BBC
Cây bút Nguyễn Văn Hải (còn gọi là Điếu Cày) nói người dân tại Việt Nam và những người trong chính quyền nên nhìn sâu vào phiên tòa xử ông Thăng và đồng phạm.
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị bắt ở Việt Nam tháng Tư 2008, bị xử 30 tháng tù vì tội trốn thuế. Đến năm 2012, ông bị xử thêm về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 bộ luật Hình sự và bị tuyên án 12 năm tù giam.
Bàn tròn BBC: Vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh – mức án & bình luận
Vì sao hai luật sư của ông Thanh rút lui?
Tháng 10/2014, ông được Việt Nam trả tự do và cho phép sang Hoa Kỳ “vì lý do nhân đạo”.
Trả lời BBC từ California, blogger Điếu Cày nói cần nhìn “cách mà Cộng sản hành xử với đồng chí của mình”.
“Cần nhìn cách họ xét xử có đúng quy trình, hiến pháp, pháp luật hay không? Có được kiểm soát đàng hoàng hay không? Cách xét xử đối với một người dù là tội phạm nhưng ông ta vẫn có quyền con người, có quyền được xét xử một cách độc lập và công minh?”
Ông Hải cho rằng về xét xử ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt, nhưng cách xét xử phải công minh.
“Chúng ta thấy cả một hệ thống của chính quyền Cộng sản khi các ông ấy ở ngoài thì tung hô quá trời, nhưng khi bị bắt một cái thì họ đã đưa ra kết luận từ trước phiên xử rồi. Họ tạo dư luận như thế không công minh.”
“Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là những người trong hệ thống đó và bây giờ bị xử trong những phiên tòa như vậy.”
“Cũng như cái cách mà chúng tôi đã từng phải trả giá. Nhưng khác ở chỗ chúng tôi lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi vì dân chủ chứ không phải như các ông ấy bị các đồng chí của mình đưa ra làm thịt.
“Cái khác nhau là ở chỗ đó còn cách xét xử thì vẫn mang tính độc tài,” ông Hải nói.
“Họ nên tỉnh ngộ đi và nhìn vào đó để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Hãy nhìn để hiểu mình đang phục vụ cho một cái đảng như thế nào và hãy rút ra kinh nghiệm, tốt nhất là hãy rời bỏ đảng đó đi”.
Phản hồi về nhận xét cho rằng không nhất thiết phải còng tay những bị cáo như ông Đinh La Thăng khi ra tòa, ông Hải nói:
“Hãy nhìn những người đấu tranh dân chủ như chúng tôi, khi bị dẫn giải ra tòa, không chỉ bị còng tay mà còn bị còng chân. Tôi và chị Tạ Phong Tần đi từ trại giam B34 lên tòa án hai người hai xe và còn có năm xe tháp tùng. Việc gì họ phải sử dụng lực lượng lớn như vậy?”
“Nhưng đấy là cách họ dẫn giải (tội phạm), thường còng tay, họ sợ bị cướp tù này kia.”
‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’
TS Lê Đăng Doanh: ‘Không thể dựa vào liên kết quyền lực’
‘Thanh trừng phe phái’
Blogger Điếu Cày cho rằng vụ xử hiện nay chỉ là một phần của “thanh trừng phe phái”.
“Trong vụ án này tôi cũng thấy là đây cũng chỉ là thanh trừng phe phái chứ không có gì là chống tham nhũng. Vì ở Việt Nam có một thực tế là không có cơ chế độc lập để kiểm soát, chống tham nhũng. Người dân không có tiếng nói nào trong việc chống tham nhũng.”
“Nếu không có đối trọng, không có kiểm soát thì không thể chấm dứt được tham nhũng trên đất nước Việt Nam này.”
“Nếu có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, có kiểm soát và có tam quyền phân lập thì tham nhũng này khó có thể nảy nở và nhiều như thế,” blogger Điếu Cày nói.
Một bài báo của Reuters ngày 10/1 trích lời một số người Việt tại Mỹ, nơi có khoảng 1,3 triệu người gốc Việt.
Bài của Reuters nói rằng ít ai tại đây xem phiên tòa là khởi đầu của “thay đổi thực sự”, nhưng cũng ít ai cảm thông cho các bị cáo.
Tuyet Ngoc Dinh, đến Mỹ từ 1989 và sống Louisville, Kentucky, được dẫn lời: “Chống tham nhũng là vô nghĩa khi không có hệ thống cân bằng và kiểm soát.”
Ông Huu Vo, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, sống ở Pomona, California, nói: “Khi có tranh chấp chính trị, họ trở nên yếu hơn.”