Làm ăn với Trung Quốc –Lợi bất cập hại? (Bài 1)

0
370
Các thương lái gom hàng tại các hợ đầu mối để chuyển đến các cửa khẩu, xuất theo đường biên mậu sang TQ AFP
RFA

Bài 1: Xuất tiểu ngạch –Phá giá tại “sân nhà”

Mới đây, Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm. Thủy sản giảm 2,6% và rau quả giảm 6%. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%.

Thay đổi chính sách giữa dòng

Nguyên nhân xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) giảm một mặt, theo lý giải của Bộ Công thương là do tình hình kinh tế năm 2019 không khởi sắc vì thương chiến Mỹ-TQ đang leo thang, tuy nhiên mặt khác theo các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là do nhiều mặt hàng Việt Nam chưa có giấy phép, nghĩa là Chính phủ chưa đàm phán với TQ để nhiều sản phẩm của VN được xuất chính ngạch sang thị trường TQ, mặc dù VN và TQ đã cùng tham gia ký kết Hiệp định ACFTA có hiệu lực từ năm 2010 với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm hàng hóa (trong đó có nông sản).

Tuy vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam phần đông cho rằng thời gian gần đây liên tiếp các mặt hàng xuất khẩu của VN đều bị “dội” lại và tồn kho do phía TQ thay đổi chính sách giữa dòng…

Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group cho biết về tình hình hàng VN xuất sang TQ gần đây gặp khó, ông nói lý do trước tiên vì thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng nên phía TQ phải có chính sách tăng tiêu thụ nội địa do đó TQ đưa ra thêm các quy định siết hàng nhập khẩu vào thị trường TQ và vì thế một số mặt hàng VN lâu nay đi đường tiểu ngạch bị ách tắc lại.

Xuất tiểu ngạch đơn giản giấy tờ, trước giờ không áp dụng vì cần lượng hàng cho dân TQ nên dễ dàng, giờ tăng cường tiêu thụ nội địa nên siết hàng nhập khẩu.

Ông đưa ví dụ với trái sầu riêng của Việt Nam. Trước nay sầu riêng VN có mặt ở thị trường TQ rất nhiều nhưng phần đông xuất theo đường tiểu ngạch. Giờ TQ đưa ra hàng rào kỹ thuật nên sầu riêng VN bị “dội”, nhiều tháng nay không xuất sang thị trường TQ được.

Các DN XK lớn vào TQ sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi TQ siết trào cản kỹ thuật. Điều này khiến DN Việt bỡ ngỡ vì trước nay TQ là thị trường khá dễ, giờ phải đáp ứng nhiều đòi hỏi, do đó phải cần thời gian.

Ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện là Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho rằng từ nhiều năm nay TQ và VN dễ dãi chấp nhận cách làm ăn theo kiểu “truyền thống” nên nếu một bên tự ý bỏ kiểu làm ăn cũ, chuyển sang làm ăn mới, chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Ông nói:

TQ cố tình tạo ra hai luồng tiểu ngạch và chính ngạch nhưng vừa qua TQ yêu cầu chính ngạch nên tiểu ngạch gặp khó khăn. TQ & VN quen kiểu tiểu ngạch mấy chục năm qua và dân cũng quen. Một vài năm nay, thực hiện một số thủ tục, hàng rào thủ tục, đâu phải tự nhiên cái gì cũng nằm trong danh sách, nên rất nhiều (sản phẩm) cố tìm đường tiểu ngạch.

“Trung Quốc cố tình tạo ra hai luồng tiểu ngạch và chính ngạch nhưng vừa qua TQ lại yêu cầu chính ngạch nên tiểu ngạch gặp khó khăn…Ông Nguyễn Việt Thắng -Chủ tịch Hội nghề cá VN”

Với những lập luận nêu trên, nhìn lại thực tế, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết trong tháng 8/2019 nhiều loại trái cây ở Tiền Giang bị rớt giá nặng nề như dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Nguyên nhân được Cục chế biến cho biết là do nhu cầu nhập khẩu TQ không ổn định. Gần đây TQ lại kiểm soát chặt chẽ vận chuyển ngay cả đường tiểu ngạch làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.

