Trd Xuan
NATO là cách viết tắt của North Atlantic Treaty Organization – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một tổ chức quân sự – chính trị thành lập năm 1949, ban đầu gồm Hoa Kỳ, Canada và một số nước Tây Âu.
Mục đích thành lập NATO là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở Châu Âu có thể gây phương hại đến an ninh của các nước thành viên.
Trụ sở của liên minh quân sự này được đặt tại Brúc-xen (Bỉ). Cơ quan quyền lực cao nhất là Hội đồng NATO, bên cạnh có Uỷ ban Kế hoạch phòng thủ gồm các bộ trưởng quốc phòng phụ trách vạch kế hoạch và chính sách quân sự thống nhất.
Về quân sự, cơ quan quyền lực cao nhất là Uỷ ban Quân sự gồm Tổng tham mưu trưởng các nước thành viên do Tổng Thư kí NATO đứng đầu. ngoài lực lượng vũ trang riêng của từng nước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có lực lượng thống nhất dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng chỉ huy Liên minh khu vực. Trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Mỹ và các lực lượng vũ trang Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Những chức vụ quan trọng trong Bộ Tổng chỉ huy và trong các lực lượng vũ trang thống nhất đều do các tướng và đô đốc Mỹ nắm giữ. Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là người Mỹ. Sau khi Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va giải thể (1991), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn khẳng định sự tiếp tục tồn tại của mình đồng thời tiến hành cải tổ cơ cấu, mở rộng thành viên, kết nạp hầu hết các nước trong Hiệp ước Vác-sa-va, một số nước thuộc Liên Xô, Tiệp Khắc, Nam Tư trước đây đưa tổng số thành viên lên 32 nước nhằm tăng cường vị thế độc tôn ở khu vực và trên thế giới.
NATO là một liên minh chính trị – quân sự đảm bảo quyền tự do và an ninh của tất cả quốc gia thành viên thông qua các chính sách chính trị và quân sự.
NATO tuân thủ nguyên tắc phòng thủ tập thể, rằng một cuộc tấn công chống lại một hoặc nhiều thành viên của liên minh được coi là một cuộc tấn công chống lại NATO nói chung.
Nguyên tắc phòng thủ tập thể là trọng tâm của hiệp ước thành lập NATO. Nó là một nguyên tắc duy nhất và lâu dài gắn kết các thành viên NATO với nhau; cam kết rằng họ bảo vệ lẫn nhau và thiết lập tinh thần đoàn kết trong Liên minh.
Thực tế NATO đã nhiều lần thực hiện các biện pháp phòng thủ tập thể, bao gồm cả để đối phó với tình hình ở Syria và cuộc xâm lược vào Ukraine của Nga.
NATO là một liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa tất cả quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ cho phép tất cả quốc gia thành viên tham vấn, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, thực hiện các hoạt động quản lý khủng hoảng, đa quốc gia với nhau.
Đầu những năm 1990, sau khi Hiệp ước Vácsava giải thể, đã có khá nhiều kiến nghị đòi giải tán NATO với lý do đã không còn sự đối đầu Đông – Tây nữa. Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy. Hiện nay, NATO vẫn đang tồn tại, tiếp tục phát triển và mở rộng không ngừng. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, NATO đã đưa ra những cải cách về cơ cấu:
Lộ trình “Đông tiến” của NATO đã tiến tới sát cửa ngõ của nước Nga khi hiện nay cánh cửa vào NATO đang được mở rộng cho Ucraina và Gruzia, nhằm đạt mục tiêu chiến lược là mở rộng tầm ảnh hưởng ra hầu hết không gian “hậu Xô-viết”. Nếu như trong suốt thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, NATO chỉ kết nạp 04 nước, thì sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc và cho đến hiện nay, NATO đã nâng tổng số thành viên lên 32 nước. Theo đó, biên giới NATO cũng mở rộng tiến sát Liên bang Nga – nước mà NATO coi là “đối thủ” thế chân Liên Xô. Nguyên nhân của việc nhiều nước Đông Âu hay một số nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây muốn trở thành thành viên của NATO là do các nước này muốn thông qua NATO để tìm sự bảo trợ an ninh quốc gia trước những sự đe dọa từ các nước lớn trong châu lục. Bên cạnh đó, khi trở thành thành viên của NATO, các nước này sẽ có cơ hội tiếp cận với những nền kinh tế phát triển mạnh của phương Tây để từ đó tìm cơ hội phát triển cho mình.
