Friday, October 11, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmGiáo viên Thể dục, họ là ai?

Giáo viên Thể dục, họ là ai?

Thái Hạo

Liên quan đến sự việc cô giáo bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp học ở trường THPT Hai Bà Trưng (Huế), ông Ngô Đức Thức hiệu trưởng trường này vừa có bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ. Rất nhiều điều cần mổ xẻ trong những câu trả lời này, nhưng tạm gác lại, tôi chỉ nói về 1 điểm.

Khi phóng viên hỏi, việc thầy giáo thể dục – quốc phòng Nguyễn Đức Phong bẻ tay, đẩy cô giáo ra khỏi lớp là “do chủ ý cá nhân của thầy ấy, hay là có sự chỉ đạo của nhà trường?”; ông hiệu trưởng trả lời: “Cô giáo chủ nhiệm lớp mời cô Tâm đi ra không được nên đã báo cáo với ban giám hiệu nhà trường. Đi cùng với thầy Nguyễn Đức Phong lúc đó có một thầy giáo là phó hiệu trưởng nhà trường, một giáo viên và một nhân viên bảo vệ”.

Cô giáo chủ nhiệm “báo cáo ban giám hiệu” nhưng ban giám hiệu lại “đi cùng với thầy Nguyễn Đức Phong”, vậy ai mới là ban giám hiệu đây? Thầy Nguyễn Đức Phong là ai, có vị trí và vai trò gì trong nhà trường mà lại đứng ra xử lý sự việc trong khi có mặt thành viên ban giám hiệu ở đó? Ông hiệu phó “đi cùng” ấy đã làm gì để giải quyết sự việc, tại sao ông Phong có thể lộng hành như thế trước mặt ban giám hiệu? Trừ ra sự quanh co né tránh trách nhiệm của ông hiệu trưởng, thật khó lý giải tất cả những câu hỏi này nếu không hiểu rằng ban giám hiệu trường này đã thống nhất phương án giải quyết là dùng bạo lực, từ đó thầy Nguyễn Đức Phong mới trở thành trưởng đoàn và ra tay công nhiên như thế.

Sau khi kết tội từ thầy Phong, cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bị bẻ tay, học sinh, thì ông hiệu trưởng Ngô Đức Thức nói “Bản thân tôi CŨNG sai”, “tất cả đều có lỗi”. Không phải là CŨNG, ông phải là người sai đầu tiên và và sai lớn nhất, ông phải chịu trách nhiệm chính về tất cả những gì đã xảy ra.

Xin được nói thêm về giáo viên Thể dục – Quốc phòng ở trường phổ thông. Vì sự lệch lạc, sai lầm trong quan điểm giáo dục, sự bất hợp lý trong chương trình và các yếu tố khác thuộc về “bệnh nghề nghiệp”, giáo viên Thể dục và Quốc phòng thường bị coi là dạy môn phụ, không quan trọng, rảnh và khỏe. Chính vì thế, hiệu trưởng các nhà trường thường giao cho họ kiêm nhiệm các công việc khác liên quan đến nề nếp, trật tự, nhiều khi trở thành chân sai vặt cho hiệu trưởng. Từ chỗ bị xem thường, giáo viên các môn này do thân cận hiệu trưởng, trực tiếp làm việc do hiệu trưởng sai làm nên trở nên một thứ cận thần có quyền uy lớn. Họ thường có chân trong ban nề nếp – ban giám thị, đi chấm điểm thi đua các lớp. Vì “thi đua” là một thứ gông xiềng trong nhà trường phổ thông, có thể quyết định sự sinh tử trong nghề nghiệp của mỗi giáo viên, nên được lòng giám thị thì sống, mất lòng giám thị thì chết. 

Từ quyền lực do “dựa hơi chủ” ấy, họ trở nên ngày càng ta đây, nghênh ngang, hách dịch. Việc hành xử như ông thầy Thể dục – Quốc phòng Nguyễn Đức Phong không phải là câu chuyện về tính cách hay tư cách cá nhân, nó là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm của lối quản lý cát cứ, chuyên quyền vốn là cái gốc của mọi vấn nạn trong nền giáo dục suốt mấy chục năm qua. Đổi mới giáo dục, hãy bắt đầu từ đây: phân bổ lại quyền lực. Công đoàn độc lập cần được công nhận, nhà giáo phải được tự chủ, các tổ chức trong nhà trường phải có sự phân lập…, không thể tiếp tục để hiệu trưởng làm ông trời con thêm nữa.

Thái Hạo

P/S: Không vơ đũa cả nắm, xin được xin lỗi các thầy cô giáo Thể dục – Quốc phòng tử tế.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular