Khi chúng ta là ‘đỉnh cao của quốc tế’

0
393
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ.

Trân Văn

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, vừa tự biến chính mình thành bia cho dân chúng Việt Nam liệng ra đủ thứ từ ngữ, nhận định vốn chẳng hay ho chút nào cho cả uy tín của ông lẫn thể diện của chính phủ, khi đề nghị Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học theo hướng loại bỏ việc “thu học phí”, cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang “thu giá dịch vụ đào tạo”.

Có một điểm đáng ngạc nhiên là tuần trước, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, đồng liêu của ông Nhạ, vừa “ôm đầu máu” tháo chạy, vứt lại quyết tâm thay đổi những “Trạm Thu phí” cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành “Trạm Thu giá”, giữa con đường đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Lúc các “Trạm Thu giá” đồng loạt chào đời, thiên hạ đã từng mỉa mai, nếu “thu phí” trở thành “thu giá”, hẳn sẽ có ngày viện phí trở thành “viện giá”, học phí trở thành “học giá”, lệ phí trở thành “lệ giá”, cước phí trở thành “cước giá”, án phí trở thành “án giá”, thậm chí đảng phí có thể sẽ được đổi thành… “đảng giá”! Chẳng ai dè trong bối cảnh như vậy, giữa lúc dân chúng thuộc đủ mọi giới đang sôi sùng sục như thế, ông Nhạ vẫn “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng… có”!

Ngoài yếu tố có nhiều chuyện khó… ngờ, cuộc đời rõ ràng là còn có nhiều người mà nhận thức, ứng xử, ý kiến cũng thuộc loại… khó ngờ!

Đối diện với viễn cảnh “thu học phí” có thể được chuyển đổi thành “thu giá dịch vụ đào tạo” – theo… “qui định của pháp luật”, Cù Mai Công nhận định: Lúc này, chính phủ… “zui” thiệt. Vừa yên chút xíu là có vị… chọt cho… dân chửi! Hết Kim “Tiêm” (lối ví von có tính miệt thị bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế) đến Thể “BOT” (ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải), Tuấn “Đại cục” (ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), tới Nhạ “Giá”!

Phạm Uyên Nguyên, bạn của Công, cho rằng: Chính trường đang bị biến thành… hí trường! Diệu An, một người bạn khác, tin đó là kiểu tấu hài để Quốc hội và nhân dân đỡ buồn ngủ! Quân Võ Minh Quân nghi ngờ, chính phủ hiện giờ không phải “chính phủ kiến tạo” mà là “chính phủ… chọc ngoáy”. Lam Hồng Nguyễn trấn an, tuy chưa có chính phủ kiến tạo nhưng rõ ràng nội các hiện nay là… chính phủ vui vẻ, đáng… phấn khởi! Hoài Lê thắc mắc: Trời nắng, nóng lắm hay sao mà phát bệnh nhiều vậy?..

Tuy rất khó có thể thống kê xem trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội như facebook có bao nhiêu người nguyền rủa, mỉa mai những quyết định như đổi tên những “Trạm Thu phí” cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành “Trạm Thu giá”, những ý tưởng như loại bỏ việc “thu học phí”, cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang “thu giá dịch vụ đào tạo”, những biện giải kiểu như một nhóm du khách Trung Quốc đồng loạt mặc áo thun quảng bá lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả biển Đông của Việt Nam, khi làm thủ tục nhập cảnh Viện Nam là “sự cố nhỏ” và khuyến cáo đừng để “sự cố nhỏ anh hưởng đến… đại cục”,… song có thể khẳng định, con số ấy không dưới hàng triệu và gần như không có ai biểu đạt sự đồng tình với các viên chức hiện là thành viên chính phủ.

Những từ như “ngu”, “điên”, “ngáo đá” (nhận thức đi vắng do dùng ma túy tổng hợp quá liều), khốn nạn,… càng ngày càng phổ biến trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội khi công chúng tham gia bàn luận về những sự kiện có liên quan đến viên chức trong hệ thống công quyền tại Việt Nam. Không ít người trong số này đề nghị xem lại việc canh giữ các bệnh viện tâm thần vì dường như chưa chặt chẽ, thành ra để “sổng”
nhiều… bệnh nhân, khiến… toàn dân khó chịu. Tuy nhiên cũng có những facebooker như Phạm Hoài Nhân, thay mặt… “Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2” (vốn vẫn được dân chúng gọi là Nhà thương Điên Biên Hòa), thông báo, bệnh viện này sẽ không nhận các bệnh nhân từng là Bộ trưởng hoặc Đại biểu Quốc hội vì “vượt quá khả năng điều trị”.

***

Có một điểm rất đáng lưu ý là dẫu số lượng lời nguyền rủa, miệt thị, mỉa mai tăng rất nhanh, mức độ bất bình, thất vọng về hệ thống công quyền của công chúng càng ngày càng cao nhưng các viên chức ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành vẫn tỏ ra rất vô tư cả trong hành động lẫn phát ngôn. Sự vô tư ấy đã vượt qua mức bình thường và nó khiến người ta nghi ngại đó là sự vô tư có… chủ đích. Đâu phải tự nhiên mà danh sách những viên chức trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, ứng xử, phát ngôn,…vô tư đến mức đáng ngại càng ngày càng dài.

Trường hợp ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, có thể xem là … nặng nhất.

Sau những tuyên bố khiến dư luận trở thành bão, kiểu như: Đừng thắc mắc về công xa, các quốc gia khác còn sắm phi cơ riêng cho lãnh đạo! Nợ nần của Việt Nam không chỉ khoảng 120 tỉ Mỹ kim như Ngân hàng Thế giới công bố mà còn cao hơn nhưng chẳng có gì để phải hốt hoảng! Các dự án BOT không ảnh hưởng đến người nghèo! BOT có sai sót nhưng không tù mù! Giá xăng ngày càng tiệm cận với giá thế giới, đó là thành công về mặt điều hành!.. ông Kiên vẫn tiếp tục “lập ngôn” cho thiên hạ rủa. Tuần trước, ông Kiên bảo: “Thu giá” là… luật định, phải chờ khoảng năm năm nữa, sau khi Quốc hội xem xét, sửa luật mới tính đến chuyện bỏ hay không! Tuần này, ông Kiên chọc ngoáy đám đông thêm một lần nữa: Tại sao nhiều quốc gia có China Town, bang California của Mỹ có Little Saigon toàn người Việt,… nhưng không nơi nào lo ngại về an ninh, quốc phòng mà dân Việt Nam lại lo Trung Quốc kiểm soát các đặc khu mà hệ thống công quyền muốn thành lập?

Giống như nhiều lần trước đó, hàng ngàn facebooker đã tự nguyện xúm vào làm công việc mà họ gọi là “thông… não” cho ông Kiên. Theo đó, các khu China Town ở nhiều nơi trên thế giới, Little Saigon ở California – Mỹ không khiến ai lo vì chúng chỉ là những khu dân cư mà toàn bộ hoạt động phải tuân theo luật pháp của quốc gia sở tại, toàn bộ sinh hoạt được đặt dưới sự giam sát của chính quyền sở tại, khác hẳn với bản chất của các đặc khu… Thế nhưng chẳng có gì bảo đảm, thêm lần này nữa ông Kiên sẽ im lặng, ngưng huyên thuyên, bởi dường như ông Kiên có nhu cầu được xỉ vả.

***

Cũng nên nhắc lại hàng loạt tuyên bố cùng kiểu: Đất nước có bao giờ được như thế này chăng (?) của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN. Hoặc mới đây, bất kể hàng loạt diễn biến đáng ngại cho chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn khẳng định: Kinh tế quốc phòng trên biển, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng tốt hơn. Dù thế giới và khu vực phức tạp nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định…Rồi bất kể những câu hỏi về thống kê, thu – chi vang vọng từ năm này sang năm khác và chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, vẫn hùng hồn: Ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch… Không hiểu các phát ngôn này là biểu hiện của loại tâm bệnh nào.

Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

307890cookie-checkKhi chúng ta là ‘đỉnh cao của quốc tế’