Ông Lý Quang Diệu mất, người dân Singapour đang làm các nghi lễ xứng đáng (và cần thiết) cho nhân vật này. Dĩ nhiên rất trang trọng, nhưng tuyệt đối không hề có các thứ hoa hòe màu sắc, cờ nheo phất phới xanh đỏ tím vàng… cũng như các lời than khóc, thuơng tiếc, kêu gào đến thấu trời xanh mây trắng, đổ chung với nước mắt (cá sấu) tuông xuống như mưa… như đã thấy ở các đám táng các lãnh tụ VN (vĩ đại).
Trong chừng mực, người dân Singapour nào cũng được hưởng thành quả từ sự phát triển của đảo quốc này. Người dân Singapour thuơng tiếc, làm « quốc táng » cho ông là hợp tình hợp lý. Cái cách làm đám táng này phản ảnh « tầm văn hóa » và « bề dầy văn hiến » của người dân Singapour (cho dầu họ lập quốc mới có ½ thế kỷ). Nó thể hiện được cái bề thế, trang trọng của một quốc gia (cường thịnh và văn minh), nói lên được cái uy nghi, đường bệ của một lãnh tụ đầy quyền lực. Nhưng quan trọng hơn hết là sự giản dị và khiêm nhượng. Sự giản dị và khiêm nhượng chỉ thể hiện ở tầng lớp những người vừa có học, vừa là bậc đại cự phú.
Nhưng nếu đọc các bài viết của các tác giả VN về nhân vật này, thấy rằng người VN viết (tâng bốc) ông Lý là quá đáng.
Thực sự ông Lý không có 72 phép thần thông như vậy…
Giả sử rằng, bây giờ ta giao cho ông Lý Quang Diệu đảo quốc Haiti hay Đông Timor, ta sẽ biết thực sự tài kinh bang tế thế của ông này. Đông Timor vừa dành được độc lập (từ Indonésie) cách đây không lâu. Haiti (cùng chia sẻ một đảo với cộng hòa Dominicaine), ở vùng biển Caraibes. Ông Lý phải làm gì ?
Theo tôi, có thể so sánh Lý Quang Diệu với một « doanh nhân thành đạt ». So sánh này có thể gây « sốc » cho nhiều người, nhưng thực tế là như vậy.
Ông Lý đã « quản trị » người dân và đất nước Singapour như là một doanh nhân gia trưởng, với người dân là thành viên trong gia tộc và đất nước là ngôi nhà chung. Mọi chính sách phát triển quốc gia của ông Lý đều nhắm vào mục tiêu lợi ích của người dân và sự cường thịnh của đất nước.
Nhiều bài báo (trong nước) ca ngợi « tầm nhìn » của ông Lý, kể lại nhiều « giai thoại » (khá vớ vẩn) của ông Lý với lãnh đạo tỉnh (Bình Dương) về các việc thuần túy đầu tư, đại khái như : « Làm khu công nghiệp này các anh lấy điện từ đâu?”, “Các anh có bao nhiêu trường đại học? Bao nhiêu sinh viên? Bao nhiêu trường nghề?”, “Mỗi ngày các anh có bao nhiêu chuyến tàu chở hàng đi sang Mỹ?… »
Các câu hỏi này, không cần phải « tầm cỡ » ông Lý Quang Diệu, mà chỉ một doanh nhân trung bình, khi muốn đầu tư vào VN, đều phải đặt ra.
Đâu có người chủ doanh nghiệp nào muốn xí nghiệp mình thua lỗ phải không ?
Cái hay của ông Lý, theo tôi, là « quyết tâm chính trị » của ông Lý, sau khi Singapour độc lập 1965 (bị Mã Lai đuổi ra khỏi Liên bang). Đó là quyết tâm « hòa giải dân tộc ». Đây là yếu tố cơ bản, quan trọng nhứt, để (Singapour phát triển như hôm nay) và ông Lý lãnh đạo thành công trong suốt 4 thập niên.
Khi độc lập, dân số Singapour bao gồm ba chủng tộc (Hoa, Ấn, Mã), trong đó người Hoa di dân lại chiếm đa số. Sự chống đối, (chém giết lẫn nhau) giữa ba khối dân tộc này là nguyên nhân Singapour bị đuổi ra khỏi liên bang Mã Lai. Ông Lý sẽ vô phương lãnh đạo nếu nội bộ người dân Singapour tiếp tục chống đối lẫn nhau, phải không ?
