13/01/2020
Nguyễn Lân Thắng
Mấy hôm vừa rồi khi sự việc đau lòng ở Đồng Tâm nổ ra thì tôi đang ở rất xa Hà Nội. Có rất nhiều bạn bè gần xa thắc mắc tại sao tôi không hề lên tiếng gì như mọi khi trước một sự việc động trời như vậy. Xin thưa ngay với quý cô bác và anh chị em là trong những ngày đó tôi phải tập trung 100% sức lực và tâm trí của mình vào việc tốt nghiệp một khoá đào tạo NLP tại Lào Cai.
NLP là chữ viết tắt của một ngành khoa học ra đời tại Mỹ từ những năm 1970. Tên đầy đủ của nó là Neuro Linguistic Programming (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy). Nó là một môn khoa học nghiên cứu về phát triển tiềm năng con người, giúp con người trở thành xuất chúng hoặc tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất, bằng cách mô phỏng hành vi của những người thành công khác thông qua những nghiên cứu sâu sắc về thần kinh học, ngôn ngữ học và những mô thức được lập trình sẵn.
Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng tại sao Mahatma Gandhi, tại sao Hồ Chí Minh, tại sao George Washington, tại sao Nelson Mandela… lại trở nên thành công khi kêu gọi được hàng triệu người khác tham gia vào cuộc cách mạng của mình. Xin nói ngay là ở đây tôi không bình luận về kết quả lâu dài, về chuyện đúng sai của những cuộc cách mạng đó, đó là một câu chuyện khác tôi sẽ đề cập sau. Dù ghét hay ngưỡng mộ ai đó trong những nhân vật lịch sử này thì chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau một điều rằng, họ đã thành công, trở nên xuất chúng, gây ảnh hưởng tầm thế giới và thực hiện được ước mơ của mình.
Câu chuyện ở Đồng Tâm không có gì là mới với tôi. Là người cùng với blogger nổi tiếng Người Buôn Gió ghi lại được những thước phim khủng khiếp trong trận càn Văn Giang năm 2012, từ lâu tôi đã quá hiểu về bản chất tàn ác của chế độ này. Cách ai đó làm một việc là cách họ làm mọi việc. Thế nên dù là Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng… hay nhiều nơi khác nữa, dù không được chứng kiến trực tiếp sự việc, nhưng tôi thừa sức hình dung ra chuyện gì đã xảy ra ở những nơi đó.
Nhưng sẽ còn bao nhiêu vụ giết dân cướp đất nữa? Sẽ còn bao nhiêu người nữa phải chết vì thói cường quyền và bạo lực của nhà nước nữa? Và đất nước sẽ còn mất bao lâu nữa để có tự do? Đó chính là những câu hỏi ám ảnh và đeo bám lấy tâm trí của tôi từ nhiều năm nay.
Trong đời sống, kết quả mà chúng ta có được là do những hành vi mà chúng ta đã làm. Bạn không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ điều gì khác, bởi vì thực sự có quá nhiều ví dụ về những người thành công từ những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Nếu ta không thay đổi hành vi, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách giao tiếp thì dù có mong muốn đến đâu kết quả ta nhận được vẫn như cũ.
Chính vì thế từ khi phát hiện ra NLP đầu năm 2018, tôi đã đắm đuối lao vào môn khoa học này. Không như những kỹ năng mềm mà bạn có thể được biết trước đây như bán hàng, đàm phán, thuyết trình, giao tiếp…NLP trao cho người học một quyền năng tuyệt vời là thay đổi chính mình, chữa lành vết thương trong tâm hồn, hoà giải các mối quan hệ, suy nghĩ thông minh, và tìm ra con đường ngắn nhất để trở nên thành công.
Tôi may mắn tiếp cận được với một khoá học NLP do thầy Vas, một người Singapor mở ra ở Việt Nam. Ông năm nay đã 64 tuổi nhưng tràn đầy năng lượng và trí tuệ. Những buổi học mà tôi đã tham gia thường kéo dài đến hơn 15 giờ đồng hồ, và thầy Vas đứng liên tục để nói sang sảng mà không hề mệt mỏi. Ông thức cùng chúng tôi, chạy cùng chúng tôi, leo núi cùng chúng tôi và trao cho chúng tôi những bài học rất quý giá. Có những ngày học tôi chỉ được ngủ khoảng 1-2 tiếng, nhưng tôi cảm thấy vẫn rất khoẻ khoắn vì nội dung của khoá học này quá hay. Chúng tôi được học những điều kỳ diệu để khám phá bản thân mình, để hiểu thế giới quan xung quanh, để biết cách giao tiếp hiệu quả với những người khác, để suy nghĩ một cách sáng tạo, để dũng cảm vượt qua thử thách, để biết cách lập ra lộ trình nhằm hoàn thành ước mơ trong đời.
