Saturday, September 21, 2024

Mẹ

Nguyệt Quỳnh

Văn chương Việt Nam vẫn ví von Mẹ qua hình ảnh cánh cò, tôi thì lại thấy mẹ tôi thật là cánh cò, và mẹ đẹp như những câu thơ của Từ Kế Tường:

Mẹ như cánh cò nơi bãi vắng

Tôi lênh đênh chẳng khác dòng sông

Cánh cò đẫm mùi bùn thầm lặng

Cả một đời mẹ mãi long đong

(Mẹ và Cánh Cò – Từ Kế Tường)

Trong mỗi mái nhà ở quê tôi, ai ai cũng có một cánh cò thương khó, dù anh là anh bộ đội hay anh lính cộng hoà. Cánh cò của tôi, giờ đây tuy đã cách xa quê hương hàng đại dương vẫn chẳng hề đổi thay – vẫn cái áo bà ba màu nâu xẫm, vẫn chiếc nón lá lấp lánh trong nắng trưa phố Bolsa, … Và dưới cái nón lá ấy, trong bộ bà ba ấy, tâm hồn mẹ là cả một quê hương.

Mẹ yêu quê hương tự nhiên như mây yêu bầu trời, như cây yêu rừng xanh. Tình yêu ấy không bị vướng mắc vào chủ nghĩa này, chính kiến nọ. Thời còn là thiếu nữ làng Mai Sơn môi hồng má thắm, mẹ từng theo Việt Minh đi hát dân công. Đêm đêm, mẹ cùng các thiếu nữ trong làng đi đến các đồn Tây. Công tác của các cô là hát hò, hát ví, hay dùng loa cầm tay kêu gọi những người đi lính Tây buông súng trở về với xóm làng. Mỗi khi lính trong đồn bắn ra hàng loạt đạn, các cô lại nằm thụp xuống bờ ruộng để tránh, và cứ thế họ hát cho đến nửa đêm mới về nhà.

Thời cách mạng thành công, rồi Cải Cách Ruộng Đất, chính mẹ cũng lại cùng một số gia đình trong làng nuôi dấu những vị linh mục đối kháng. Mẹ tôi là một phật tử thuần thành nhưng bà hay nói về các linh mục ấy với một lòng tôn kính. Ngày ấy, một linh mục bị cộng sản truy bắt đã được dấu trên căn gác xép của nhà mẹ tôi. Theo lời bà, ngài được luân chuyển hết từ nhà này đến nhà khác trong vùng. Cứ sáng sáng, mẹ lại đem một rổ tro bếp lên cho ngài đi vệ sinh. Cho đến một hôm, khi ngài vừa rời khỏi thì cộng sản ập vào nhà mẹ. Sau này, tôi cứ tiếc mãi rằng đến khi tôi đủ quan tâm để tìm biết tên vị linh mục kia thì những mảng ký ức trong đầu mẹ đã bị xoá. Mẹ đã mang chứng bệnh mất trí nhớ “alzheimer”.

Kể câu chuyện trên, tôi muốn nói với bạn đọc về những bà mẹ quê tôi. Mẹ có thể ít học, có thể không biết gì về chính trị, khoa học, … nhưng mẹ không ngại hiểm nguy khi phải đứng cùng lẽ phải, khi phải  hy sinh cho những điều lớn lao hơn mình. Và tính cách ấy được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thế hệ của bà, của cụ cố chúng tôi.

Ở đất nước tôi, ai ai cũng được nuôi lớn lên bằng lời ru của mẹ. Tiếng ru của mẹ thấm vào mạch máu, tiếng à ơi những đêm sâu như còn đọng mãi trong ký ức. Chiến tranh ở đâu đó, nhưng nó đâu có át được tiếng kẽo kẹt êm đềm, tiếng võng mẹ đưa những trưa vắng và những câu ru.  Ơi! những câu ru:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về

Bắt được con bống con trê

Nắm cổ lôi về cho cái ngủ ăn

Ảnh st

Cái ngủ ăn, cái ngủ chóng lớn, cái ngủ yêu con bống con trê, yêu bờ ruộng, yêu mảnh đất quê nghèo thấm đẫm câu ru của mẹ. Mẹ yêu con và dạy con yêu đất nước mình. Đất chẳng là gì cả, người ta sẽ bỏ đất ra đi, nhưng khi mẹ làm chốn ấy trở thành đất mẹ thì tất cả hóa linh hồn. 

