tôi mười tám tuổi và học xong năm thứ nhất đại học. Nhưng em nói đúng. Chẳng qua vì tuổi thơ tôi đến trễ mười năm nên khi nằm cạnh má tâm hồn tôi là tâm hồn của đứa bé tám tuổi.
Tôi chơi với nhiều nhóm bạn. Những buổi hẹn café của chúng tôi không phải để nhắc đến một người đẹp vừa gặp trên hành lang Thư Viện Quốc Gia hay cô chủ quán café nào đó mà bàn những chuyện “đội đá vá trời”. Nhiều bạn gốc Quảng Nam nên có khi cũng cãi nhau sôi nổi. Tôi cũng tới nhà các bạn chơi và quen thân với gia đình họ, gặp cha mẹ họ nhưng không thấy bạn nào nằm “âu yếm mẹ con” như má và tôi.
Tôi thì khác. Đi đâu suốt ngày nhưng khi về nhà tôi thường để lại chuyện “đội đá vá trời” ngoài cổng. Tôi về với má như một đứa bé vừa tìm lại tuổi thơ mình sau nhiều năm thất lạc. Tôi sống như đứa bé tám tuổi thật sự, rất thánh thiện và rất hồn nhiên.
Các em tôi đều biết nhưng chẳng những không “ghen” mà còn thương tôi. Hôm nay các em tôi đều đọc đoản văn này và chắc sẽ mỉm cười nhớ lại ông anh mình ngày đó. Em gái tôi giải thích với bạn “Má thương ảnh hơn con ruột.” Thật ra, má thương các con giống nhau nhưng lưu tâm đến tôi nhiều hơn một chút vì không muốn tôi buồn. Tôi như chú nai tơ mang đầy thương tích đi lạc bên kia suối và được má dắt về nuôi.
Chiếc giường khá rộng của má bước vào phòng trong là thấy ngay. Sau này đi xa đến thăm những kỳ quan thế giới, tôi vẫn hay nghĩ về chiếc giường của má. Đó cũng là một kỳ quan. Chiếc giường là công viên, là điểm họp mặt hàng ngày của gia đình chúng tôi. Vì chẳng đi đâu xa nên chiếc giường cũng là một “National Park”, nơi chúng tôi tìm thấy mọi nét đẹp trên đời.
Ở đó, có dòng suối ngọt ngào như những suối nước ở công viên Yosemite. Ở đó, có dòng sông dài như sông Hằng tôi đã từng ngồi nhìn say đắm lúc mặt trời lên. Ở đó, có dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ tôi đã có dịp bay ngang. Ở đó có giọng Quảng Nam có thể lạ với nhiều người nhưng với chúng tôi vô cùng tha thiết. Ở đó, có mẹ là Phật nên mùi hoa Ưu Đàm trên núi Linh Thứu có lẽ cũng không thơm hơn mùi thơm thiêng liêng của người mẹ tôi được nằm bên cạnh.
Tôi có nhiều chuyện để kể nhưng chỉ kể cho người muốn lắng nghe và má lắng nghe. Má lắng nghe chuyện những ngày khủng khiếp của tôi ở Sơn Chà (Sơn Trà), chuyện tôi đi học tiếp ở Vĩnh Điện, chuyện những đêm mưa trên căn gác hẹp ở Thạc Gián Đà Nẵng, chuyện quét lá đa ở chùa Viên Giác Hội An. Tôi như dòng sông nhỏ trở về nguồn chảy róc rách cho má nghe chuyện thời xuôi ngược.
Lý do tôi gọi tuổi thơ đến trễ mười năm vì trong đó có năm năm cô đơn thời thơ ấu ở Duy Xuyên và năm năm sống tạm trong chùa.
Mẹ tôi mất sớm, cha tôi làm “gà trống nuôi con”. Tôi sống một mình với cha. Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu, ngoài cha, tôi nhờ vào đâu hay nhờ vào ai khác để lớn lên trong căn nhà tranh chiều ngang bảy mét của cha con tôi.
