Nhân dân tệ và USD bị kéo vào cuộc chơi, chiến tranh thương mại giờ ra sao?

0
317
CAFEF : Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang sa lầy trong cuộc chiến thương mại mà giờ đã lan sang cả lĩnh vực công nghệ và mới đây là tiền tệ.

Lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc – động thái chắc chắn sẽ làm cuộc chiến tranh thương mại đang đè nặng lên kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Mỹ hành động như vậy sau khi Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá xuống dưới 7 nhân dân tệ đổi 1 USD – ngưỡng mà nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư coi là rất quan trọng. Về phần mình, Tổng thống Trump gọi đà giảm giá của nhân dân tệ là “một sự vi phạm lớn”.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng động thái của Bắc Kinh rõ ràng là để trả đũa lời đe dọa áp thêm thuế của ông Trump. Cuối tuần trước Trump vừa thông báo sẽ đánh thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Nếu điều đó trở thành hiện thực, mọi hàng hóa mà trung Quốc xuất sang Mỹ đều bị đánh thuế.

Suốt 1 năm qua, Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đã bị sa lầy trong cuộc chiến thương mại mà giờ đã lan sang cả lĩnh vực công nghệ và mới đây là tiền tệ. Lời đe dọa đánh thuế của ông Trump được đưa ra chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi hai bên nhất trí khởi động lại đàm phán thương mại để có thể đi đến 1 thỏa thuận mà giới phân tích cho là ngày càng khó trở thành hiện thực.

Tại sao số 7 lại quan trọng?

So với các nền kinh tế lớn khác thì Trung Quốc quản lý đồng nội tệ khá chặt chẽ. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, các quy định đã được nới lỏng phần nào mặc dù PBOC chỉ cho phép nhân dân tệ dao động trong biên độ 2% quanh tỷ giá tham chiếu được công bố hàng ngày. PBOC cũng sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối để duy trì tỷ giá ở mức mong muốn.

Kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ để nhân dân tệ ở mức yếu hơn 7 tệ đổi 1 USD. Tại một số thời điểm, ví dụ như 2016, thậm chí Trung Quốc đã đốt cháy một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ngăn không cho nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng quan trọng này.

Đó là lý do tại sao thị trường lâu nay vẫn coi mốc 7 là 1 ngưỡng tâm lý quan trọng. Nhân dân tệ vượt qua mốc này sẽ là sự kiện lớn một phần bởi vì nhà đầu tư không biết PBOC sẵn sàng để nhân dân tệ giảm giá đến đâu, do đó có thể họ sẽ bán tháo các khoản đầu tư ở Trung Quốc để giảm lỗ, và từ đó dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Đến hôm nay, PBOC thiết lập tỷ giá tham chiếu ở trên mức 7 nhưng vẫn cho phép nhân dân tệ giảm xuống 7,1 tệ đổi 1 USD nếu như giảm kịch sàn.

Chính xác thì “thao túng tiền tệ” là gì?

Từ nhiều năm nay Mỹ vẫn buộc tội Bắc Kinh đã giữ đồng nội tệ yếu một cách giả tạo nhằm tạo lợi thế xuất khẩu. Nhưng lần cuối cùng Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ là từ năm 1994, dưới thời Bill Clinton.

Kể từ đó đến nay Trung Quốc vẫn thoát khỏi mác này dù thường xuyên nằm trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ. Danh sách này bao gồm những quốc gia mà Mỹ cho là cần phải giám sát chặt chẽ vì có nhiều khả năng sẽ thao túng tiền tệ để tạo lợi thế không công bằng.

Trong kỳ review mới nhất hồi tháng 5, Trung Quốc chỉ mắc phải 1 trong số 3 tiêu chí mà Đạo luật về Thuận lợi và Thực thi Thương mại năm 2015 (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015, TFTEA) của Mỹ định nghĩa về 1 quốc gia thao túng tiền tệ. Đó là có thặng dư thương mại song phương “rất lớn, kéo dài và đang gia tăng” với Mỹ.

Tuy nhiên hôm qua Mỹ lại gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc theo một đạo luật khác cũ hơn: Đạo luật về Ngoại thương và cạnh tranh năm 1988. Theo đạo luật này, Mỹ sẽ phải đàm phán với Trung Quốc hoặc mang vụ việc của Trung Quốc lên Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Và theo đạo luật này Mỹ có thể sử dụng một số biện pháp trừng phạt như: cấm Quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài OPIC (một cơ quan trực thuộc chính phủ Mỹ chuyên đầu tư vào các quốc gia đang phát triển) tài trợ vốn cho Trung Quốc hay loại Trung Quốc ra khỏi các hợp đồng mua bán của Chính phủ Mỹ.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là nhà thầu lớn trong các hợp đồng mua bán của Chính phủ Mỹ và cũng không nhận nhiều vốn đầu tư của OPIC. Do đó động thái gắn mác “thao túng tiền tệ” lần này mang tính biểu tượng nhiều hơn, theo nhận định của Goldman Sachs.

Chiến tranh thương mại nóng hơn bao giờ hết

Dẫu vậy, tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo lên 1 nấc thang mới. Citi Research dự đoán Mỹ sẽ áp thuế 25% (chứ không phải 10%) vào 300 tỷ USD hàng Trung Quốc ngay trong tháng sau. Hiện Mỹ vẫn đang áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã đáp trả tương tự.

Lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập về ít hơn lượng xuất sang Mỹ, do đó họ có ít lựa chọn hơn khi đánh thuế bổ sung. Do đó một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách bán tháo trái phiếu Mỹ, nhưng đây sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan vì làm như vậy thì Bắc Kinh cũng sẽ bị tổn hại.

Vì thế các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tập trung vào những biện pháp rộng hơn để giảm thiểu tác động của thuế quan, và nhân dân tệ giảm giá là một trong số đó. Nhân dân tệ yếu đi sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ đi khi xuất sang nước khác. Hơn nữa động thái này cũng sẽ khiến USD mạnh lên – điều mà Tổng thống Trump không hề thích.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/CNBC

457950cookie-checkNhân dân tệ và USD bị kéo vào cuộc chơi, chiến tranh thương mại giờ ra sao?