Chiều hôm kia mình dọn nhà thấy có mấy séc (chi phiếu) người ta gửi tiền cho bọn mình (bảo hiểm y tế hoàn, bang trả lại tiền đăng ký xe, vv) nên mình mang ra ngân hàng CapitalOne gần nhà để cho tiền vào tài khoản. Thường thì chỉ cần giao dịch luôn tại máy ATM nhưng do có ít đô lẻ ông bà nội ngoại mới cho các cháu nên mình vào quầy.
Cô giao dịch viên trông mặt giống người Philippines – chắc hơn 22 tuổi một chút, mặt hơi tồ tồ quê quê rất thân thiện. Cô xem và nhận hết các chi phiếu của mình nhưng cô đưa lại một cái và cô bảo thế này:
– Séc này trả cho CẢ Anh Pham VÀ Hiền Nguyễn nên cần cả hai người ký tên ở sau. Ở đây mới có chữ ký của ông.
Mình hỏi:
– Liệu tôi có thể ký thay cho bà lão nhà tôi được không?
Cô trả lời:
– Tôi rất tiếc là không được.
Mình lại hỏi:
– Thế để tôi mang qua bên chợ bên kia bà lão đang mua rau nhé?
Cô trả lời:
– Tôi xin lỗi là tôi đã nhìn thấy chữ ký này và biết đây là chữ ký của ông. Giờ nếu ông mang đi ra ngoài ký xong mang lại thì tôi cũng không chấp nhận được. Mong ông thông cảm.
Mình cảm ơn cô và trong một khoảnh khắc mình cảm thấy dễ chịu vô cùng. Mình cảm thấy hãnh diện về cô gái kia, về mình, về việc hai đứa mình đều là người nhập cư nhưng đã biết bảo nhau hành xử thật đúng…chuẩn Mỹ.
—–
Khi đến Mỹ năm 20 tuổi, mình đã có một tuổi thơ dữ dội. Mười bốn tuổi mình đã ra đường lang thang với các bạn Tây ba lô quanh chùa Một cột rồi trở thành hướng dẫn viên du lịch nhí. Trong năm 1993 mình xuống Hạ Long dẫn khách cứ vài ngày một lần. Nghề đó giúp mình chuyển biến từ đứa trẻ ù lì trong gia đình thành một người quyền biến có thể xử lý vấn đề rất nhanh. Nghề hướng dẫn cũng khiến mình phải tiếp xúc với đủ loại người nên mình không chỉ dạn dĩ hơn trong giao tiếp mà cũng học thêm được nhiều bài học về bản tính con người, nhất là những giới trần trụi bản năng không cần che đậy những lỗi sai nhân cách.
Sau đó mình cũng có điều kiện gần gụi vài người bạn Mỹ rồi số phận đưa đẩy cho mình được làm phiên dịch cho Đại biện Mỹ Desaix Anderson. Trong hai năm đó, bác Desaix dạy cho mình những bài học sớm về làm người tới nay mình vẫn còn ghi nhớ. Trong giao tiếp với các người bạn Mỹ, trong công việc với bác Desaix, mình luôn cảm thấy là mình xử lý tình huống tốt hơn họ, và nhiều lúc mình hơi bực vì họ có vẻ máy móc trong khi các giải pháp mà mình thấy là tối ưu hiển hiện ra ngay kia.
Khi đến Mỹ học cao học lúc 21 tuổi, con người quyền biến của mình bắt đầu cảm thấy như một con gà trống thiến. Những thứ nhanh nhẹn, sáng tạo, tháo vát khiến mình hãnh diện khi còn ở Việt Nam giờ có vẻ như không phù hợp với xã hội Mỹ. Người ta dường như không quan tâm tới những thứ nhanh chóng, được việc, mà mình đề xuất, mà ngược lại họ đi chậm, tìm sự đồng thuận, tìm hướng đi không gây tranh cãi lúc đó hay về sau. Phải nói là mình lắm lúc cũng hơi bực bội nên trong suốt năm học đầu tiên mình bỏ qua không làm việc nhóm với ai mà đều tự làm.