Khi xuống Hội An tôi cũng để lại tuổi thơ bên ngoài cổng tam quan chùa Viên Giác. Năm năm trong chùa tôi không có tuổi thiếu niên. Công việc chính của tôi là đọc kinh, đọc sách, quét lá, đánh chuông khuya, lau bàn ghế, tưới hoa, làm đậu hủ mỗi tháng hai kỳ.
Nhiều người, bà con và bè bạn vẫn còn sống hôm nay nhưng ngoài cô ruột tôi ở Ngã Ba Huế đã qua đời, không ai biết hết về tôi. Nhưng tôi đã sống. Nhiều người nghĩ tôi có ý chí cao và vượt qua nghịch cảnh. Chưa hẳn thế. Như chiếc lá trôi trong dòng đời tôi nương theo Nhân Duyên để sống và sống lạc quan.
Hôm trước tôi bị cảm suốt hai tuần, bà xã hỏi, khi còn ở trong chùa nếu bịnh thì ai lo. “Không ai lo cả”, tôi trả lời vợ. Chiếc giường hẹp được đặt sát bên cửa sổ mưa lớn nước tạt vào. Chiếc mền mỏng không đủ ấm vào mùa đông. Chiếc chiếu rách viền. Bầy rệp đỏ gần gũi như những láng giềng thân thiết. Tiếng lá reo suốt những đêm thu nhắc tôi phải dậy sớm đi quét. Đó là không gian của tôi. Thế thôi. Dĩ nhiên tôi không ghét ai nhưng tôi cũng không thương ai quá đỗi đậm đà. Tôi đến không ai chờ và đi không ai tiễn. Trong chùa mỗi người có thế giới suy tư riêng và tôi cũng thế. Tôi sống như người khách ghé ngang qua cuộc đời và cuộc đời là quán trọ.
Khi về với má tôi thay đổi nhiều. Tôi sống rất vui. Má giúp tôi tìm lại mười năm tuổi thơ đến trễ của mình.
Happy Mother’ Day Má ơi.
Trần Trung Đạo
***
Nguyễn Hữu Nghĩa:
NGÀY HIỀN MẪU…
Ô! Sực nhớ ra tôi cũng có mẹ như ai, nhưng mẹ tôi bị đầu độc chết lúc tôi vừa tròn 7 tháng. Bà ngoại thay mẹ tôi nuôi tôi từ ngày đó. Khi tôi bắt đầu có trí khôn, bà nói cho biết: chính cha tôi là người ra lệnh ám sát mẹ tôi khi mẹ tôi bế tôi bỏ chiến khu trốn về Sài Gòn.
Bà không dạy tôi trả thù (hay tha thứ). Bà không cấm tôi đi gặp cha tôi, khi tôi được 12 tuổi. Bà chỉ nói (không khóc): “Đi rồi về nghe con!” Tôi “Dạ!” và tôi giữ lời.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp cha tôi. Lòng tôi nguội lạnh. Tôi tránh không gọi ông bằng “ba” như ông bảo. Sau vài giờ nhìn nhau nhạt nhẽo, khuya hôm đó, tôi theo người giao liên băng rừng trở lại thành phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc đó bà tôi mới rơm rớm nước mắt.
Cái chết của mẹ tôi vẫn là một nghi án, nhưng tôi tin vào trực giác của tôi.
Bốn năm sau cha tôi qua đời. Tin chính thức nói rằng ông bị đứng tim. Người thân cận nhất, tiếp nhiệm ông, sau này nói riêng với tôi, cha tôi cũng bị ám sát. Tôi bàng hoàng, không phải vì chi tiết “bị ám sát”, mà vì chữ “cũng”. Cũng bị ám sát!
Tôi không tin quả báo, vì những kẻ ác sống dai quá, tiếp tục hút máu mủ dân lành cho đến cuối đời. Cha chết, tôi cũng chẳng mất mát gì, vì trước đó đã có gì đâu mà mất!
Hôm nay nhân đọc về ngày hiền mẫu, chợt nhớ mình cũng có mẹ nhưng chưa bao giờ được nói lời chúc tụng. Lòng cảm thấy bâng khuâng về một ngày không có thật, đối với riêng tôi!
