Cách dùng từ “shelter” của Mỹ có vẻ hơi nặng vì nó biểu thị tình trạng nguy cấp đe dọa sự sống còn của tính mạng, đòi hỏi con người phải có những kỹ năng sinh tồn, gợi lên hình ảnh “hầm trú ẩn” thời chiến tranh. “Shelter in place”, thực tế không đến mức như thế, đơn giản có nghĩa “Ở đâu yên đó”, hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc gần, tránh tụ tập đông người… Tuy nhiên, “sống trong hầm” ở kỷ nguyên mà sự bùng nổ liên thông dẫn đến thói quen “muốn đi đâu thì đi” đã buộc người ta phải điều chỉnh và thay đổi cách sống. “Sống trong hầm” giờ phải hiểu là tạm gác nhậu nhẹt, tạm ngưng đi đánh bài, hoãn việc đi lễ, thậm chí né cả đám cưới hoặc tổ chức lễ cưới. Với nhiều người “không đi đâu chịu không nổi”, “sống trong hầm” khiến họ bức bối, tù túng, dễ trầm cảm. Bỗng dưng buộc tự nhốt mình là điều hiển nhiên không dễ chịu.
Dù vậy, “sống trong hầm” không phải là sự tuyệt vọng tận cùng. Đây là cơ hội để tái “thiết kế” lại thời gian sinh hoạt cá nhân lẫn thời gian cho gia đình. Nếu từng than phiền rằng “chẳng có chút thời gian rảnh nào cho con cái cả” thì đây là lúc thích hợp để chơi đùa hoặc trò chuyện với con. Cái sân vườn cỏ dại mọc đầy trông ngứa mắt lâu nay giờ là lúc thích hợp để dọn dẹp nó. Cái đống sách “thích thì mua nhưng đâu rảnh mà đọc” giờ là dịp lật xem bên trong viết gì. “Sống trong hầm” cũng là lúc tiện lên mạng tải sách hoặc theo các khóa học online miễn phí. Có rất nhiều thứ hay ho lâu nay chỉ nghe nói đến nhưng luôn tặc lưỡi, thôi để lúc nào rảnh thì coi cho biết, chẳng hạn viện bảo tàng online, thì giờ ngồi trong “hầm” không coi thì còn chờ gì. “Sống trong hầm” nói chung không phải “buồn muốn chết”. Nói đến coi online, có vô số điều tuyệt vời trên mạng cần “coi cho biết”. Những bộ phim tài liệu của Netflix có thể nói là trên cả tuyệt vời.
Ngồi trong “hầm” vẫn điện thoại tán gẫu được bạn bè, vẫn hỏi thăm được ông thầy cũ, vẫn nhắc được người bạn xa giữ gìn sức khỏe, vẫn có thể lên mạng theo dõi tin tức bên ngoài. Có rất nhiều thứ cần làm và nhiều điều bổ khuyết cho kiến thức chẳng bao giờ đầy khi thời gian bỗng dưng “dài” ra. Đó không phải là cách “đốt thời gian” mà là tận dụng thời gian để tạo ra năng lượng sống.
“Sống trong hầm” không có nghĩa cuộc đời trở nên cô đơn hơn. Chẳng có bức tường nào ngăn cách các “hầm trú ẩn” chống “đạn virus” với nhau. Biện pháp tạm thời cách nhau vài mét hoặc tạm chui vào “hầm trú” không có nghĩa con người phải tránh né nhau hoặc thậm chí căm thù nhau. Đây là cơ hội để con người hiểu nhau hơn, rằng chẳng cuộc tranh cãi, giận dữ hoặc chửi bới nào có thể làm cho người ta sống thọ hơn trước một trận dịch – một trận đại dịch kinh hoàng đến mức nó cho thấy sinh mạng con người dù ở thời y học tiến bộ vượt bậc vẫn mong manh như thế nào.
“Sống trong hầm” do vậy không phải là để cố thủ và bảo vệ mình mà còn là lúc để liên kết các hầm trú ẩn lại sao cho có thể xây dựng được một hình thái xã hội tốt hơn, để cùng sống tốt hơn với nhau. Khi tất cả những gì tồi tệ nhất trôi qua và mọi người từ trong “hầm” có thể bước ra không gian bên ngoài thì những cái bắt tay bây giờ sẽ là biểu thị một sự hiểu biết và nhận thức được những ý niệm mới mẻ khác, về con người và sự mong manh của con người.