Mỗi người đến với NLP có một ước mơ riêng. Có người thì mong ước tiền bạc. Có người là sức khoẻ. Có người lại là việc chữa lành các vết thương trong tâm trí. Nhưng riêng tôi ngay từ đầu đã xác định cho mình là học để thay đổi bản thân, để tìm ra con đường ngắn nhất thúc đẩy đất nước này sớm thoát khỏi những bi kịch, mà điển hình như vụ Đồng Tâm vừa xảy ra. Chính vì thế khi tiếng súng nổ ở thôn Hoành tôi đã chọn im lặng, không nói gì, vì phải tập trung 100% cho mục tiêu lớn hơn.
Trong 6 ngày học cuối cùng để tốt nghiệp khoá NLP, tôi đã leo Fanxipang bằng chân lên đỉnh và quay về trong đúng 34 tiếng. Hành trình mà chúng tôi bắt đầu xuất phát là từ Trạm Tôn 1800m lên đỉnh 3143m dài khoảng 27km. Thành tích này đối với các vận động viên leo núi chuyên nghiệp không là gì cả, nhưng nó là một điều kỳ diệu đối với bản thân tôi cũng như với cả đoàn người gồm 260 học viên, 60 người hỗ trợ và 90 cửu vạn địa phương.
260 học viên chúng tôi được chia thành 13 nhóm, trong mỗi nhóm có đủ các thành phần già trẻ khác nhau, kinh nghiệm khác nhau, suy nghĩ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Riêng trong nhóm của tôi có một bà bầu hơn 4 tháng đã leo lên Fanxipang cùng. Trong nhóm lại có những bạn là đảng viên, là bộ đội, là người làm kinh doanh… có những khác biệt rất lớn với thế giới quan của tôi. Vậy mà chúng tôi đã yêu thương nhau, cùng nhau đi lên, cùng nhau đi xuống an toàn. Bài học ở đây là, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình. Nhưng nếu muốn đi xa, bạn phải đi cùng nhau. Hãy tự hỏi chuyện gì sẽ không xảy ra nếu người dân Đồng Tâm không cô đơn trong cái đêm kinh hoàng đó?
Chặng đường lớn hơn để đi đến cái đích tự do cho Việt Nam còn gian nan và dài khủng khiếp, nó dài hơn đường lên đỉnh Fanxipang gấp nhiều lần. Nếu muốn đến được đó, 90 triệu người dân chúng ta phải trở thành một đội nhóm. Đó là một điều không tưởng, nhưng không phải là không thể, vì đã có quá nhiều tấm gương của các dân tộc khác, đã thoát khỏi ách độc tài chuyên chế bởi sự đoàn kết.
Sự đoàn kết chỉ đến khi chúng ta thấu hiểu nhau, thương yêu nhau và có chung một mục đích. Tôi sẵn sàng cháy hết mình để làm được điều đó, vì mong ước của tôi bây giờ là Việt Nam phải có dân chủ, phải có tự do. Tôi khát khao rằng con cái mình sẽ được lớn lên trong một đất nước giàu có và hạnh phúc, không còn cảnh cướp đất, không có sự bất công.
Tôi yêu bạn
Tôi xin lỗi bạn
Xin bạn hãy tha lỗi cho tôi
Cảm ơn bạn
Đây là 4 câu thần chú mà ai học NLP sẽ phải biết. Khi một ai sẵn sàng nói ra điều đó thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra với họ.
Để kết thúc bài viết này tôi xin nói mấy điều với các bạn.
Tôi yêu tất cả người dân Việt Nam
Tôi xin lỗi tất cả những ai đã từng bị tôi làm cho tổn thương
Xin hãy tha lỗi cho tôi vì những việc tôi đã làm hay đã nói có thể không vừa ý tất cả
Cảm ơn các bạn
Riêng với chị P, anh T… em cảm ơn anh chị đã yêu thương em và giới thiệu cho em khoá học tuyệt vời này.
Cảm ơn gia đình, bạn bè gần xa luôn tin tưởng, ủng hộ tôi… dù nhiều khi không biết rõ tôi đang ở đâu, làm cái gì.
Yêu thương tất cả./.
Hình ảnh này là trong lớp học NLP, khi tôi đang chia sẻ câu chuyện về thảm hoạ Formosa, về những gian nan khủng khiếp khi thực hiện bộ phim Nỗi Buồn Sông Gianh trước hàng trăm học viên. Rất nhiều người đã đến cảm ơn và khích lệ. Tôi biết ơn họ 🥰