Sự hiểu biết đến dần sau thời gian. Trước khi đến Mỹ, mình cũng chịu ảnh hưởng bởi định kiến là người Mỹ thực dụng, có nghĩa là làm gì cũng phải có lợi, và được việc thì thôi, mục đích biện minh cho phương tiện. Thực tế mình quan sát thấy là gần như tất cả người Mỹ mình gặp đều hành xử chính trực. Rất rất hiếm khi nào mình thấy người ta hành xử bỏ qua quy tắc, quy định, nguyên tắc, mệnh lệnh đạo đức, vv chỉ để có lợi. Những việc như cho tiền cảnh sát giao thông hay quan chức địa phương hay vv có thể đâu đó vẫn có nhưng trên thực tế là không thấy. Ở chỗ nọ chỗ kia cũng có việc cho nhau ít tiền trà nước để có được sự chăm sóc nhiệt tình hơn nhưng những thứ đó thường không liên quan gì đến các nguồn tài nguyên, nguồn lực công. Khi động đến những thứ của công, sự giao tiếp giữa dân và chính quyền là nghiêm túc, sạch sẽ.
Cả xã hội Mỹ cứ sạch sẽ kiểu như vậy: người già, người trung niên, trẻ con cứ đều hành xử theo những chuẩn mực đạo đức đến từ giáo dục hay gốc rễ tôn giáo. Người ta dù trong gia đình hay công ty hay cơ quan công sở không bao giờ công khai bàn với nhau những cách làm sai để thủ lợi. Họ cũng không đi kể cho nhau nghe về những lần game hệ thống (lừa bịp chiêu trò xã hội để thủ lợi), hay những thứ lừa dối ai đó. Bạn bè mà khoe ra những cách hành xử vô đạo đức là bị tảy chay ngay.
—-
Lớn lên trong xã hội Việt Nam buổi giao thời lúc các giá trị bị đảo lộn, vị thế bị đảo điên, các quan điểm chủ đạo dẫn đường bị lung lay và bị thay thế, mình không phải chưa từng làm những việc mà mình xấu hổ khi nhìn lại. Tuy thế, đời sống từ 1997 tới nay chủ yếu ở nước ngoài, sống làm việc trong những môi trường sạch sẽ đề cao đạo đức, khiến mình tỉnh thức từ sớm và đi theo con đường sáng kia. Cụ thể, về tiền bạc là mình luôn phải giữ mình đàng hoàng cụ thể là không tự vun vén, không nhận những thứ không phải của mình, nếu có sự thiệt thòi về tiền bạc trong giao tiếp thì mình thường nhận phần thiệt đó về mình, và luôn chia sẻ với người khác bất kỳ lúc nào có thể. Về những thứ hưởng lợi khác, mình cũng luôn tự cân nhắc, xem xét từng hành động của mình để mình không hưởng lợi bất chính về tình cảm, đối xử đặc biệt, vv. Vượt lên trên tất cả mình nhận thấy là mình sẵn sàng cởi mở đón nhận phê bình, để được học bài học về cách hành xử đúng từ kể cả những người như cô bé đáng tuổi con mình làm giao dịch ở ngân hàng kia.
Cảm giác dễ chịu của mình lúc cô ấy từ chối cho mình ký bịa cái séc đến từ cảm giác thỏa mãn với chính bản thân mình đã hiểu đủ triết lý của sự ngay thẳng trong xã hội này để vui vẻ tuân thủ dù việc tuân thủ đó có điều phiền nhiễu, ví dụ sẽ phải lái xe về nhà lấy chữ ký tươi của Hiền, rồi quay lại ngân hàng trong một hôm khác. Mình cũng thỏa mãn thấy là cô bé kia hành xử trang trọng, nghiêm túc dù tuổi còn trẻ và vị thế xã hội thấp. Cô ấy đĩnh đạc nói với mình là: tôi đã trót nhìn thấy đây là chữ ký của ông (và tôi không thể unsee được) nên dù ông có ra ngoài ký lại thì lương tâm tôi cũng không bỏ qua cho cái việc đó được, tức là đã biết là sai thì tôi không làm được. Mình vui cho cô bé nhưng cũng mừng cho các con mình sống ở đấy này cho tới giờ chưa phải nói dối lần nào, không như ông bô các bạn ấy lúc 16 tuổi của Aki con đầu thì đã là một người lươn lẹo nhất hạng lúc cần.
