ROYAL LAW
Góp phần làm rõ và nổi bật về nguyên tắc “suy đoán vô tội” đó là vấn đề “không ai được coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực”.
Điều này có nghĩa rằng, bất cứ tội phạm nào cũng phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định.
Quá trình chứng minh tội phạm được thực hiện từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm và thông qua các thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành các hoạt động điều tra, kết thúc điều tra đề nghị truy tố, truy tố bằng bản cáo trạng và tiến hành xét xử, điều tra công khai tại phiên tòa. Nếu có căn cứ để kết tội thì Tòa án sẽ ra bản án kết tội. Trong trường hợp, bản án kết tội không bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án đó có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp bản án kết tội có kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật và vụ án bắt buộc phải được xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử tuyên án.Một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cần lưu ý thuật ngữ “bị coi là có tội” khác với thuật ngữ “người phạm tội”. Trong pháp luật hình sự, thuật ngữ “người phạm tội” dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được Luật hình sự quy định là tội phạm, hành vi của người đó đã cấu thành tội phạm. Thuật ngữ “người phạm tội” chỉ một thực tế khách quan là một người đã thực hiện tội phạm chứ không phải tùy thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan áp dụng pháp luật. Các cơ quan áp dụng pháp luật có thể nhận định đúng thực tế khách quan, tức là nhận thức đúng người phạm tội, tiến hành khởi tố, truy tố và kết án người phạm tội, nhưng cũng có thể nhận định không đúng thực tế khách quan đó, dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội, tuyên bố một người phạm tội là người vô tội…Hiện nay, các cơ quan báo đài cũng cần xem xét cách dùng từ của mình về những đối tượng bị tình nghi là có tội, để tránh “dắt mũi” dư luận, làm ảnh hưởng cơ quan điều tra và gây những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho gia đình người bị hại.
Với cách hiểu thuật ngữ “người phạm tội” như vậy chúng ta mới có thể lý giải tinh thần các quy phạm khác có liên quan. Ví dụ, việc miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25 BLHS) chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội khi có những điều kiện nhất định. Khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với một người cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền đã phải chứng minh được người được miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội. Người phạm tội có thể không bị kết án bằng bản án kết tội của Tòa án nếu thời điểm phát hiện ra tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc họ được miễn trách nhiệm hình sự. Trong những trường hợp đó, người phạm tội không bị coi là có tội. Trong trường hợp, người phạm tội bị Tòa án kết tội bằng một bản án và bản án đó có hiệu lực pháp luật thì người phạm tội là người “bị coi là có tội”. Thuật ngữ “người phạm tội” và “người bị coi là có tội” là hai thuật ngữ khác nhau. Người phạm tội là người thực hiện một hành vi được Luật hình sự quy định là tội phạm, còn người bị coi là có tội là người bị Tòa án kết tội bằng một bản án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, người phạm tội có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, không bị coi là có tội, còn người bị coi là có tội tức là người phạm tội đã phải chịu một hậu quả pháp lý trước Nhà nước về việc thực hiện hành vi phạm tội của mình chịu sự lên án của Nhà nước mà Tòa án là người đại diện, thông qua việc áp dụng Luật hình sự, kết tội người phạm tội.
Trích lược: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1849