Saturday, April 26, 2025

LOAN

Tìm được một cuốn sách có văn để đọc, đôi khi còn khó hơn tìm rượu ngon uống với bạn hiền. Nhưng, rượu chỉ giúp ta giết thời gian; sách hay giúp ta kéo dài cảm xúc, những cảm xúc làm mới khả năng tư duy và làm giàu có tâm hồn.

LOAN là một cuốn sách như thế, nó không chỉ hay mà còn mang đến nhiều hơn những gì tôi tìm kiếm.

Nếu như “Hồi Ức Lính Tây Nam”(của Trung Sy) đã giúp tôi lấy lại niềm tin vào các tác giả Việt thì “LOAN”(của Isabelle Müller) giúp tôi nhận ra, cuộc sống đang sở hữu những câu chuyện dữ dội hơn khả năng hư cấu của nhà văn rất nhiều.

Loan là cái tên mà bà Đậu Thị Cúc muốn người ta gọi mình. Bà quê ở “một làng ven biển gần thị xã Hà Tĩnh” sinh ra vào cuối thập niên 1920s. Từ nhỏ đã không cam chịu chế độ trọng nam khinh nữ. Lớn lên theo chồng sang Pháp cũng không khuất phục sự kỳ thị sắc tộc của ngay chính những người trong gia đình chồng.

Bỏ nhà ra đi năm 12 tuổi, trước khi bị bán làm vợ và để tránh những trận đòn của bố (trước đó) và anh trai. Nhiều lần đối diện với cái chết để rồi có một kết thúc có hậu ở xa quê – như lời tiên tri của một người coi chỉ tay trong làng.

Năm 1970, bà mở “Quán Ăn Việt Nam” ở một vùng quê “không mấy xa Tours”. Hình ảnh, “mỗi buổi tối diện một bộ áo dài thêu khác nhau, được chuẩn bị kỹ lưỡng” xuất hiện trước các thực khách luôn “kiên nhẫn xếp hàng chờ”, cho thấy niềm kiêu hãnh của “Loan”. Niềm kiêu hãnh của một người phụ nữ mong muốn được sống bình thường nhưng bị cuộc đời buộc trở thành phi thường vì những nghiệt ngã chỉ những người bất khuất mới có khả năng đối diện.

Cuốn sách được viết bởi người con gái sinh 1964 của bà, Isabelle Müller. Tác giả nói rằng cô được chọn để nghe và viết lại câu chuyện của mẹ mình. Nhưng tôi không hiểu, bằng cách nào mà một người sinh ra và lớn lên tại Pháp & Đức lại có thể hiểu về văn hoá phương Đông đến thế.

Lịch sử, địa lý và con người Việt Nam trong những biến cố nghiệt ngã nhất của đất nước – từ thập niên 1930s tới hết 1950s – được tái hiện hết sức sống động qua LOAN. Chỉ bằng vài paragraph thôi, sự tàn bạo của người Nhật lộ ra mồn một. Cũng chỉ vài dòng nói tới Việt Minh, ngòi bút sắc sảo của Isabelle đủ giúp hiểu vì sao mẹ cô, người chỉ muốn ở lại với quê hương, đã vội vã vào Nam trong cuộc di cư 1954 đau đớn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular