_________________________
Chiều 19-11-2016, Ngô Văn Sơn điều khiển xe Innova chở 10 người di chuyển trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, trong hơi thở có nồng độ cồn, do đi quá nút giao Yên Bình (xã Phổ Yên), Sơn lùi xe nhằm quay lại để đi ra nút giao, thì cùng lúc đó, anh Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo theo rơmoóc chở thép đi tới va chạm vào phía sau xe Innova khiến 05 người trên xe Innova tử vong.
Anh Hoàng khai khi ở khoảng cách 70 mét thì thấy xe của Sơn nháy đèn đỏ rồi tắt, lúc này, bị cáo chuyển chân ga sang chân phanh để rà phanh, giảm tốc độ, khi xe bị cáo cách xe phía trước khảng 50-60 mét (khoảng cách này chỉ là tương đối, vì không ai có thể xác định được chính xác khoảng cách trong hoàn cảnh như thế, tôi chưa tính đến trường hợp có người không có khả năng phỏng đoán được khoảng cách) thì phát hiện xe Innova đang đi lùi, xe của anh Hoàng chở hơn 26 tấn hàng, anh Hoàng định vượt qua xe Innova, nhưng cùng chiều đang có 01 xe đi tới nên anh không thể vượt, khi đó anh đạp chết phanh xe, chiếc xe đã lết một đoạn đường dài 38 mét và mất một khoảng thời gian mới đâm vào xe Innova gây tai nạn. Bị cáo Ngô Văn Sơn thì khai mình lùi xe hơi chếch, nhưng chưa ra giữa làn đường thứ hai. Vị trí 02 xe va chạm cách mép đường 2,6m.
Cơ quan tố tụng của thị xã Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên cho rằng trong vụ án này, Sơn là người có lỗi chính, Hoàng là người có lỗi ít nghiêm trọng hơn. Hoàng điều khiển xe không tuân thủ quy định về tốc độ, có biển báo “Đi chậm” và giao với đường không ưu tiên, nhưng vẫn lưu thông với tốc độ 62km/h, vận tốc cho phép là từ 60-100km/h theo biển báo trên giá long môn là trong điều kiện giao thông bình thường, tuy nhiên trường hợp này là không bình thường vì xe Innova của Sơn đã nháy đèn, anh Hoàng không giảm tốc độ nên mới đụng vào phía sau xe Innova, anh Hoàng cũng có lỗi, nên phải chịu trách nhiệm hình sự chung với bị cáo Sơn.
Thế nào là không bình thường, xe anh Hoàng đi thẳng và đã đi qua khu vực ngã rẽ Yên Bình thì biển báo còn hiệu lực hay không?
Diễn biến của vụ việc cho ta thấy điều gì?
Rõ ràng Ngô Văn Sơn có hành vi đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Việc dừng, đỗ trên cao tốc phải nhất nhất tuân theo đúng quy định (chỉ trừ trường hợp bất khả kháng), mọi trường hợp dừng, đỗ xe trái quy định dẫn đến tai nạn giao thông thì phải xác định lỗi chính là của người đó; đối với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc là hành vi nghiêm cấm tuyệt đối, nếu gây tại nạn với xe khác thì mọi thiệt hại do ngược đi ngược chiều gánh chịu; đằng này Ngô Văn Sơn lại có hành vi nguy hiểm hơn việc đi ngược chiều là chạy lùi, đi ngược chiều thì chúng ta còn có khả năng phát hiện từ xa, còn chạy lùi thì khi phát hiện được tất cả đều muộn màn, không thể xử lý được an toàn.
Như anh Hoàng khai, khi phát hiện được xe Innova đi ngược chiều thì khoảng cách lúc đó từ 50-60m, anh Hoàng chạy với vận tốc 62km/h, nếu xe Innova đứng một chỗ thì thời gian đi hết quãng đường trên chưa đầy 03 giây, còn trong vụ tai nạn trên, xe Innova đang chạy lùi hướng về phía xe anh Hoàng, như vậy thời gian để 02 xe va chạm nhau (theo tôi) cỡ 02 giây.