Chính quyền Trump 1.0 đe dọa rút Mỹ ra khỏi NATO do các nước thành viện không đảm bảo kinh phí đóng góp cho tổ chức này. Nhưng cam kết của Quốc hội Mỹ đối với liên minh NATO vốn đã được chính quyền Tổng thống Biden coi trọng hơn so với chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát từ tháng 2 năm 2022.
Chính quyền Tổng thống Biden đã đầu tư nhiều cho NATO kể từ đầu nhiệm kỳ khi cam kết tăng cường hiện diện và nguồn lực quân sự ở châu Âu. Mỹ cũng hoan nghênh việc NATO mở rộng thành viên với việc tiếp nhận Phần Lan, Thụy Điển. Trước đó chính quyền Biden luôn tìm cách thuyết phục các nước thành viên khác ủng hộ hai nước Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối này.
Dự luật cấm tổng thống Mỹ đơn phương rút khỏi NATO do Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Marco Rubio đề xuất. Dự luật đi kèm với một số điều khoản, trong đó có điều khoản cấm mọi tổng thống Mỹ đơn phương rút nước này khỏi liên minh quân sự NATO khi chưa được quốc hội phê chuẩn.
Nghị sĩ Kaine nói, quy định này tái khẳng định cam kết của Washington với liên minh quân sự gồm 32 thành viên. Nghị sĩ Rubio cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và bảo vệ an ninh của các đồng minh”.
Trong khi còn đương chức và thậm chí trong chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần dọa rút Mỹ khỏi NATO. Ông Trump cho rằng, các thành viên NATO không đáp ứng được nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng hàng năm, và điều này tạo gánh nặng cho Mỹ.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định lại tầm quan trọng của liên minh này, đặc biệt trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã mạnh tay đầu tư cho NATO, cam kết điều thêm binh sĩ và các nguồn lực quân sự khác đến châu Âu.
Luật Mỹ cấm tổng thống đơn phương rút Mỹ khỏi NATO, nhưng ông Trump có thể “lách luật” mà quốc hội khó ngăn cản điều này, khi ông Trump có thể giảm cam kết với NATO để “rút lui ngấm ngầm”.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông hậu bầu cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 8/12 một lần nữa cảnh báo Mỹ sẽ cân nhắc rút khỏi NATO nếu các thành viên liên minh đóng góp ngân sách quốc phòng không công bằng.
Ông Trump từng đưa ra cảnh báo tương tự trong nhiệm kỳ một, khiến các thành viên còn lại trong NATO lo ngại. Quốc hội Mỹ tháng 12/2023 thậm chí thông qua luật giới hạn quyền lực của tổng thống liên quan NATO để phòng hờ.
Theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được thông qua lúc đó, tổng thống không thể rút Mỹ khỏi NATO nếu không được 2/3 thượng nghị sĩ tại Thượng viện chấp thuận hoặc thông qua một đạo luật của quốc hội. Biện pháp này do hai thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân chủ, và Marco Rubio, đảng Cộng hòa, đề xuất.
Tuy nhiên, Scott Anderson, học giả tại Viện Brookings, trụ sở tại Washington, cảnh báo đạo luật này không phải là khiên chắn hoàn hảo để ngăn ông Trump rút Mỹ khỏi NATO nếu tổng thống thứ 47 của Mỹ muốn làm như vậy.
“Luật không quy định thẳng vào vấn đề rằng tổng thống Mỹ không được ra lệnh rút khỏi NATO, mà chỉ cảnh báo ông chủ Nhà Trắng không nên làm điều này và nếu phớt lờ, ông ấy sẽ phải đối mặt với vụ kiện pháp lý”, theo ông Anderson.
Hiện chưa rõ quốc hội Mỹ có đủ cơ sở để tiến hành động thái pháp lý nếu ông Trump chỉ tuyên bố “đang rút khỏi NATO” hay không, Curtis Bradley, giáo sư Trường Luật, Đại học Chicago, nêu vấn đề.
Tòa án Tối cao thường cho rằng bất đồng giữa các nhánh quyền lực là vấn đề chính trị, và cách giải quyết tốt nhất là thông qua quy trình chính trị thay vì can thiệp tư pháp.
“Và để được đưa ra xét xử, vụ kiện cần phải có nguyên đơn”, Bradley nói. “Bên duy nhất tôi nghĩ có thể khởi kiện là quốc hội, nhưng chưa rõ phe Cộng hòa tại lưỡng viện có ủng hộ động thái như vậy hay không”.
Sau cuộc bầu cử tháng 11, phe Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện trong quốc hội khóa mới, khiến bất cứ động thái pháp lý nào chống lại ông Trump cũng rất khó xảy ra.
Ngay cả khi thụ lý giải quyết vụ kiện, Tòa án Tối cao cũng khó phân định thắng thua, bởi các vấn đề liên quan hiến pháp Mỹ thường mơ hồ. Quốc hội chưa bao giờ kiện trực tiếp tổng thống vì rút Mỹ khỏi một hiệp ước.
Theo hiệp ước của NATO, nếu muốn rời khỏi liên minh, một quốc gia sẽ phải trình “thông báo bãi ước” để các thành viên khác biết ý định. Quốc gia đó phải chờ một năm trước khi mất tư cách thành viên.
Nhưng NATO hoạt động dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên trình “thông báo bãi ước” không khác gì đã rời liên minh, theo Camille Grande, cựu trợ lý tổng thư ký NATO, nói với Politico. “Nó đồng nghĩa với tuyên bố ‘tôi không còn giữ cam kết nữa'”.
Ông Trump còn có thể làm suy yếu NATO mà không cần phải chính thức rút Mỹ khỏi khối. “Ông ấy có thể ngừng tương tác với NATO theo nhiều hình thức”, Alexander Vershbow, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, nói.
Ông Vershbow liệt kê một số tình huống mà Mỹ có thể “ngấm ngầm bỏ rơi” NATO như rút binh sĩ đồn trú ở châu Âu, dừng tham gia các sứ mệnh chung của khối hoặc thu hồi lá chắn tên lửa đang triển khai ở châu lục.
Các nghị sĩ Dân chủ cũng từng cảnh báo về khả năng ông Trump từ chối viện trợ, rút đại sứ khỏi liên minh hoặc không tham gia tập trận chung để “đoạn tuyệt” quan hệ với NATO mà không cần chính thức rút khỏi khối.
Hồi tháng 2, một số nghị sĩ đã kêu gọi quốc hội Mỹ đưa ra thêm biện pháp ngăn kịch bản này xảy ra, nhưng đến nay chưa có kết quả nào.
Trong khi phe chỉ trích cho rằng những cảnh báo của ông Trump đang làm suy yếu NATO, một số nghị sĩ Cộng hòa lại coi đây là biện pháp gây áp lực hiệu quả để các thành viên liên minh tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Barry R. Posen, giáo sư khoa học chính trị quốc tế Học viện Công nghệ Massachusetts, bang Massachusetts, cho rằng các thành viên liên minh cần tăng cường tiếp xúc ngoại giao để thay đổi quan điểm của ông Trump và nhanh chóng tìm thêm nguồn lực dành cho quốc phòng nếu muốn cứu NATO.
“Mỹ đã thông qua luật ngăn tổng thống rút Washington khỏi NATO khi chưa được quốc hội chấp thuận”, cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói. “Khi thăm quốc hội Mỹ, tôi cảm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng dành cho NATO, ở lại NATO. Rõ ràng, tổng thống có thể khiến NATO khốn đốn, nhưng Mỹ rời NATO ư? Không”.
Charles Kupchan, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện chính sách trụ sở Washington, có chung nhận định.
“Bất chấp những lời đe dọa, tôi không cho rằng ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO. Tôi nghĩ ông ấy sẽ không muốn được nhớ đến là tổng thống Mỹ làm tan rã liên minh quân sự lớn nhất của phương Tây”, Kupchan nói với Newsweek.
Trump liệu có tìm cách rút khỏi NATO không? Hãy đợi các chính sách sắp tới mà ông đưa ra, và nhất là trong quan hệ với các nước thuộc “phe trục” Trung Quốc, Nga, Triều Tiên…mà nhiệm kỳ đầu ông đã thực hiện. NATO là sức mạnh của chính nước Mỹ trên thế giới, nếu không có NATO thì sức mạnh của Mỹ cũng sẽ bị giảm đi nhiều.