Sau gần 5 năm bị CS cách ly khỏi xã hội, khi tôi quay trở lại, đã có một bạn trên Facebook hỏi rằng tôi có thấy Việt Nam thay đổi gì không, nhất là về mặt kinh tế. Tôi trả lời chị ấy rằng tôi không thấy sự thay đổi gì khả dĩ theo hướng phát triển.
Năm năm, đối với một quốc gia, đó là một khoảng thời gian có thể hoàn thành được những chính sách và đường lối để phát triển đất nước về nhiều mặt. Chúng ta cũng phải có cái nhìn khách quan, rằng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng phần lớn đến sự phát triển kinh tế mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, nó là đại dịch toàn cầu, quốc gia nào cũng bị ảnh hưởng chứ không riêng gì ở Việt Nam. Vậy nên, ngoài yếu tố khách quan, thì yếu tố chủ quan do sự điều hành của Nhà Nước ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nền kinh tế quốc gia.
Mấy tuần gần đây, sự kiện tập đoàn Vingroup bị Hoa Kỳ trả lô hàng 999 xe điện VinFast VF8 do lỗi phần mềm được cộng đồng mạng đưa tin xôn xao. Theo quan điểm người viết, Vingroup cũng chỉ là một trong những tập đoàn sân sau của CS, một tập đoàn lớn mạnh theo thời gian dài, phát triển mạng lưới rộng lớn len lỏi vào các quốc gia, đang nắm quyền điều hành nhiều ngành nghề trong nước như Vingroup mà không bị CS đụng đến thì đó không thể là một tập đoàn tư nhân đơn thuần nữa rồi. Vậy nên chúng ta không cần phải tập trung quá nhiều vào sự kiện này, nó vốn dĩ là những hợp đồng sân sau của CS dùng để rửa tiền mà thôi. Bởi vì theo cơ chế vận hành nền kinh tế của CS, kinh tế tư nhân đơn thuần sẽ không thể ngóc đầu vì bị bóp nghẹt.
Vấn đề về sự điều hành nền kinh tế và tập đoàn tư nhân là sân sau của CS người viết đã có một bài viết cách đây 5 năm, nay vẫn thấy còn giá trị về nội dung nên post lại cho mọi người tham khảo. Người viết giữ nguyên nội dung của 5 năm trước không bổ sung cập nhập, chỉnh sửa để người xem có thể so sánh cơ chế điều hành và hậu quả nền kinh tế 5 năm trước so với bây giờ có gì khác, phát triển hơn hay giảm sút hơn để mọi người có thể tự so sánh.
Trân trọng.
Huỳnh Thị Tố Nga (Helena Zen)
June 2, 2023
KINH TẾ ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC BÓP NGHẸT SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẤT NƯỚC
Một quốc gia phát triển đồng nghĩa với sự phát triển của giáo dục và kinh tế. Giáo dục phát triển tinh thần và nhân cách của con người, kinh tế là điều kiện để phát triển thể chất, cả hai yếu tố đó góp phần vào sự phát triển nền văn minh và nhân văn của mọi quốc gia.
Kể từ khi nền kinh tế Việt Nam được định hướng phát triển theo con đường “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một đường lối mơ hồ ngay cả các chuyên gia kinh tế của Việt Nam vẫn chưa hình dung được rõ ràng cơ chế vận hành của nó. Nguyên cố thủ tướng CS Phan Văn Khải sau khi từ chức đã nhìn nhận ông “không thể giải thích nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào”. Bởi vì thực chất tên gọi chỉ là vỏ bọc, cái gì gọi là “định hướng XHCN”?
Những lý luận đầu tiên về kinh tế thị trường của xã hội chủ nghĩa (the Socialist Calculation Debate) đã được nhà kinh tế Enrico Barone người Ý nêu ra vào năm 1908 trong tác phẩm “II Ministro della produzione nello stato collettivista”. Barone đã đưa ra một mô hình toán về một nền kinh tế tập thể, theo đó các quan hệ tiền tệ về hàng hoá trong nền kinh tế đều có thể tính toán được và từ đó có thể điều chỉnh để sao cho phúc lợi tập thể đạt mức tối ưu. Từ đó, một số lý thuyết gia kinh tế học đã tham gia vào cuộc tranh luận này. Năm 1929, Fred Manville Taylor người Mỹ trong công trình “The Guidance of production in a socialist State” tạp chí American Economic Review đã nêu ra những điều kiện để một nước xã hội chủ nghĩa (Socialist state) có thể, về mặt lý thuyết, đạt được hiệu quả trong phân phối tài nguyên (efficient allocation of resources) giống như một nền kinh tế thị trường.
