Mười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn khoăn – phần 3

0
39
Phúc Lai

4. Có đúng kế hoạch tấn công của Ukraine ở Robotyne làm họ thương vong đến 40.000 binh lính chỉ trong một thời gian ngắn cỡ hai đến ba tuần?

Những thông tin này là bí mật, về phía Ukraine không cho phép những thông tin đó lọt ra ngoài. Vì vậy kể cả các hãng truyền thông phương Tây hay thậm chí, cơ quan tình báo phương Tây cũng không nắm được vấn đề này. Đó là lý do mà chúng ta không nên tin tưởng vào những nhận định của các “nhà quân sự vỉa hè” tung ra những tin tức “động trời” kiểu như vậy.

Nhưng những tuyên bố của các quan chức quân sự Ukraine về tỉ lệ thương vong giữa hai bên, mà từ đầu tháng Sáu đến nay nghiêng hẳn về phía Ukraine, có đáng tin cậy hay không hay họ bịa ra? Chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phân tích các số liệu, chẳng hạn cập nhật đến ngày 21 tháng Tám năm 2023 theo phía Ukraine họ đã phá hủy 5264 hệ thống pháo của quân Nga. Về chỉ số này ngày 4 tháng Sáu năm 2023, ngày được cho là bắt đầu chiến dịch phản công của người Ukraine ở phía nam là 3555 hệ thống pháo binh, như vậy trong 78 ngày họ đã tiêu diệt của Nga 1709 hệ thống. Năm ngoái khi bắt đầu chiến tranh, Nga đưa vào chiến trường Ukraine khoảng 4000 hệ thống pháo binh và từ đó đã bổ sung nhiều lần – theo nguồn Forbes.

Ở giai đoạn hiện tại, không có căn cứ nào cho thấy Bộ chỉ huy Nga dù có cố gắng cũng có thể đạt được con số ban đầu, mặc dù con số bị tiêu diệt đã vượt quá số lượng 4000 đó từ lâu.

Tại sao tôi lại nói đến pháo binh của Nga ở đây? Bởi vì theo lời của một sĩ quan Ukraine nói từ mùa thu năm ngoái, đỉnh điểm của sử dụng pháo binh một các dữ dội của Nga là trong giai đoạn chiếm hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk (nhiều nhất là 70.000 quả đạn một ngày) và đây là một chỉ số quan trọng: 70% thương vong của lính Ukraine bị gây ra bởi pháo binh Nga. Nếu đến thời điểm hiện tại khả năng của pháo binh Nga sa sút cả về số lượng hệ thống pháo và đạn dược đến như vậy thì không có lý gì để đưa ra nhận định được rằng “quân Ukraine phải hứng chịu tổn thất lớn về người” cả.

5. Vậy tại sao vẫn xuất hiện những ý kiến cho rằng cuộc phản công của người Ukraine là “dậm chân tại chỗ?” thậm chí từ những người từ trước đến nay vẫn ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất? 

Chúng ta sẽ điểm qua một số khu vực chính của mặt trận.
Ở phía đông, khó có thể xảy ra cuộc tấn công của quân Ukraine trên chiến tuyến kéo dài từ phía nam Bakhmut đến bên dưới thành phố Donetsk. Khu vực Donbas tập trung nhiều khu đô thị, điều này mang lại lợi thế lớn cho quân phòng thủ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhiều cuộc tấn công đã thất bại ở đây và cả người Đức cũng như Hồng quân Liên Xô phải tiến hành các cuộc tấn công “đi vòng” ra xung quanh rìa của các khu tập trung dân cư. Trong 8 năm nội chiến, cả hai bên đã tăng cường xây dựng các tuyến phòng thủ có chiều sâu ở đây. Ngay cả khi cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Liên bang Nga đã diễn ra, hệ thống này vẫn tỏ ra rất hiệu quả và khu vực xung quanh thành phố Donetsk quân Nga không tiến thêm được bao nhiêu. Điều này cũng đúng với thị xã Bakhmut, nhờ có hệ thống công sự phòng ngự mà quân Ukraine đã cầm cự với quân Nga rất lâu và quân Nga chỉ có thể chiếm được gần hết khu nội đô của thị xã với một giá rất đắt. Mặt trận của quân Nga chỉ có thể vỡ trong trường hợp có sự đổ vỡ ở một trọng điểm nào đó, chẳng hạn Bakhmut. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải tính đến việc, quân Nga sẽ không tử thủ bảo vệ thành phố, chẳng hạn như Donetsk mà trong trường hợp bị phong tỏa giống như ở Kherson thì chúng sẽ rút khi tình hình trở nên nguy ngập. Hiện nay các tiền đề của việc này đã hội đủ vì quân Ukraine đã áp sát thành phố từ phía tây rồi.

Once a tankimage: getty images

Ở mặt trận phía nam.

Ở khu vực này của mặt trận, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng Nga có vị trí vững chắc hơn, nhưng cá nhân tôi thì cho rằng chính ở hướng này quân Nga lại rất dễ bị tổn thương. Lại quay lại với vấn đề hậu cần: các tuyến hậu cần của khu vực mặt trận này quá dài, đồng thời Bộ chỉ huy Nga phải bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước sự đe dọa của hoạt động của các lực lượng đặc biệt Ukraine và du kích của Ukraine trong vùng. Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, quân Ukraine được phép hoạt động trên các tuyến đường nội địa, do đó họ có thể di chuyển lực lượng nhanh hơn nhiều và do đó, chủ động quyết định tốc độ hoạt động chiến đấu.

Một yếu tố nữa, là những hạn chế về nhân lực của Nga trong khu vực. Tổng diện tích của lãnh thổ do Nga chiếm đóng khu vực này là khoảng 18.000 ki-lô-mét vuông, và họ đã có khoảng gần một năm để xây dựng các công sự. Nhưng thực chất, ban đầu quân Nga có tương đối ít quân ở đây cho một chiến tuyến dài như vậy: khoảng 180 đến cỡ 200 ki-lô-mét chiều dài với quân số ban đầu chỉ dưới 40 BTG (nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn). Do vậy họ đã cố gắng để bổ sung quân số này nhưng các chuyên gia quân sự ước tính, dù có tăng lên gấp ba lần (khoảng gần 100.000 quân trên toàn bộ khu vực) thì vẫn là một mật độ rất mỏng trên một diện tích lớn như thế.

Vì vậy, một khi cuộc tấn công của người Ukraine ở miền Nam đã có những tiền đề để phát triển thuận lợi, thì quân Nga sẽ không đủ quân số để ổn định tình hình, đó là chưa nói đến nhu cầu tổ chức phản công.

Cuộc phản công của Ukraine hiện nay – thời điểm tháng Tám đã qua được 2/3 vẫn đang trong giai đoạn “định hình.” Nhận thức được sự “thiếu quân” của Nga ở khu vực (điều này còn được thể hiện qua những nỗ lực tấn công ở đông bắc, hướng Kupyansk của tỉnh Kharkiv mong hút được bớt quân Ukraine về ứng cứu), quân Ukraine như trên đây tôi đã viết, tiến hành hoạt động “bào mòn” lực lượng của Nga một cách chậm rãi, từ từ và có kế hoạch. Các đợt tấn công ở cách xa nhau đã làm cho Bộ chỉ huy Nga phải điều quân từ chỗ này sang chỗ khác và lại làm mồi cho pháo binh tầm xa của Ukraine.

Wielding Excaliburimage: sgt. sean harriman/ us army photo

Việc quân Nga ở trục đông – tây của Mặt trận phía Nam thuộc tỉnh Zaporizhia: Vuhledar – Velyka Novosilka – Hulyaipole – Orikhiv – Kamyanske bị tấn công đều đặn và liên tục, kết hợp với việc tấn công vào các trung tâm phía sau (doanh trại, sở chỉ huy, kho đạn, hệ thống pháo và phòng không…) đã khẳng định nhận định “quân số của Nga ở khu vực là không đủ” là đúng, vì họ đã bắt đầu phải rút quân từ tỉnh Kherson vùng tả ngạn sang Zaporizhia rồi. Điều này tạo ra cơ hội cho các hoạt động của quân Ukraine ở đây.

Các hoạt động của quân Ukraine ở tỉnh Kherson vùng tả ngạn như vậy cũng đang được tiến hành. Kế hoạch định hình khá rõ: đang chia bờ sông ở phía bắc sông Dnipro chỗ quân Nga đang chiếm thành các đoạn và cũng sử dụng hỏa lực tầm xa để phá vỡ hậu cần. Theo thời gian, hoạt động này cũng lại làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của Nga. Kết quả đã bắt đầu thấy được: quân Ukraine đổ bộ với số lượng nhỏ sang bên này sông, chiếm một số “bàn đạp” có thể sử dụng làm đầu cầu, nhưng quân Nga tỏ ra khá bị động và yếu kém trong tổ chức phản kích để thủ tiêu những “bàn đạp” đó của quân Ukraine.

Tất cả những hành động này của người Ukraine sẽ gặp phải một trở ngại rất lớn: hy vọng theo kiểu trước đây của người Ukraine là Bộ chỉ huy Nga sẽ “cắt lỗ” nhằm giảm tổn thất và rút quân, giống như họ đã làm xung quanh Kyiv, ở đảo Rắn và tả ngạn Kherson… sẽ khó diễn ra. Tại sao vậy? Vì lúc đó quân Nga còn nhiều sức mạnh hơn bây giờ vì vậy, chẳng hạn theo quyết định của Surovikin quân Nga rút rất sớm khỏi tả ngạn Kherson để bảo toàn lực lượng, vì còn hi vọng phản công lật ngược thế cờ. Còn bây giờ, nếu chỉ còn một tướng Nga tỉnh táo thì anh ta cũng sẽ nhận ra về sức mạnh quốc gia, Nga không còn có hi vọng nào để tổ chức tấn công chiếm thêm đất nữa, vì vậy chỉ còn lựa chọn duy nhất là cố bổ sung lực lượng vào chiến trường để phòng thủ.

Vì vậy, chúng ta sang một câu hỏi tiếp theo, xin gặp lại bạn đọc ở phần thứ hai của bài viết.

749480cookie-checkMười tám tháng chiến tranh của Nga ở Ukraine và những băn khoăn – phần 3