Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vẫn chịu án 14 năm tù

0
862
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên tòa phúc thẩm hôm 24/4/2018 ở Nghệ An

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vẫn phải thi hành án tù lên đến 14 năm, sau khi phiên tòa phúc thẩm hôm 24/4 giữ nguyên bản án đã được tòa sơ thẩm tuyên cách đây 2 tháng rưỡi.

Tôi rất bức xúc về một phiên tòa rất bất công. Vì anh tôi chỉ có nhiệm vụ đấu tranh cho môi trường, đấu tranh chống Formosa, đấu tranh cho quyền con người.
Ông Hoàng Nguyên, em ông Hoàng Đức Bình

Phiên phúc thẩm diễn ra trong 3 giờ vào buổi sáng tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhà hoạt động 35 tuổi, người đã giúp đỡ ngư dân một số vùng ở Nghệ An kiện hãng Formosa gây ô nhiễm môi trường, bị y án sơ thẩm 14 năm tù cho các tội “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Vụ ô nhiễm môi trường biển do Formosa xả thải xảy ra hồi cuối mùa xuân năm 2016. Những ngư dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nặng nề đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối cũng như tuần hành để nộp đơn kiện Formosa.

Ông Bình tham gia một số hoạt động này, và tường thuật trực tiếp qua mạng xã hội để đưa thông tin đến công chúng.

Công an Việt Nam bắt tạm giam nhà hoạt động hồi tháng 5 năm ngoái. Phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra hôm 6/2 năm nay.

Ông Hoàng Nguyên, em trai nhà hoạt động, cho VOA biết phản ứng của ông sau phiên tòa phúc thẩm ngày 24/4:

“Tôi rất bức xúc về một phiên tòa rất bất công. Vì anh tôi chỉ có nhiệm vụ đấu tranh cho môi trường, đấu tranh chống Formosa, đấu tranh cho quyền con người. Nhưng tòa án của chính quyền tỉnh Nghệ An đã kết án anh trai tôi bản án rất nặng nề. Tôi rất phẫn nộ”.

Báo chí trong nước dẫn thông tin của tòa nói vào ngày 14/2/2017, ông Hoàng Đức Bình cùng giáo dân tuần hành phản đối Formosa. Theo tài liệu của bên truy tố, ông Bình có lúc ngồi trên một xe ô tô con. Ông và lái xe không tuân thủ “yêu cầu”, “hướng dẫn” của cảnh sát giao thông, “gây ách tắc giao thông nghiêm trọng” trên quốc lộ 1A.

Vẫn theo tài liệu tại tòa, cùng thời gian đó, ông Bình dùng điện thoại tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội Facebook “với những lời nói vu cáo, bôi nhọ” lực lượng công an làm nhiệm vụ.

… xe này [chở ông Bình] chỉ đậu một bên thôi, bên kia thì đâu có chiếc xe nào, mà tắc thì tắc toàn bộ cả phía phải và phía trái. Tôi đưa ra bằng chứng đó, tôi nghĩ rằng lý do tắc nghẽn giao thông là do một số người hiếu kỳ, chứ không phải do chiếc xe của Hoàng Bình …

Hội đồng xét xử cho rằng các hành động của ông Bình “kích động, gây rối, chống lại lực lượng làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự”, ngoài ra còn “làm mất uy tín” của công an Nghệ An.

Ông Hà Huy Sơn, một trong hai luật sư bào chữa cho nhà hoạt động, bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân, nói rằng cả bản án phúc thẩm lẫn bản án sơ thẩm trước đó dành cho ông Bình là “bất công, vi phạm tố tụng”.

Về diễn biến phiên toà, ông Sơn nói tòa “không trình chiếu các video clip diễn biến sự việc” và “chỉ dùng các lời khai 1 phía các nhân viên công vụ là CSGT [cảnh sát giao thông]”. Vị luật sư bổ sung rằng đã “không có việc giám định về nội dung của các video clip”.

Luật sư bào chữa Nguyễn Khả Thành cho VOA biết thêm về lập luận của ông và đồng nghiệp nhằm bảo vệ ông Bình:

“Tắc nghẽn giao thông là do một số người khác, một số người hiếu kỳ đứng đó mà xem. Và xe này [chở ông Bình] chỉ đậu một bên thôi, bên kia thì đâu có chiếc xe nào, mà tắc thì tắc toàn bộ cả phía phải và phía trái. Tôi đưa ra bằng chứng đó, tôi nghĩ rằng lý do tắc nghẽn giao thông là do một số người hiếu kỳ, chứ không phải do chiếc xe của Hoàng Bình. Thế nhưng cuối cùng phía bên tòa họ vẫn không chấp nhận”.

Luật sự Thành cho biết 5 người thân của ông Bình gồm bố mẹ, chị gái và hai em trai đã đến địa điểm xử án nhưng nhân viên an ninh chỉ cho bố mẹ và chị gái vào dự phiên tòa. Theo luật sư Thành, do lo ngại xô xát xảy ra với 2 người còn lại nên 3 người nhà ông Bình đã quyết định không vào tòa.

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên tòa phúc thẩm hôm 24/4/2018 ở Nghệ An

Ông Hoàng Nguyên, em trai nhà hoạt động, nói với VOA về dự định của gia đình nhằm chống lại bản án “bất công”:

“Gia đình chúng tôi sẽ sẵn sàng vận động các tổ chức nhân quyền, khả năng là vận động các luật sư quốc tế để kiện chính quyền Nghệ An. Sắp tới đây tôi sẽ vận động các đại sứ quán các nước để họ lên tiếng giúp gia đình chúng tôi vì chúng tôi rất là cô đơn”.

Ông Hoàng Đức Bình là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.

Trước khi bị bắt, ông Bình và ông Bạch Hồng Quyền, một thành viên của Con Đường Việt Nam, đã giúp đỡ nhiều hoạt động truyền thông cho người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra.

Gần cùng thời điểm ông Bình bị bắt, công an Hà Tĩnh đã ra lệnh bắt và truy nã ông Bạch Hồng Quyền nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được ý định.

Luật sư Nguyễn Khả Thành bình luận với VOA rằng trong vòng 6 tháng trở lại đây, các tòa án Việt Nam có xu hướng tuyên mức phạt tù cao nhất đối với giới hoạt động bị quy phạm các tội liên quan đến an ninh quốc gia. Luật sư Thành cho rằng chính quyền ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của các nhà hoạt động trong giai đoạn internet có thể giúp lan truyền các thông điệp của họ rộng khắp và nhanh chóng.

282690cookie-checkNhà hoạt động Hoàng Đức Bình vẫn chịu án 14 năm tù