Khẩu nghiệp và … tội nghiệp

0
429
Người da đen lập hàng rào bảo vệ cảnh sát da trắng trước sự giận dữ của người biểu tình.

Nhã Duy

13-6-2020

Thỉnh thoảng giúp đỡ cảnh sát trong vài vụ điều tra liên quan đến người Việt, có lần một thám tử bảo tôi rằng: “Làm việc với cộng đồng gốc Việt của bạn là khó khăn nhất. Họ sợ hãi, né tránh hợp tác hay cung cấp lời khai. Họ không dám ra làm nhân chứng, ngay cả khi chính họ hay người thân là nạn nhân...”.

Lời nhận xét của người thám tử thâm niên, từng điều tra các vụ án liên quan đến người Việt quả thật chính xác. Tôi không ngạc nhiên vì thật ra đó là sự thật dễ nhận thấy cho một người thám tử có kinh nghiệm với cộng đồng Việt. Nhưng tôi có phần lúng túng để giải thích, tìm cách châm chước cho cộng đồng mình. Tôi chỉ qua loa rằng, đó là một tâm lý và văn hóa cần sự yên ổn của những người đến từ một đất nước mà họ rất e dè khi tiếp xúc nhân viên công lực và pháp luật, cũng như sợ gặp nguy hiểm khi tố cáo người khác.

Thú thật tôi không dám vạch áo cho người khác xem lưng nếu phải giải thích chi tiết những lý do và tâm lý số đông của người Việt. Rằng quả thật là họ có sợ hãi. Rằng họ ngại liên can. Rằng họ trở ngại ngôn ngữ. Rằng “đèn nhà ai nấy tỏ”, họ không muốn chuốc phiền phức hay tốn thời gian cho những chuyện không phải của mình. Rằng lắm khi nó biến thành “hèn”, không dám lên tiếng cho chính mình huống hồ binh vực người khác. Rằng…

Câu chuyện làm tôi nhớ đến vụ một thiếu nữ gốc Việt còn khá trẻ, bị đánh chết hồi năm 2014 tại một club ở thành phố Santa Anna, quận Cam, ngay “thủ phủ” của cộng đồng người Việt hải ngoại. Cô gái vô tình va chạm rồi dẫn đến việc xô xát với hai phụ nữ da trắng khác, bị họ đánh chết trong khi có đông bạn bè mình chung quanh. Ra tòa, thiếu nhân chứng vì không ai dám ra đối chất, các hung thủ chỉ nhận án tù phân nửa mức án lẽ ra phải chịu. Chuyện xảy ra ngay trên “đất” của người gốc Việt, nơi mà một lời nói “sái ý” cộng đồng, cũng có thể bị họ kéo bầy “đánh chết”, bằng võ miệng.

Có những người hiền lành, thua kém nên sợ hãi. Có kẻ mang hội chứng đổ lỗi, kết tội nạn nhân, “không có lửa sao có khói” để binh vực thái độ thờ ơ của mình trước bất công. Nhưng hơn thế nữa, điều đáng xấu hổ nhất là thái độ hèn nhát dù mang một bản tính hung dữ. Hèn với kẻ mạnh, sợ hãi với rủi ro, nguy hiểm nhưng lại cao ngạo, hiếp đáp người yếu thế, thua thiệt.

Bạn cứ lấy câu chuyện đám đông tấn công một nhà tranh đấu tại hải ngoại khi bài viết của cô có vẻ như đụng chạm đến lãnh tụ của họ vài tháng trước thì rõ. Đủ mọi ngôn từ hung tợn cho đến thỉnh nguyện thư, nhưng lại câm bặt trước một người đã có thể là một vụ Trần Trường thứ hai, chỉ vì anh ta là luật sư. Nếu gọi đây là hèn thì có quá lời?

Sự hung dữ trong tâm tưởng và lời nói của những người gốc Việt ủng hộ Donald Trump ngày càng dữ dội. Cứ vào xem những lời bình trong những bài viết tung tin giả mạo hay thuyết âm mưu vô căn cứ được đưa ra hoặc giả khi họ vào tấn công ai đó, dưới những bài báo trái ý họ, thì sẽ thấy ngôn ngữ Việt bị đưa xuống tận cùng của sự nhơ bẩn thế nào. Nhưng với kinh nghiệm giao tiếp và hoạt động cộng đồng của tôi, thì những con người hung dữ đó cũng có thể rạp mình đến phát hèn với người khác hay trong những tình cảnh khác.

***

Trở lại câu chuyện bênh – chống Trump, hay kỳ thị sắc tộc. Tâm nghiệp sinh khẩu nghiệp, tâm ý xấu làm sao nói lời tử tế. Cứ vậy mà họ viết, mà phát tán chẳng ngần ngại những thứ cổ súy bạo lực, kỳ thị, hận thù. Dễ dàng buông lời miệt thị với đồng loại, đồng bào. Nhưng có kiêng, có lành. Có gieo thì có gặt. Vụ một tiệm nails của người Việt tại Wisconsin đôi ngày qua là một ví dụ và là bài học đắt giá, nhưng cần thiết để người khác lấy đó mà soi.

Chủ nhân tiệm nails này đăng ngay trên Facebook của mình mẩu viết tiếng Việt cùng các hình ảnh đám tang của George Floyd để mỉa mai, nhạo báng một cách kỳ thị, hồ đồ về cái chết của Floyd và những dân biểu đảng Dân Chủ. Thật ra cô chỉ đăng lại từ người khác, vì nó hợp với suy nghĩ của cô nhưng không đủ khả năng tự viết ra, điều mà vô số người Việt khác đang làm. Bên dưới là những lời bình tiếng Việt với những lời lẽ miệt thị, xem thường cộng đồng Mỹ gốc Phi cùng phong trào “Black Lives Matter” của họ.

Không may, một khách hàng của cô, một người Mỹ gốc Phi, đã dùng tính năng dịch thuật qua google để đọc được những điều này. Là một người Việt tử tế, hầu hết mọi người sẽ xấu hổ và giận dữ khi đọc mẩu viết đầy xúc phạm như vậy huống hồ người phụ nữ da màu này là một người hoạt động và từng học về xã hội học, tội phạm học.

Stt kỳ thị của cô Kayla Nhi Duong đã được khách hàng của cô là Deidre Monique dịch sang tiếng Anh và share lại. Ảnh chụp màn hình

Người phụ nữ thất vọng, phẫn nộ. Sự phẫn nộ chính đáng. Cô chụp hình và đăng lại trên facebook của mình, kêu gọi tẩy chay tiệm nails. Có hàng ngàn người vào share lại trang facebook của cô, gởi cho cả báo chí và cơ quan truyền thông bản xứ. Tôi tin câu chuyện sẽ còn đi xa hơn nếu truyền thông bản xứ nhập cuộc.

Cô gốc Phi này còn chụp lại cả những mẩu nhắn tin xin lỗi của cả hai vợ chồng chủ tiệm. Đọc mà ốt dột. Ngạo nghễ, mỉa mai người khác thế nào thì bây giờ vợ chồng cô quỵ gối, năn nỉ tạ lỗi đến đáng thương. Nếu không bảo đến phát hèn.

Tiệm cô ta sẽ bị tẩy chay, phản đối như thế nào hay sự an nguy của cô và gia đình ra sao tôi không biết, nhưng những lời bình của những người bản xứ, cộng đồng Mỹ gốc Phi cho thấy sự ác cảm nhắm sang cả các tiệm nails người Việt. Nói không quá rằng, sự ác cảm có thể lan sang cả cộng đồng gốc Việt hay Á châu, vốn đã bị kỳ thị nặng nề kể từ cơn dịch bệnh vừa qua, cộng thêm hình ảnh viên cảnh sát gốc Á châu đồng lõa trong vụ George Floyd.

542700cookie-checkKhẩu nghiệp và … tội nghiệp