Trên cơ sở mô hình Barone, nhà kinh tế Ba Lan, Oskar Ryszard Lange, năm 1938, đã công bố cuốn sách của mình mang tên lý thuyết kinh tế về chủ nghĩa xã hội, On the Economic Theory of Socialism, trong đó ông kết hợp kinh tế học Marxist (Marxian labor theory of value) với kinh tế học tân cổ điển (Neoclassical theory of price). Lange lập luận cho rằng một nền kinh tế quản trị hoàn toàn bởi chính quyền (state-run economy) có thể ít nhất, nếu không muốn nói là tốt hơn, một nền kinh tế thị trường. Ông Lange cho rằng Nhà Nước vẫn sử dụng “giá cả” (price) giống như kinh tế thị trường và chỉ định cho các cán bộ lãnh đạo quản lý xí nghiệp làm kế hoạch tính toán, đặt ra các mức giá và chờ đợi phản ứng của thị trường để điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy nền kinh tế với sự nhúng tay của chính phủ sẽ có hiệu quả cao hơn thay vì để cho thị trường quyết định hoàn toàn.
Giữa năm 1936 và 1937, một chuyên gia kinh tế thị trường, ông Friedrich August Hayek, đã nhảy vào vòng chiến và vạch ra những chỗ sai lầm trong lý thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa của Oskar Lange. Sau khi ông Hayek đưa ra những điểm sai lầm trong lý thuyết kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (market socialism), ông Oskar Lange sau đó đã điều chỉnh lại mô hình kinh tế với Nhà Nước chỉ hoạch định giá cả cho “một số” kỹ nghệ hoặc xí nghiệp (không phải “tất cả” vật giá trên thị trường giống như trước đây). Để rồi, cái lý thuyết được cải biến bởi ông Lange có thể trở thành cái lý thuyết mà chúng ta hiện nay phải chịu đựng tại Việt Nam: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài viết này không phải một luận án kinh tế, cho nên chúng ta không tranh cãi lý thuyết kinh tế.
Chúng ta có thể giả dụ là lý thuyết “kinh tế thị trường định hướng XHCN” rất ưu việt đi, nhưng mà “đời không như là mơ”, chúng ta sẽ phán xét bằng cách nhìn vào “kết quả” hoặc “hậu quả” của cái chính sách kinh tế thị trường XHCN đó.
Trong lý thuyết lý kinh tế XHCN của Oskar Lange, Nhà Nước phải chỉ định cho các cán bộ lãnh đạo quản lý xí nghiệp làm kế hoạch tính toán, đặt ra các mức giá và chờ đợi phản ứng của thị trường để điều chỉnh cho phù hợp, và đó là nơi mà sự vơ vét, bóc lột bắt đầu.
Bởi vì tính tham và chiếm hữu luôn tồn tại trong mỗi con người, chỉ là nhiều hay ít. Nó chỉ được kìm hãm khi nó được giám sát lẫn nhau. Dưới chế độ mà tính tham và chiếm hữu được dung túng, với sự tham tàn hơn hẳn các thể chế chính trị khác, thì cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp sẽ như hổ mọc thêm cánh. Cứ đem cái mác “kinh tế thị trường” ra khoe với quốc tế nhưng bản chất nó là một “cái áo hoa hoè mặc lên một cơ chế độc quyền và bóc lột”.
Thời gian thực tế đã chứng minh, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã bị sụp đổ trên đất nước Ba Lan, là quê hương của ông Oskar Lange. Nó còn dẫn đến sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
Ở Việt Nam, qua gần hai thập niên vận dụng, nền kinh tế nước Việt ngày càng khủng hoảng bởi vì cơ chế độc quyền của nó, một nguồn gốc dẫn đến lũng đoạn kinh tế.