Rồi con lớn lên, con đi theo lời gọi của núi sông. Mẹ hướng mắt theo con, con ra đi và sẽ trở về khi đất mẹ yên bình. Người bộ đội mơ một ngày hoà bình cho mẹ hết khổ, cho đường quê hương nở đầy hoa. Nhưng tất cả chỉ là giấc mộng, hoà bình rồi oan khuất vẫn cứ trùng trùng trên đất mẹ.

Người lính miền nam mơ ngày trở về, mẹ đón anh trên cánh đồng lúa vàng với tiếng sáo diều vi vu thay tiếng đạn bom. Nhưng ngày ấy không tới, rồi mẹ lưu vong ôm mãi giấc mơ hồi hương! Mẹ tôi hay bảo: vì chiến tranh loạn lạc mà tới đây, mai kia không còn cộng sản nữa thì mình về quê mình chứ con. Không ai muốn chia lìa, không ai bỏ quê mình ra đi vì nghèo khó”

Mỗi 30 tháng 4, khi cờ vàng bay rực phố là đôi mắt mẹ tôi ánh lên một niềm tự hào. Câu mẹ nói hơn bốn mươi năm trước, giờ ở tuổi chín mươi mẹ vẫn nói: “con thấy không, người Việt mình giỏi lắm đi đến đâu là cờ rợp phố, đi đâu cũng nhìn thấy Việt Nam”. 

Mẹ chẳng thiết đi du lịch, chẳng thiết đi đâu chơi, chỉ thích đi họp cộng đồng hay đi biểu tình. Ngày ca nhạc sĩ Việt Dũng còn sống, trong một buổi họp cộng đồng, anh hô to khẩu hiệu cổ vũ  xoá bỏ điều 4 hiến pháp. Mẹ chưa bước khỏi xe, chưa kịp cầm gậy đã hô to “xoá bỏ, xoá bỏ, xoá bỏ …” Giờ anh đã đi lâu rồi, biết bao nước trôi qua cầu, bao người trẻ tuổi đã rời bỏ cuộc đời này mà mẹ vẫn còn đây với mái tóc bạc trắng thời gian.

Chẳng biết ai là người đầu tiên đã ví von mẹ qua hình ảnh cánh cò. Nhưng con cò sao mà giống mẹ tôi quá vậy? lúc nào cũng một mình. Cái hình ảnh con cò một mình nơi ao nông, cái hình ảnh mẹ tôi một mình với đàn con qua chiến tranh – mẹ cõng con chạy giặc; mẹ gánh gồng con trên đôi quang gánh; mẹ lầm rầm đọc kinh trong hầm bao cát khi những trái hoả châu sáng rực ngoài trời, … Chiến tranh là thế! Gian nan là thế! Nhưng nó đâu có làm mẹ quên mất quê hương. Ngược lại là khác, mẹ vẫn nhớ từng gốc cây bờ ruộng, từng con rạch bờ đê. Mẹ thường bảo mai này khi tôi có dịp về đất bắc, hãy tìm lại cho mẹ cây sung ngày xưa, cây sung mẹ vẫn leo trèo thời con gái. Cây sung nay đã ngả dài bên bờ ao, con nước ngày xưa hẳn còn in dấu hình ảnh xinh đẹp của cô Tấm ngày nào. 

Ai đã làm cho quê hương không còn là đất mẹ, cho người Việt tiếp tục dứt áo ra đi, và để mẹ tôi cứ mơ mãi giấc mơ được trở về quê mình. Bốn mươi năm, mẹ mang quê hương đến xứ người; giờ tóc mẹ đổi màu, tình yêu đó vẫn chẳng đổi thay. Mẹ nói hết cộng sản thì mình về quê mình, nhưng quê mình đâu còn cộng sản nữa mẹ ơi! Chỉ cái tên thôi.

Mẹ tôi đã ở vào cái tuổi chín mươi. Bao giờ ước mơ của mẹ trở thành sự thật? Bao giờ cho quê mình dẹp được cái ác? Bao giờ, bao giờ con đưa được mẹ về? Ơi! cánh cò của tôi.

Ai cũng có sông quê, đường cỏ

Thương cánh cò lận đận quanh năm

Mỗi mùa thu vàng thêm sắc lá

Tóc mẹ rơi mây trắng âm thầm

(Mẹ và Cánh Cò – Từ Kế Tường)

Nguyệt Quỳnh

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular