Monday, December 23, 2024
HomeTHẾ GIỚINHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG DÀI Chalkadi, Volos – GREECE, HY LẠP (Phần 2)

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG DÀI Chalkadi, Volos – GREECE, HY LẠP (Phần 2)

Giao Thanh Pham

(Tập thứ 58b)

Chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, tui phải chổng đít lên làm homework rất kỹ lưỡng ít ra cũng phải 3,4 tháng trước đó, vậy mà chưa bao giờ có một chuyến đi hoàn hảo như ý muốn, bởi cho dù có chu đáo sửa soạn và chuẩn bị mấy đi chăng nữa, thì thế nào cũng có những cái bất ngờ không có trong chương trình dự tính xảy ra. Việc chuẩn bị cho chuyến đi này cũng không ngoại lệ.

Người dân Hy Lạp rất tự hào về bản cổ ngữ lâu đời nhất của mình, ước đoán có hơn 1 ngàn 5 trăm năm trước Công Nguyên, nên họ nhất định chả cần đổi sang mẫu tự ABC gì cả. Những con chữ ngoằn nghoèo mà người du khách phải có để đi tìm đường, cũng khó khi phải đánh cho đúng chữ. Lẽ đương nhiên cái Garmin GPS mua cách đây 8 năm không hề có chữ cổ Hy Lạp, mặc dù rất chính xác vì đường xá bên Âu Châu gần như không có thay đổi gì suốt mấy chục năm qua. Đã chuẩn bị sẵn nên vừa xuống phi trường, tui liền mua ngay một cái “data sim card” dự định sẽ cần xử dụng cho chuyến đi bằng Google Map qua điện thoại, ai có ngờ …

Một trong nhiều trạm thu phí cầu đường ở Hy Lạp.

Đất nước Hy Lạp toàn đồi núi và biển bao bọc mênh mông. Dân số Hy Lạp lại ít, chỉ hơn chục triệu người và họ tụ tập lại sinh sống chỉ ở một vài thành phố là chủ yếu, bởi thế cho nên rằng thì là, cái Sim Card chỉ cần chạy ra ngoài vùng ven biên của thành phố thôi là chập chờn như bóng ma nhà họ Hứa ngay. 

Có lẽ phải tới 95% thời gian chạy trên đường không hề có bất kỳ làn sóng nào cho điện thoại, vì chỉ cần chạy xe ra khỏi thành phố độ 5 phút thôi, là chả thấy có cái satellite tower nào trên đường. Thế là có Sim Card cũng như không, bên cạnh cái GPS trở thành vật vô dụng với những mẫu tự giun dế kia. Hàng quán, tiệm ăn gần như chẳng có, bởi thế khỏi nghĩ đến chuyện xin ké WIFI. Việc tìm đường thật vô cùng vất vả và gian lao. Việc tìm đến một địa chỉ lại càng khó khăn hơn nếu không muốn nói là gần như không thể. 

Ra khỏi thủ đô Athens, nơi tập trung hơn 3.5 triệu dân, khoảng 35% tổng dân số, kiếm được một người nói tiếng Anh rất khó. Nhân viên phục vụ du lịch thì còn nói được đôi chút, dân buôn bán thường thì kể như rồi, họ nói họ nghe, mình nói mình hiểu, ngay cả tiếng Tây Ban Nha cũng không. Đi tìm địa danh lớn như Chalkadi và Volos mà còn khó, nói chi tìm địa chỉ nhà AirBnB.

D(ịa chỉ như vầy thì đánh vào GPS hay Google Map làm sao?

Theo như những gì thiên hạ kháo với nhau trên mạng thì 2 địa danh này cũng nằm trong danh sách du khách nên đến ở Hy Lạp. Thực tế thì hoàn toàn khác. Khắp nơi 2 bên đường và rải rác trên toàn thành phố, những cơ sở kinh doanh, những ngôi biệt thự nhiều phòng rộng lớn bỏ hoang rất nhiều, có lẽ phải tới 10% – 15% hoặc hơn. Có nhiều căn biệt thự khá đẹp và lộng lẫy, cửa sổ, cửa ra vào, cổng rả mở toang hoác, vườn tược bỏ hoang, sân cỏ mọc um tùm. Cuộc sống có thể cảm thấy được là rất khó khăn.

Một ngôi nhà bỏ hoang.

Nhớ lại khoảng năm 2015-2016 Hy Lạp đã không thể trả nổi món nợ chưa tới 2 tỷ đô cho ngân hàng của IMF (International Money Fund) và 1,2 năm sau đó đã phải xù nợ và khai phá sản. Cái ảnh hưởng nặng nề về kinh tế đó, vẫn còn kéo dài cho mãi đến hôm nay. Đồng lương ở Hy Lạp khá khó kiếm do vậy thực phẩm phải nói rất rẻ so với Hoa Kỳ và ngay cả Việt Nam. Hải Sản và Thịt Cá được coi là hàng xa xỉ.

Người dân Hy Lạp chủ yếu ăn nhiều bột và đường, chả thế mà tiệm bánh ở Hy Lạp có khắp nơi. Ổ bánh mì to và nặng cả ký, giá chỉ .50€. Vào tiệm bánh mua độ 5-6€ là đủ bánh ăn cho cả ngày, nhưng hễ đụng đến thịt thà, cá mú thì phải xét lại. Dân Hy Lạp rất ít ăn uống ở tiệm, chả thế mà ở những khu du lịch, rất khó kiếm ra được 1,2 tiệm ăn fast-food của Mỹ như McDonald, KFC vân vân vì quá xa xỉ đối với họ. Các món ăn ở những nhà hàng khá sang trọng nhìn thẳng ra biển cũng chỉ có giá dưới 10€. Chỉ có các món ăn seafood ở khu du lịch mới có giá hơn 10€ một phần nhưng không hề có bất kỳ món ăn nào ở bất cứ đâu có giá trên 20€.

Căn bếp và phòng ăn của căn biệt thự thuê ở Volos.

Ở những vùng ven biên của các thành phố, người dân Hy Lạp mới có đất để xây nhà riêng hay biệt thự có cổng và hàng rào, còn trong thành phố, chỗ nào cũng vậy, trên những con phố tấp nập, người ta xây từng dãy căn hộ cao tầng dài miên man, thường là những buildings dưới 10 tầng san sát, hàng hà sa số.

Một đại nạn khác nữa ở Hy Lạp là KHÔNG CÓ CHỖ ĐẬU XE. Xe hơi rất nhiều nhưng không hề có chỗ để xe đậu. Toàn đậu ngoài đường, cứ hễ có khe hở vừa chỗ đậu xe là họ đậu, miễn sao chừa đủ chỗ cho xe qua lọt, họ nhảy cả lên lề đường nửa trên nửa dưới để đậu xe, xe xịn hay xe bèo cũng thế. Bởi vậy, ở Hy Lạp toàn đường 1 chiều, chạy xe khá vất vả một khi đi lố một khúc quẹo. Mới đầu, có vài bận tui mới nhớm quẹo đầu xe vô đường một chiều … ngược lại, chỉ kịp nhận ra khi thấy những ánh mắt hình viên đạn và những câu … có lẽ là chửi thề quăng về phía mình. Sau này, cứ nhìn hướng xe đậu mà đoán đường. 

Kiếm được 1 chỗ đậu xe ở các thành phố trên đất Hy Lạp là cả một vấn đề, xe qúa nhiều nhưng không hề có hầm đậu xe. Đến những khu du lịch mới có chỗ đậu xe trả tiền, còn không, thì đổ mồ hôi hột, lòi con mắt ra kiếm chỗ đậu xe như khách bộ hành đi lạc vào sa mạc tìm … suối nước.

Mấy ông tài xế Hy Lạp chạy xe cũng rất mất dậy, chạy đúng tốc độ cho phép là họ dí sát đít, bóp kèn inh ỏi hoặc nhá đèn pha thúc mình đổi lane thay vì họ tự đổi. Những từ ngữ chửi thề là điều đầu tiên cần phải học ở Hy Lạp, tiếng Hy Lạp được xử dụng bởi các bác tài xế Taxi nhiều hơn tiếng Đan Mạch. Lái xe và kiếm chỗ đậu xe là vấn nạn rất dễ gây ra tử vong vì xì trét.

Nhìn toàn cảnh đất nước, có lẽ trước đây dân chúng có dư tiền nên xây biệt thự ở xa xa để ở nhưng sau này, không còn khả năng nên họ bỏ nhà trở về thành phố sinh sống, nơi có công ăn viêc làm để sống còn. Nhà bỏ hoang khắp nơi. Cơ sở kinh doanh buôn bán ở xa thành phố cũng phải chịu chung số phận, đóng cửa bỏ hoang, ngay cả cây xăng trên đường cũng nhiều nơi đóng cửa.

***

Trên đường từ Nam ra Bắc, từ Athens lên Thessaloniki là phải đi qua những địa danh du lịch nho nhỏ được nhắc đến như Chalkadi và Volos nhưng thực sự phải nói là chúng khá nghèo nàn và buồn tẻ. Đến và nhìn tận mắt mới thấy 2 địa danh này chẳng khác gì những … tỉnh lẻ ở Việt Nam như Long Xuyên và Cần Thơ chứ không thể so sánh với Vũng Tàu hay Đà Lạt. 

Chúng tôi đến Volos vào khoảng 4 giờ chiều nhưng tìm được căn biệt thự mà chúng tôi book từ mấy hôm trước phải nói là vô cùng khó chịu, bực tức và chỉ muốn nổi nóng vì cái cổ ngữ Hy Lạp và vì không có sóng điện thoại. Chúng tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tìm thấy căn biệt thự nằm cheo leo trên dốc gần đỉnh đồi. Căn biệt thự khá mới và lớn hơn 125 mét vuông, gần 1 ngàn 4 trăm square feet, đầy đủ không thiếu thứ gì, chỉ cách mặt biển độ trăm mét với cái giá khá bèo, $97.00/một đêm, chỉ có điều buồn tẻ, nhất là bất chợt trời lại đổ mưa cả đêm, tiếng mưa tí tách trộn lẫn tiếng sóng biển rì rào … tốt nhất là đắp mền ngủ.

Hôm sau, chúng tôi lái xe thẳng đến Thessaloniki, đoạn đường hơn 240km trên xa lộ vắng bóng xe rất thoải mái, chỉ có điều tiền lộ phí quá đắt và liên tục qua mỗi chặng đường chỉ độ hơn hai chục cây số.

Bên cạnh đại nạn tìm chỗ đậu xe, còn có một thứ khác không ngờ, đó là “graffiti – vẽ bậy”. Không một bức tường nào, không một khoảng trống nào ở Hy Lạp mà không bị vẽ bậy. Graffiti ở khắp nơi trên từng săng ti mét. Chỗ nào cũng vẽ, vẽ kín không chừa một mảnh nhỏ, nhìn hết sức là bẩn mắt, nhất là ở những khu du lịch. 

Hy Lạp là một dãy núi và quần đảo, lúc nào cũng thấy biển ở bên cạnh, nhưng chả biết sao cá mú không thấy bán ở chợ, ngay cả cá lòng tong cũng không có, thịt heo thịt bò cũng không, chỉ loe ngoe vài miếng thịt gà làm sẵn bán trong siêu thị. Đi đâu cũng thấy bánh mì và bánh ngọt. 

Vào một ngôi siêu thị khá lớn ở Thessaloniki, thành phố lớn thứ 2 ở Hy Lạp, tò mò xem các bảng giá, hết hồn khi thấy chai nước tương hiệu Kikkoman dổm nhỏ xíu giá 4.38€, mấy cái Cup Noodles của hãng mì Nissin ở Mỹ bày bán với giá 2.19€/ly và mì gói bèo với giá 1.08€/gói cái tự nhiên thèm mì gói một cách bất ngờ … 

Định bụng, khi về kỳ này, phải kiếm môi giới mang mì ly mì gói ở Mỹ sang đây bán làm giàu … Cá tuna hộp, rẻ nhất cũng 3.19€ một cóng bé tí xíu, bán ở chợ Walmart $1.09. 

Chả thế mà thiên hạ cứ cúi đầu phủ phục, tung hô Nước Mỹ Vĩ Đại – Thiên Đường ở Hạ Giới – Hoa Kỳ Quang Vinh Muôn Năm … là thế.

*** Một điều lý thú khác nữa ở Hy Lạp, đó là sự cổ hủ về technology. Ở thế kỷ thứ 21 rồi mà ngay cả ở những thành phố lớn, dân chúng còn xài Ăng Ten Trời cho những chương trình phát sóng trên TV và chảo (đĩa satellite) cho phim ảnh và các chương trình thể thao. Nghe nói ở Hy Lạp chỉ có duy nhất MỘT công ty cable TV ở Thessaloniki và Athens nhưng hầu hết dân chúng, vẫn còn xài Ăng Ten Trời của thập niên 70s ở Mỹ. 

Riêng về Internet Services thì ở những thành phố lớn đều có. Điện thoại thông minh thì trên đường, khi có khi không vì toàn là đồi núi, cản hết những làn sóng của điện thoại, satellite towers thì rất hiếm thấy.  

.

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid0z7gRkDKUv8wktStoSG43X27EoDjMFSsBYUd9DjdC6dbVLUmjTFYPDcJoPBrEJnuMl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular