NHÂN VỤ ĐỒNG TÂM, HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI AN NINH KHI BỊ THẨM VẤN

0
602
(Nhà xuất bản Tự Do)

Liên tục trong suốt một tuần vừa qua, kể từ đêm xảy ra vụ công an tấn công dân Đồng Tâm, 09/01/2020, đến nay, rất nhiều facebooker đã bị an ninh sách nhiễu và triệu tập vì “tội” chia sẻ bài viết trái chiều về Đồng Tâm. Có ít nhất ba facebooker đã bị tạm giữ, trong đó có một người bị khởi tố. An ninh liên tục và điên cuồng lùng sục khắp nơi để đe dọa, trấn áp những người ủng hộ Đồng Tâm.
Trước tình hình này, chúng tôi xin nhắc lại những hướng dẫn cần thiết, những điều bạn cần chuẩn bị trước khi đối diện với sách nhiễu của an ninh.
“CƠ SỞ LÝ LUẬN”
Trước hết, xin khẳng định lại, bạn hoàn toàn có quyền tự do chia sẻ thông tin, tự do biểu đạt trên mạng xã hội, miễn là bạn không mạ lỵ, nhục mạ người khác vô cớ và sai sự thật. Đây là QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN CỦA BẠN, quyền này được ghi trong điều 19 Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.
Và trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Do đó, công an – an ninh không có quyền sách nhiễu, hạch họe bạn chỉ vì bạn bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội.
ĐƯƠNG ĐẦU TRÊN THỰC TẾ
Tuy nhiên, trong điều kiện một nhà nước công an trị nắm quyền với cách thức điều hành pháp luật theo kiểu “luật là tao, tao là luật” thì bạn không cần phải đôi co lý lẽ với họ. Bởi họ chỉ quen sử dụng nắm đấm mà không quen sử dụng tư duy. Vậy nên, để bạn có thể đối diện với họ một cách đường hoàng và tự tin, bạn nên chuẩn bị những việc sau đây:
– Bạn có thể từ chối làm việc với an ninh nếu nhận được giấy mời. Bạn không có nghĩa vụ phải thực hiện một lời “mời” nào đó nếu bạn không muốn.
– Nếu bị cưỡng ép phải làm việc hoặc bạn muốn tự nguyện tới làm việc để thể hiện không quá đối đầu với họ thì bạn cần phải để điện thoại ở nhà và đăng xuất facebook trước khi đi gặp họ, tốt nhất là tạm khóa (deactivate) tài khoản để công an không thể tìm ra.
– Bạn nên kiên quyết chối, không nhận facebook là của mình. Nếu lỡ cầm điện thoại theo người thì không dược mở cho công an kiểm tra. Lưu ý với bạn rằng, về mặt kỹ thuật thì điện thoại androi sẽ bị họ bẻ khóa dễ dàng dù bạn không cung cấp mật khẩu; còn điện thoại iphone thì đến nay vẫn chưa bẻ khóa màn hình được.
– Với mọi câu hỏi của an ninh, bạn nên từ chối trả lời với lý do “không biết”, “không nhớ”. Chẳng ai có thể nhớ được tất cả các sự việc xảy ra trong cuộc sống của họ hoặc những hành động mà họ đã làm, đã thực hiện. Vì vậy, việc quên một điều gì đó là hoàn toàn bình thường và an ninh không thể buộc bạn phải nhớ được.
Chia sẻ thông tin là QUYỀN chứ không phải là tội. Công an có NGHĨA VỤ phải chứng minh một ai đó là có tội chứ không phải buộc một người tự chứng minh mình có tội hoặc vô tội.
Chúc các bạn mạnh mẽ và tự tin để bảo vệ QUYỀN của mình.
Và hãy tiếp tục ủng hộ công lý cho nạn nhân Đồng Tâm.
Nguồn ảnh: Internet
(Nhà xuất bản Tự Do)

509690cookie-checkNHÂN VỤ ĐỒNG TÂM, HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI AN NINH KHI BỊ THẨM VẤN