Lụi tàn Nguyễn Xuân Anh – Sự sụp đổ của một âm mưu.(Kỳ 1)

0
2615

Bài trên Fb của nhà báo Phan Trí Đỉnh

Mở đầu
Muốn nói về Nguyễn Xuân Anh, xuất phát điểm phải xa hơn một chút, mới có thể hiểu rõ sự việc. Có lẽ phải bắt đầu từ bố mẹ cậu – ông Nguyễn Văn Chi và bà Trần thị Thủy. Nhưng gay go nhất lại là một nhân vật liên quan khác, nổi tiếng đầy tranh cãi, là Nguyễn Bá Thanh. Ông Bá Thanh, theo tôi là một con người có đầy chí tiến thủ, nhiều thủ đoạn, tài quyền biến. Ông đã khuất nhưng những gì ông để lại là hết sức “to lớn” và thiên hạ cũng đã biết cả.
Ngoài các nhân vật nói trên, có một người cũng cần nhắc đến là Thiếu tướng công an Trần văn Thanh.
Trong phạm vi một bài viết rất nhỏ trên Fb, nếu có sơ suất mong các bạn chiếu cố và chân thành góp ý cho tác giả.

PHẦN 1
Ông Trần Văn Thanh – Nguyên Giám đốc công an thành phố Đà Nẵng. Sau vụ Cầu Sông Hàn (sẽ kể dưới đây), ông bị điều động về công tác tại Bộ Công an, tại Hà Nội, làm chuyên viên cao cấp phụ trách miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 năm 2002, ông là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bộ Công an, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Công an. Năm 2006 ông được phong quân hàm cấp tướng và là Chánh Thanh tra Bộ Công an.
Ngày tiễn ông ra đi, ông Bá Thanh thay mặt lãnh đạo thành phố mời cơm để tiễn ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Công an thành phố được điều ra Hà Nội làm Chánh Thanh tra Bộ Công an.
Trong bữa cơm đó, ông Trần Văn Thanh “tâm sự” với ông Nguyễn Bá Thanh: “Thực tình tôi không muốn rời thành phố quê hương, nhưng vì anh “đánh” tôi nên tôi phải ra đi!…”.
Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn ông Trần Văn Thanh cười, rồi nói: “Anh nói ngược rồi. Chính anh “đánh” tôi chứ không phải tôi “đánh” anh! Anh húc đầu vào tôi nhưng tôi né được nên đầu anh đã đập vào tường!…”.

Trần Văn Thanh là người nổi tiếng trong phiên tòa ngày 20 tháng 7 năm 2009. Hôm đó, mặc dù tướng Trần Văn Thanh đang bị tai biến, đã có hai bệnh viện của công an xác nhận là “ông Thanh không đủ sức khỏe để dự phiên tòa”, nhưng vị thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến hầu tòa tại nhà hát Trưng Vương Đà nẵng, trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ôxy và phải truyền dịch. Người ta nói đây là phiên tòa Thanh đánh Thanh.
Số là Năm 2001, trong vai trò Giám đốc Công an thành phố, Trần Văn Thanh chỉ đạo Công an thành phố Đà Nẵng điều tra việc Phạm Minh Thông rút ruột Cầu Sông Hàn, một vụ án tham nhũng gây chấn động Đà Nẵng được cho là có liên quan đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng lúc đó là Nguyễn Bá Thanh. Tại tòa Phạm Minh Thông khai đã dùng tiền “tham ô” được để “đi quà biếu một số cá nhân và tập thể”, và đi “chúc tết” một số người nào đó, nhưng đó là những ai thì không bao giờ được làm sáng tỏ.

Năm 2007, tướng Trần Văn Thanh bị Công an TP Đà Nẵng truy tố vì hành vi cùng với trung tá Dương Ngọc Tiến và cựu thiếu tá Đinh Công Sắt “phát tán Công văn số 73 và 77 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng ở nhiều địa điểm ngay trước bầu cử Quốc hội khóa XII; viết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung vào một số vụ án tại TP Đà Nẵng có liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương này, nhưng chưa được giải quyết”.
Thực chất Công văn số 73 và 77 của Viện KSND TP Đà Nẵng có nội dung báo cáo về việc Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông số tiền 4,4 tỷ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.

Ở phiên phúc thẩm, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (Viện Phúc thẩm II) thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kháng nghị Tòa phúc thẩm Đà Nẵng, tuyên ông Trần Văn Thanh không phạm tội và đình chỉ vụ án với bị cáo này. Như vậy, ngay cả cơ quan buộc tội (Viện Kiểm Sát) cũng cho là bị cáo vô tội, nhưng chánh án Trần Mẫn vẫn tuyên án thiếu tướng Trần Văn Thanh có tội, dù không có bằng chứng nhưng vẫn nhất quyết cho rằng ông Trần Văn Thanh là “người cầm đầu, đã chủ động hướng dẫn các bị cáo”. Thay vì tuyên vô tội như kháng nghị của Viện Phúc thẩm II, tòa chỉ giảm án xuống 12 tháng tù treo vì bị cáo có nhân thân tốt.
Ngày 29 tháng 12 năm 2010, Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam đưa tin Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu đình chỉ vụ án đối với ông Trần Văn Thanh và tuyên bố ông vô tội với lý do không đủ căn cứ kết luận ông Thanh phạm tội.
Trước đó, trong phiên xử phúc thầm, Viện Phúc thẩm II thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã từng kháng nghị tuyên ông Trần Văn Thanh không phạm tội và đình chỉ vụ án với bị cáo, tuy nhiên Tòa phúc thẩm Đà Nẵng đã không chấp nhận.
Phải tới phiên tòa phúc thẩm xét xử lại ngày 22-06-2012, TAND Tối cao tại Đà Nẵng mới chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao, tuyên miễn tội, đình chỉ vụ án đối với ông Trần Văn Thanh. Tòa kết luận: ông Trần Văn Thanh bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân” (theo điểm 2, khoản 2 điều 258 BLHS) là đúng. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng, đồng thời theo luật đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại sao tôi lại phải dài dòng về một vụ án không liên quan gì tới Xuân Anh. Thưa các bạn – không đâu ạ. Vụ án này trước khi xử được đột ngột thay thẩm phán tên Diệm bằng thẩm phán Trần Mẫn, luật sư cũng không được biết.
Vậy Trần Mẫn là ai: Ông là em ruột bà Trần Thị Thủy, vợ ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, như vậy Trần Mẫn là cậu ruột của nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Có phải đây là sự dàn xếp để dứt khoát buộc tội tướng Thanh, mà không động chạm gì đến Bá Thanh. Và Nguyễn Bá Thanh đã chịu ơn, trả ơn nhanh chóng, chấp nhận đưa Xuân Anh lên làm Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vào năm 2011, lúc Xuân Anh mới 34 tuổi.

Phan Trí Đỉnh

Lụi tàn Nguyễn Xuân Anh – Sự sụp đổ của một âm mưu.(Kỳ 2)
Lụi tàn Nguyễn Xuân Anh – Sự sụp đổ của một âm mưu.(Kỳ 3)
Lụi tàn Nguyễn Xuân Anh – Sự sụp đổ của một âm mưu.(Kỳ 4)
283020cookie-checkLụi tàn Nguyễn Xuân Anh – Sự sụp đổ của một âm mưu.(Kỳ 1)