Cụ thể, dưa hấu VN trước nay nhập khẩu qua TQ tại cửa khẩu đều có lót rơm, nay Hải quan TQ không cho lót rơm mà yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Còn trái mít họ yêu cầu dùng giấy dai kraft để bọc hoặc bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc hoặc vải thiều phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

Nhiều thay đổi “không ổn định” của TQ khiến doanh nghiệp VN không cập nhật thông tin nên chưa đáp ứng được, do đó phần đông rơi vào tình trạng khó khăn, ách tắc…

Dễ phá sản do thương lái

Không chỉ đưa ra nhiều quy định mới, mà trước đây, khi còn là thị trường dễ tính, nhiều DN VN cũng “vướng” nhiều “chiêu” trò của thương lái TQ, khiến không ít DN điêu đứng. Một phó giám đốc công ty thương mại tại TPHCM (không muốn nêu tên) từng kể: ngoài việc thương lái TQ ép giá khi DN VN gom hàng từ nông dân vào kho thì việc họ xuống tận vườn thu gom, trả giá, đặt cọc cho nông dân xong nhưng sau đó cao chạy xa bay cũng thường xảy ra. Ông kết luận, do đó nhiều DN phá sản vì “chơi” với thương lái TQ.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T cũng cho biết thêm, lúc trước đơn vị ông cũng hay chọn phương án xuất tiểu ngạch, nghĩa là “chấp nhận” qua thương lái để sản phẩm được xuất, còn về mặt giá cả là do hai bên thương lượng. Tuy nhiên với cách làm này, yếu tố rủi ro rất cao nên đơn vị ông đã không còn “mặn” với thị trường TQ. Tuy nhiên ông cho biết kinh nghiệm:

Trước xuất đường tiểu ngạch, gửi hàng đến cửa khẩu thương lái TQ sang nhận hàng, nhiều người khi hàng đến cửa khẩu rồi thương lái mới định giá, rủi ro cao. Tùy thuộc hoàn toàn vào thương lái TQ.

TQ không phải thị trường DN ưu tiên, chỉ khoảng 10% suất sang TQ sau khi hàng hóa được xuất các thị trường Mỹ, Úc, Canada và tiêu thụ qua kênh nội địa.

Thương lái gom hàng tại chợ đầu mối chất lên xe tải chở đến các cửa khẩu Photo: RFA

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, chính vì làm ăn với thương lái TQ nên DN VN mới không quan tâm đến các chính sách thay đổi từ phía đối tác, dẫn đến hàng XK bị cấm cửa mà không biết lý do vì sao. Do đó ông đề nghị Bộ NN&PTNT VN cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan trong chiến lược phát triển nông nghiệp sản xuất-xuất khẩu.

Được biết, thời gian qua, ngoài các mặt hàng trái cây, hải sản Việt Nam gặp phải khó khăn với thương lái TQ thì hàng nông sản như củ sắn (khoai mì) cũng đang bấp bênh khi TQ siết nhập khẩu tiểu ngạch.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Tổng thư ký Hiệp hội Sắn phân tích nguyên nhân khiến sắn, một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN trong nhiều năm nay đang vướng khó khăn với thị trường TQ. Ông nói, việc xuất khẩu quá nhiều theo đường tiểu ngạch từ nhiều năm nay khiến rủi ro thị trường lớn hơn. Ông cho rằng chất lượng, tiêu chuẩn thấp trong khi chính sách giá không được kiểm soát cao khiến sản phẩm sắn của VN thường bị thương nhân TQ ép giá, kìm giá. Mặc khác các nhà xuất khẩu trong nước không liên kết, không đồng nhất về giá, thậm chí chấp nhận phá giá để xuất tiểu ngạch. Theo ông điều này là không nên.

“Phát triển tiểu ngạch lâu nay đang rất tốt do đường biên dài, nhiều cửa khẩunhưng vừa rồi do kiểm soát chất lượng vì sắn là một trong những nguyên liệu thực phẩm của TQ nên họ yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Chính vậy, làm cho vấn đề giao thương, XNK biên mậu thay đổi. Trước đây dễ dàng. Thực tiễn giữa biên mậu và chính ngạch có nhiều cái không đồng đều về thuế quan và kiểm soát nên người ta kiểm soát chặt hơn nên việc giao thương hàng hóa khó khăn hơn.

Với những khó khăn trước mắt về hàng rào kỹ thuật từ phía TQ, nông, ngư dân Việt Nam sẽ làm gì để phá vỡ thế bế tắc trước thị trường TQ, trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này.

Bài 2: Xuất khẩu chính ngạch –Mở cánh cửa hẹp…

465520cookie-checkLàm ăn với Trung Quốc –Lợi bất cập hại? (Bài 1)