VOA
Một trong những nhận xét về cách hành xử của chính quyền trong vụ Đồng Tâm là họ “ác với dân, hèn với giặc”.
Ngoài biển mỗi khi các tàu Trung Quốc thực sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, chính quyền thường hết sức mềm mỏng, tìm đủ mọi cách để tháo ngòi căng thẳng.
Họ thậm chí còn không dám kiện Bắc Kinh ra toà quốc tế vì sợ căng thẳng gia tăng.
Dĩ nhiên không thể có chuyện Việt Nam cho cả ngàn binh sĩ dàn trận trên biển để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế không thể tranh cãi của chính mình.
Ngay cả khi các tàu cá của người dân Việt Nam rõ ràng bị Trung Quốc bắn thẳng vào, Hà Nội cũng chưa bao giờ nhân đó mà ăn miếng trả miếng.
Vậy tại sao họ lại không tìm cách tháo ngòi nổ ở Đồng Tâm như họ đã làm từ vài chục năm nay trên biển? Tại sao họ không dùng công lý để đi đến cùng mà dùng công an để trị người dân lúc đêm về sáng và khi chỉ còn hơn hai tuần nữa là Tết đến?
Nhân vụ này cũng đã có bình luận rằng nếu một người phạm luật thì phải hỏi tội người đó. Nhưng khi cả làng phạm luật thì phải xem lại luật. Các luật sư đã thành công trong việc hoà giải giữa người dân và chính quyền hồi năm 2017. Nhưng một trong các luật sư góp phần vào việc đó, ông Trần Vũ Hải, đang bị chính quyền tìm cách trả thù. Ngay trước khi xảy ra đổ máu ở Đồng Tâm, các luật sư đã bị ngăn cản và đe doạ khi tìm cách vào địa phương. Hà Nội đã quyết không giải quyết với dân qua công lý và toà án mà dùng cách quen thuộc nhất của chế độ công an trị.
Nếu suy nghĩ thật kỹ, cách chính quyền đòi quyền sở hữu toàn bộ đất đai hiện nay cũng chẳng khác gì cách Trung Quốc đòi sở hữu toàn bộ Biển Đông. Ở miền nam, chính quyền cộng sản chỉ mới tồn tại từ tháng Tư năm 1975, tức mới gần tròn 45 năm. Ở ngoài bắc người ta có thể lấy mốc 1945 hoặc 1954. Vậy mà họ chỉ hô biến một cái là đất đai từ bao đời của người dân bỗng thành của các quan. Đây là nguồn để lãnh đạo các cấp vơ vét và các doanh nghiệp có quan hệ thân tình với lãnh đạo trở thành tỷ phú như gia đình Phạm Nhật Vượng.
Ở Việt Nam thực tế chỉ có hai cách để các quan chức làm giàu. Một là chiếm đất để chia chác. Hai là lợi dụng chức vụ để biển thủ công quỹ hay tham nhũng. Dù ăn đất, ăn tiền thuế của dân hay ăn bất cứ đồng tiền nào họ có thể nhận vì vị trí trong chính quyền, các quan chức Việt Nam cũng khó có thể chùi mép. Hãy nhìn xem con cái các quan chức các cấp đang du học với chi phí cả tỷ đồng mỗi năm, biệt thự họ đang ở, công ty vợ con họ đang điều hành, nhà ở nước ngoài họ đang nhờ người đứng tên…, người ta sẽ dễ dàng thấy sự tương phản giữa lương tháng có vài triệu đồng với mức chi tiêu cả tỷ hay thậm chí chục tỷ mỗi năm.
Trong khi chính quyền còn phải tiếp tục đốt lò thêm rất nhiều năm nữa và luật pháp đất đai còn gây tranh cãi, chính quyền không bao giờ nên dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp kẻo người ta lại bảo đất nước có cả rừng luật mà lại đi dùng luật rừng.
Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.