Dòng suy nghĩ này rất thú vị trong tuần rồi lúc quan sát VF lên sàn. So sánh với các chuẩn phổ thông mà người bình dân Mỹ cũng tuân thủ dễ dàng như hơi thở thì cách làm việc của VF sang Mỹ vẫn lấy việc được việc chứ không lấy việc làm đúng, đủ, tốt. Về lâu dài, mình cho đây sẽ là mấu chốt của việc VF thất bại ở Mỹ, tức là các giá trị của VF là đại diện cho lối làm việc bất chấp, bứt lên, đè nén, vồ chụp, ba hoa, lạm dụng nguồn lực công, phổ biến cho giới tư bản thân hữu ở Việt Nam, và cách làm việc đó hoàn toàn không tương thích với Mỹ. Khi hai bên mâu thuẫn với nhau, VF sẽ là bên thua.
Mùa hè vừa rồi mình nhìn thấy ví dụ điển hình của cách VF hoạt động hiệu quả ở Việt Nam. Đầu một tuần mình lần đầu nghe thấy việc VF ra hãng taxi xanh, cuối tuần sau đó thì taxi đã chạy tung tăng ngoài đường, Nội Bài đã có cây sạc điện cho taxi, vv. Trong một đất nước quê ta nơi thủ tục hành chính còn là một rừng cây một đời người thì cách mà Vin muốn gì được nấy như thế phải nói là có ai đó thương Vin như thương con đẻ vậy.
Ở Mỹ, Vin tất nhiên sẽ không thể hành xử kiểu muốn gì được nấy như vậy. Ở đây mình xin nói thêm một điểm là xã hội Mỹ không nhắm mắt tin vô điều kiện năng lực làm đúng, tốt của người dân và vì thế vẫn có nhiều người Mỹ hành xử ba trợn, liều lĩnh, lừa dối, lạm dụng vv. Ở trên cao thì Mỹ có hệ thống pháp luật gần như đã đạt tới sự hoàn thiện. Khi chưa cần, pháp luật Mỹ không động vào bạn, bạn tự chọn hành xử thế nào tùy ý, nhưng khi có việc tranh chấp, mâu thuẫn lôi nhau ra tòa, thì hai bên tranh cãi xem xét từng cái tơ cọng tóc của nhau, và mọi cách hành xử phi tiêu chuẩn lúc trước sẽ bị đặt lên so đo, soi xét hết. Lúc đó, những thứ tự do bừa bãi không ai kiểm soát lúc trước sẽ bị người ta trừng phạt.
Thành công ở Mỹ là một đỉnh cao xứng đáng đạt được, và nếu thành công được ở Mỹ thì VF sẽ thành công được ở đa số những nơi khác. Với một mục tiêu quan trọng, cao cả như vậy, thì cách hành động của VF lại vội vàng, không tương xứng, làm như là để lập thành tích chào mừng cái gì đó, như thực hiện một nhiệm vụ chính trị nào đó, như để báo công dâng ai đó, như để báo hiếu ai đó, như để lập công chuộc tội đâu đó.
Lấy ví dụ việc chuyển hàng ngàn xe sang Mỹ rất rình rang trong khi hệ thống showroom chưa làm xong, xe mang đi trống rung cờ mở, tới hết 6 tháng đầu năm nay mới bán/cho thuê được bao nhiêu không biết nhưng số xe VF đăng ký ở Mỹ mới chỉ 130 cái. Như vậy việc đúng cần làm là để bán cho được xe thì không làm cho tốt, mấy việc trống rung cờ mở khua chiêng gõ mõ lại làm rất rình rang.