Như vậy, anh Hoàng đột ngột bị rơi vào tình huống nguy hiểm buộc anh phải xử lý an toàn trong vòng 02 giây. Nếu với chiếc xe mô tô 02 bánh thì con người có khả năng xử lý được, còn anh Hoàng đang điều khiển xe đầu kéo theo rơmoóc chở 26 tấn thép (quý vị hãy nhớ xe container rất nặng và dài nhé), theo các vị, trong hoàn cảnh đó con người có khả năng xử lý an toàn hay không?
Theo tôi, nếu đánh tay lái gấp thì xe sẽ bị lật, còn thắng gấp thì quý vị thấy rồi đấy, anh Hoàng có đạp chết thắng dài 38m đấy, vì vậy trong tình huống ngặt nghèo đó, rất hiếm người có thể xử lý được an toàn.
Vấn đề ở đây là ai đã tạo ra tình huống đặc biệt nguy hiểm buộc anh Hoàng phải xử lý trong vòng 02 giây đó? Rõ ràng là do hành vi lùi xe trên cao tốc của Ngô Văn Sơn tạo ra, hành vi ấy tất yếu sẽ gây ra tai nạn giao thông, còn gây tai nạn với ai chỉ là vấn đề ngẫu nhiên. Người thực hiện hành vi tất yếu sẽ gây ra hậu quả nguy hại thì họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với hậu quả ấy.
Từ phân tích trên, cho thấy anh Lê Ngọc Hoàng bất đắc dĩ phải tham gia gây thiệt hại là do sự kiện bất ngờ, nên theo Điều 20 Bộ luật hình sự thì anh không chịu trách nhiệm hình sự.
Như tôi đã từng nói, chỉ trong trường hợp nhiều người cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm (vấn đề đồng phạm quy định tại Điều 17 BLHS 2015) thì mới có thể buộc nhiều cùng gánh chịu trách nhiệm chung đối với một loại hậu quả, còn tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại Điều 202 BLHS 1999 (nay là Điều 260 BLHS 2015) là tội phạm có lỗi vô ý, người nào có lỗi chính, trực tiếp gây ra hậu quả thì người đó phải gánh chịu trách nhiệm, nếu chúng ta quy kết buộc cả 02 người (Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng) cùng gánh chịu chung một hậu quả thì vô tình chúng ta đã áp dụng nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự trong lý luận về đồng phạm, điều này là mâu thuẫn với lý luận cơ bản.
Sau cùng tôi cũng xin lưu ý thêm với người có thẩm quyền, tùy theo từng vụ án mà các vị lựa chọn chứng cứ để chứng minh sự thật khách quan nhé, vụ án này không nên lạm dụng sử dụng lời khai của các bên, mà phải dựa vào dấu vết tại hiện trường, camera giao thông, camera hành trình của các xe và các thông số kỹ thuật khác… Thật buồn là cơ quan tố tụng cứ bấu víu vào lời khai các bên, bị cáo Sơn thì cẩu thả, anh Hoàng thì ít nhiều hốt hoảng, phụ xe thì ngủ gật, người ngồi trong xe Innova thì chẳng biết gì cho đến khi nghe tiếng va chạm khủng khiếp. Từ những lời khai như vậy mà xem là chứng cứ buộc tội thì tôi e rằng những nhà khoa học phải viết lại giáo trình.
Nền tư pháp của chúng ta đã rất thê thảm rồi, tôi hy vọng người có thẩm quyền hãy cứu lấy nó, hãy trả sự thật về với sự thật, hãy dứt khoát chỉ ra cái sai trái, yếu kém thì mới mong tạo lập được niềm tin trong nhân dân.
FB Võ Tòng