Nguyễn Hữu Nghĩa
*****
NGÀY MẸ MẤT
Người ta đang nhắc tới ngày của mẹ. Tôi nghĩ, việc dành một ngày trong năm để vinh danh người mẹ là điều xứng đáng, cho dù đó là ngày du nhập của tây phương.
Thú thật, cho tới lúc mẹ tôi mất( 2003), tôi cũng chẳng chú ý đến ngày này. Nhưng, chỉ đến khi bà mất tôi mới biết đời mình trống vắng thế nào và tôi bắt đầu quan tâm đến nó.
Khi ấy tôi vẫn chưa có vợ.
Tôi được trả ơn mẹ, tạm gọi như thế, duy nhất vào 1 ngày bà tròn 70 tuổi. Từ Sài Gòn tôi về Phan Thiết tổ chức cho bà cái lễ thượng thọ. 11 năm sau đó bà mất.
Từ năm 18 tuổi tôi đi biền biệt ít về ngôi nhà chôn nhao cắt rún của mình để thăm mẹ. Sau 4 năm lính rời xa quê nhà, tôi làm việc tại Sài Gòn rồi thi đại học, ra trường ở lại thành phố này để làm báo, thỉnh thoảng mới về thăm bà một lần. Cứ mỗi lần về nhà là bà đè đầu tôi ra… bắt chí.
Thời sinh viên nghèo khổ, ko có xà bông thơm để gội đầu nên chí sinh nở thoải mái trên đầu tôi. Mỗi con chí bắt được, mẹ tôi bỏ vào miệng cắn cái bộp rồi mới phun ra. Trong âm thanh cắn chết con chí đó, tôi cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ đối với đứa con trai út luôn luôn bé bỏng của bà, dù khi ấy tôi đã là một người đàn ông lì lợm.
Điều mong muốn cuối cùng và cháy bỏng của bà là được thấy tôi lập gia đình, nhưng tôi chỉ hoàn thành ước nguyện đó khi bà đã mất, khi tôi đã trải qua 45 tuổi của đời người.
Lần cuối cùng về quê thăm mẹ tôi ở với bà 2 tuần lễ. Lúc này bà đã” trả nhớ về không”. Khi tôi từ giã bà quay lại Sài Gòn, đi tới Dầu Giây thì điện thoại nhà cho tôi biết bà đã mất, dù lúc tôi còn ở nhà, bà ko có dấu hiệu sắp rời bỏ cuộc đời.
Một người chị của tôi nói, chắc tại mẹ nhớ mày sau khi mày đi. Bà chỉ ộc lên một tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.
Câu nói này của chị đã làm tôi khóc như mưa bấc.
Khi ba tôi mất ,tôi ko có cảm giác trống vắng như với mẹ, có lẽ vì tôi ko gần ông bằng mẹ.
Tôi chưa trả hiếu cho mẹ tôi ngày nào, nhờ có 6 anh chị, tôi đi ta bà thế giới mà ko phải lo nghĩ nhiều về trách nhiệm đối với bà. Khi bà mất tôi mới thấy mình đối xử với mẹ mình thật tệ.
Cách đây 4 tuần tôi đi thăm tang mẹ một người bạn. Ba hôm trước, lại đi thăm tang mẹ một người bạn khác. Rồi hôm nay, một cậu em ở Mỹ báo tin mẹ cậu mất ở Sài Gòn. Cậu em này từng phổ nhạc rất hay 1 bài thơ về mẹ của Đỗ Trung Quân. Mỗi khi về nước cậu thường mời 1 cô ca sĩ thể hiện rất hay bài hát đó cho chúng tôi nghe.
Ko ai thoát khỏi quy luật sinh tử dù đó có là người mẹ. Mẹ tôi và những người mẹ bạn tôi nói trên đều mất khi tuổi già sức yếu. Biết là quy luật nhưng vẫn đau đớn lẫn dằn vặt vì những lỗi lầm quá khứ mà mình đã lỡ gây ra cho mẹ.
Mỗi khi có dịp nhắc nhớ tới ngày mẹ mất, tôi luôn có cảm giác một luồng điện đang chạy dọc sống lưng mình.
https://www.diendantheky.net/2023/05/nhung-loi-tam-su-ac-biet-nhan-ngay-cua.html