Ban đầu Vin dự tính bán xe cho thuê pin, sau thấy phản hồi kém thì bỏ. Việc đó là bình thường. Ban đầu họ dự định bán xe trực tiếp tới người tiêu dùng để cắt đi giới trung gian thương lái. Giờ thấy mô hình showroom riêng vừa đắt đỏ vừa không hiệu quả – ví dụ VF có một trăm mấy chục showroom nhưng số xe đăng ký cũng mới được một trăm mấy chục cái, tức là trung bình mỗi showroom xây cất và duy trì đắt đỏ chỉ đăng ký được một xe trong 6 tháng đầu năm. Giờ họ bắt đầu đánh tiếng với các dealers tức các hãng bán xe. Ở Mỹ này có những giới nghề nghiệp bị coi là bọn cặn bã thì trong đó bọn bán xe hơi ở các dealership là một trong những nhóm đạo đức kém nhất, la liếm, dối trá nhất, và hoạt động chỉ vì một mục đích duy nhất là tiền. VF mà phải làm việc với đám đó thì sẽ là khởi đầu của con sư tử đánh nhau với đàn linh cẩu. Nếu phải đặt cược thì mình đặt cho bọn dealers thắng khi hai bên có tranh chấp. Vin không phải là đối thủ ở Mỹ của bọn cặn bã đó.
Ban đầu VF dự định đi đường IPO đàng hoàng. Con đường đó là con đường ngay thẳng, chính trực. Ấy thế rồi chắc vì các yêu cầu pháp lý phức tạp có thể kéo dài việc IPO tới hàng năm nên VF chọn đi con đường mà báo chí hiểu việc gọi là “ngớ ngẩn” (silly SPAC). VF mua lại một công ty vỏ sò (shell company) đã niêm yết sẵn trên sàn chứng khoán chỉ với mục đích là để bán thân cho ai mua, đại loại giống bọn mang gạch ra xếp chỗ trước cửa hàng gạo mậu dịch, rồi bán chỗ cho người đến sau. Công ty kia đặt ra với mục đích bán cho các công ty giải trí, cờ bạc (tên là Black Spade – Quân bài Bích đen), và cuối cùng công ty xe điện mà chúng ta tự hào lao vào mua công ty cờ bạc chỉ để được lên sàn cho nhanh.
Cách “lùa gà” của bọn Mafia Macau và Vượng VIN.
Vin hành xử như một con nghiện tốc độ, phê thuốc, cần liều mỗi ngày một lớn, đi bay không cần biết lối về – cách hành xử của VF ở Mỹ không cho thấy sự tôn trọng những yếu tố nền tảng, sự đàng hoàng công chính, mà toàn thấy những thứ luồn lách, chỉnh sửa, bỏ qua, làm việc lấy được cho xong chứ không cần biết phải trái, đúng sai. Cách hành xử như thế chắc chắn sẽ không phải là tâm thế tốt cho một con đường dài, đi xa.
Mình tin là bây giờ họ chỉ mong bác Trọng ốm để họ không phải lập thành tích dâng bác nữa. Những việc biểu diễn họ làm vừa tốn công, vừa mất sức, lại rất tốt kém chứ không phải không, mà hiệu quả như chúng ta đều thấy là chỉ có dưới 150 xe được đăng ký ở cả nước Mỹ, cả bang California. Người thường mà thấy cả năm trời không thành công thì phải tính việc chạy đi, rút vốn, dừng lại – nhưng đây lại vẫn tiếp tục go all in – chứng tỏ một điều là không có đường lùi, thế cưỡi lưng hổ, lùi là mafia xử luôn.
Chúng ta sẽ còn ôn lại câu chuyện về VIN là thế còn lâu. Quan điểm của mình vẫn nhất quán là VF không có tương lai ở Mỹ. Ở VN, VF cũng là một cái gì đó buồn cười vì dù tuyên bố đã đầu tư hàng tỷ đô vào sản xuất xe hơi xăng và điện, chúng ta KHÔNG thấy bằng chứng về những ảnh hưởng mang tính rơi vãi (spillover effect) làm bằng chứng cho việc đó. Chúng ta không thấy các công ty làm phụ tùng, luyện kim, hay bất kỳ cái gì để cung cấp cho VIN sản xuất xe, có nghĩa là mọi thứ quan trọng với cái xe đều làm ở đâu khác. Niềm tự hào, lòng yêu nước, ủng hộ doanh nghiệp Việt của mình bị làm ẩm đi rất nhiều khi thấy VF không kích thích sản xuất nội địa.