Chính phủ nên là một đại diện quản lý tiền thuế, ban hành luật, hành pháp và tư pháp để quản lý thị trường hơn là nhảy vào kinh doanh độc quyền, làm vậy khác nào một vở kịch từ đầu đến cuối anh tự biên rồi tự diễn mà sân khấu làm từ thuế của dân, trong tay anh, tiền thuế một mặt bị tham nhũng, một mặt kinh doanh thua lỗ triền miên vì anh không phải là chuyên gia kinh tế, không phải là nhà kinh doanh thực thụ.
Ở các nước phát triển, chính phủ hầu như chỉ đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề có liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc các lĩnh vực công ích có tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc phi lợi nhuận mà nhà đầu tư tư nhân không làm, nhưng những ngành nghề đó đem lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Đó là kinh tế vì con người. Chính phủ chỉ can thiệp (government intervention) để sản xuất những hàng hóa và dịch vụ công (public goods) bởi vì kinh tế thị trường có sự khiếm khuyết của nó.
Ngược lại, ở Việt Nam hiện nay, nhà nước độc quyền kinh doanh hai mươi loại hàng hoá, trong đó có những loại hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày như xăng dầu, điện nước… Mỗi năm, theo thống kê, những công ty độc quyền của nhà nước làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng. Sai phạm vẫn sai phạm, độc quyền vẫn độc quyền, thua lỗ thì tăng giá cả, tăng thuế để bù lỗ.
Người viết không nói lý thuyết ở đây, và chỉ phán xét hậu quả của chính sách kinh tế định hướng dở hơi này.
Nợ công Việt Nam cuối năm 2017 tăng lên mức hơn 3.1 triệu tỷ đồng, bằng 62.6 %GDP cả nước 2017. Trong đó thất thoát thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 60%, một con số phải nói là khủng khiếp cho thấy một thể chế điều hành tệ hại. Dự kiến cuối năm nay, dư nợ công ở mức 63.9 % GDP.
Mặc dù mức nợ công của Việt Nam vẫn còn chưa vượt quá Tổng sản lượng (GDP) của quốc gia; nhưng đó là hậu quả của những món “nợ xấu” với khuynh hướng gia tăng đáng được quan tâm theo thời gian.
Đằng sau bức màn kinh tế – chính trị là những doanh nghiệp ma dùng để làm sân sau cho đại gia và quan chức rửa tiền tham nhũng.
Nguyên nhân đã được thấy rõ ràng nhưng cách giải quyết thì không. Có quá nhiều kẻ tham quyền cố vị không muốn khắc phục, không trao quyền lợi cho tư nhân cạnh tranh, lại còn dùng quyền lực ép chết doanh nghiệp tư nhân sống dở chết dở, cái kiểu “nuôi cho mập chờ ngày làm thịt”
Như một vòng lẩn quẩn, độc quyền chính trị đã dẫn đến sự tham lam chiếm hữu và độc quyền kinh tế với sự điều hành theo kiểu “nghiệp dư” dẫn đến sai phạm hàng loạt, tiền thuế của dân giống như củi khô đưa vào đám cháy, bao nhiêu cũng sạch sẽ.
Tiền thuế không được lưu thông đúng nghĩa trong thị trường do sự lạm quyền, chưa kể những cán bộ dùng tiền tham nhũng để mua nhà, tài sản, gửi tiền ở các nước phát triển trực tiếp làm thất thoát không ít tài sản quốc gia và làm giàu cho tư bản.
Giáo dục và cơ chế điều hành kém cỏi làm những người có năng lực lần lượt đi đến các nước phát triển để cống hiến, hiện tượng “chảy máu chất xám” làm cho Việt Nam đã nghèo càng nghèo thêm, các nước phát triển lại được nhận lợi ích.
Một bức màn chính trị – kinh tế đang giăng rũ. Thật sự cảm thương xã hội Việt Nam đang phân hoá quyền lợi và giai cấp kịch liệt. Một nhóm lợi ích với sự giảo quyệt của những con cáo với sự ngây thơ chịu đựng của bầy cừu tạo nên một bức tranh đen tối.
May 14, 2018
https://www.facebook.com/photo?fbid=154406184283826&set=a.114001844990927