Quyết tâm chính trị (hòa giải dân tộc) của ông Lý được thể hiện qua một số quyết định (chính sách) về « bình đẳng » trong các lãnh vực như tôn giáo, sắc tộc, giáo dục… áp dụng (đến mưc cực đoan) mô hình pháp trị… hoặc lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính… Các việc này đã giải tỏa (và hạn chế) mọi mâu thuẩn trong xã hội.
Nếu đã xem đất nước là tài sản chung, mọi người dân là một thành tố của gia đình (của xí nghiệp)… thì mọi người, kể cả người lãnh đạo xí nghiệp, chỉ có một mục tiêu duy nhứt là góp mọi công sức để xây dựng và phát triển xí nghiệp.
Xây dựng trên một mô hình (hòa giải dân tộc) như vậy, Singapour làm sao có thể thất bại ?
Nhưng nếu, lấy thí dụ ở trên, Singapour có vị trí hiện nay, mà là Đông Timor hay Haiti, thì với chính sách (hòa giải dân tộc) như vậy, liệu các nước này có thành công hay không ?
Theo tôi, mức độ thành công có thể không bằng, nhưng nhứt định không thể thất bại.
Một quốc gia bị suy yếu (và có thể bị phân hóa) là một quốc gia bị chia rẽ. Thử nhìn (tất cả) các xung đột hiện nay ở các quốc gia trên thế giới… nguyên nhân của sự phân liệt quốc gia đều đến từ xung đột trong nội bộ quốc gia. (Kể cả Ukraine).
Về VN, ông Lý cho lãnh đạo và người VN « uống nước đường », nào là đáng lẽ VN phải đứng đầu trong khu vực, người VN thông minh, giỏi v.v… có lẽ chỉ nhằm để dễ dàng ký hợp đồng làm ăn với VN mà thôi. Trong hồi ký, ông Lý đã viết những lời, mà đáng lẽ những lãnh đạo VN hiện nay, nên tự vận để bớt xấu hổ. Ông Lý chửi mấy ông (lãnh đạo VN) vừa ngu dốt lại vừa hiếu chiến. Ông Lý cho rằng VN sẽ khá hơn khi những lãnh đạo này chết đi. Điều này có thể ông Lý đoán sai. Lớp lãnh đạo xưa đó đã chết, lớp mới lên thay, nhưng xem ra lớp mới này không ít dốt hơn lớp trước.
Một điều cần nhắc, yếu tố thứ hai để Singapour phát triển thành công, là chiến tranh VN. Nếu không có cuộc chiến này, có thể Singapour cũng không khá hơn Panama hiện nay.
Trong thời chiến, Singapour là một « nhà chứa » vĩ đại, hotel mọc lên như nấm, với hàng vạn, hàng triệu gái điếm đến từ Thái Lan. Chiến tranh VN, thời điểm nóng bỏng, có lúc hơn 500.000 quân Mỹ có mặt ở đây. Chưa kể đến quân Mỹ đóng ở Nam Hàn, Nhật (cho đến bây giờ). Chính phủ Mỹ và Singapour đã có những thỏa thuận nhằm mục đích giải quyết sinh lý cho những người lính viễn chinh. Singapour cung cấp « cơ sở hạ tầng » cho dịch vụ này. (Các việc cung cấp nhiên liệu xăng dầu cho Mỹ chỉ là điều phụ). Nếu không có « dịch vụ » này làm « vốn » để phát triển lúc ban đầu, có lẽ ông Lý (và Singapour) cũng không được như hôm nay.
Ông Lý có đưa những lời khuyên « tốt » cho VN. Có một điều ông tốt hơn nhưng ông dấu nhẹm, không nói, là yếu tố « hòa giải dân tộc ».
Như đã nói, một dân tộc chia rẽ là một dân tộc yếu. Một quốc gia có nhiều mâu thuẩn là một quốc gia bị đe dọa phân liệt. Đất nước phát triển mãi không thành công. Đó là điển hình của VN hiện nay.
Trách nhiệm do ai ? Là do lãnh đạo chứ đâu phải do lịch sử ?.