Đồng hương, đồng khói mà làm gì!

0
93
Giám đốc nói công nhân trong công ty là anh em một nhà

(NLĐO)- Giám đốc nói công ty là ngôi nhà chung. Hà tất phải phân biệt nhóm này, hội nọ, vùng miền kia? Đồng hương, đồng khói mà làm gì!

Đứa em họ của tôi đi dự tiệc Giáng sinh, chẳng biết nhóm bạn của nó gây gổ thế nào với một nhóm khác mà xảy ra ẩu đả. Thằng em tôi bị tét da đầu phải khâu mấy mũi. Nó bảo mới đầu nhậu chung rất vui vẻ nhưng sau đó nhóm này nói xấu quê quán của nhóm kia. Thế là chai lọ lên tiếng.

Chuyện của thằng em khiến tôi liên tưởng đến chuyện ở công ty mình mấy năm trước. Sếp mới của tôi là một người kỳ quặc. Trước khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1-2013, chúng tôi đã thấy ông xuất hiện ở công ty.

Buổi sáng ông cũng xếp hàng quẹt thẻ; buổi trưa xếp hàng xuống nhà ăn lấy cơm. Buổi chiều ông đi quanh quẩn trong khuôn viên nhà máy nhìn cái này, ngó cái kia. Rồi ông nhặt rác, sửa lại tấm biển cảnh báo an toàn lao động cho ngay ngắn, yêu cầu bộ phận vệ sinh công nghiệp lau thật khô nơi vào ra, lên xuống trong nhà xưởng. Thấy chúng tôi, ông gật đầu chào rất thân thiện.

Chúng tôi kháo nhau có lẽ đó là đội trưởng bảo vệ công ty mới tuyển. Có người lại bảo đó là quản đốc mới của phân xưởng sản xuất. Cũng có người cho rằng đó là cán bộ bảo hộ lao động vì gần đây tình hình tai nạn lao động xảy ra hơi bị nhiều dù chỉ là tai nạn lặt vặt như búa đập vào tay, tóc bị cuốn vô cánh quạt giải nhiệt của máy, công nhân mang vác bị trượt ngã… Đoán già đoán non là vậy nhưng không ai dám hỏi ông là ai, làm gì, tới đây với mục đích chi?

Cho đến tiệc tất niên chiều tối 31-12-2012. Công ty cho công nhân nghỉ sớm 1 giờ để chuẩn bị. Do có tiệc nên chúng tôi rất háo hức. Gần 500 công nhân có mặt đầy đủ trước giờ khai tiệc.

Trước khi buổi tiệc bắt đầu, giám đốc công ty khiến mọi người một phen sửng sốt: “Tôi xin giới thiệu giám đốc mới của công ty chúng ta kể từ 1-1-2013…”. Ngay sau lời giới thiệu, người đàn ông mà chúng tôi vẫn gặp hằng ngày bước ra cúi chào trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Hóa ra ông là giám đốc chứ chẳng phải một nhân viên “cu li” như chúng tôi vẫn nghĩ.

 

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là chuyện khác. Sau phần chào hỏi xã giao, tân giám đốc đột ngột hỏi: “Ở đây có bạn nào quê ở Thanh Hóa?”. Những cánh tay dè dặt đưa lên. Ông bắt đầu đếm rồi vui vẻ nói: “Tôi cũng quê ở Thanh Hóa”. Tôi nghe rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Ông tiếp tục hỏi: “Có bạn nào quê Nam Định?”. Những cánh tay bắt đầu mạnh dạn đưa lên. Ông lại nói: “Quê tôi cũng ở Nam Định”. Những cặp mắt ngờ vực nhìn ông rồi nhìn nhau. Lại đoán già, đoán non. Chắc là ông giám đốc quê Thanh Hóa nhưng có vợ ở Nam Định.

Chưa dừng lại ở đó, ông giám đốc lại hỏi tiếp: Bạn nào quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Nói chung là ông hỏi gần hết 63 tỉnh thành của cả nước khiến chúng tôi như bị rơi vào mê hồn trận. Cuối cùng ông chốt lại: “Thế các bạn có thích lập hội đồng hương của quê mình không?”. Mọi người rào rào trả lời “có, có”.

Ông lại chỉ một người rồi hỏi: “Thế theo bạn, lập hội đồng hương để làm gì?”. Người được hỏi là một nữ công nhân quê ở Hà Tĩnh. Cô nói vanh vách nào là để thắt chặt tình nghĩa quê hương xóm làng, nào là để giúp đỡ nhau lúc tối lửa tắt đèn, nào là để bênh vực nhau khi bị hiếp đáp. v.v và v.v…

Nghe xong, giám đốc lại chỉ một người khác quê ở Bình Dương: “Theo bạn thì có nên lập hội đồng hương Bình Dương hay không?”. Đó là một nam công nhân. Anh này ngần ngừ rồi lắc đâu: “Dạ, công ty đóng tại Bình Dương, nơi đây là quê hương rồi nên không cần lập hội đồng hương nữa ạ”.

Giám đốc hỏi tiếp: “Công ty chúng ta quy tụ anh chị em công nhân khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Giả dụ các bạn quê ở Nghệ An, Thanh Hóa gặp hoạn nạn, chúng ta có giúp đỡ không? Chắc chắn là có. Các bạn ở Cà Mau, Cần Thơ đau yếu bệnh tật, mọi người có giúp đỡ không? Chắc chắn là có bởi đã là bạn bè, đồng nghiệp đương nhiên phải có tình cảm với nhau. Vậy nên tôi có ý kiến khác với các bạn. Không nên lập hội đồng hương, đồng khói làm gì. Chúng ta đã vào công ty thì đây là ngôi nhà chung của mọi người, tất cả là anh em. Hà tất chúng ta phải thu mình, tự cô lập, phân biệt đối xử nhau trong nhóm này, hội nọ, vùng miền kia?…”.

Họp mặt đồng hương Quảng Nam tại TP HCM. Ảnh: Hội đồng hương Quảng Nam

Có nhiều ý kiến tranh luận nhưng cuối cùng mọi người thống nhất không lập hội đồng hương trong công ty. Những hội đã lập trước đây cũng giải tán. Tôi tuy không tin lắm nhưng cũng muốn xem năng lực quản lý lãnh đạo của giám đốc mới thế nào, liệu những điều ông ta nói có phải là suy nghĩ tào lao hay không?

Kết quả thật bất ngờ. 2 năm qua, không có chuyện hội đồng hương này kéo nhau đi đánh hội đồng hương kia vì chuyện ghẹo gái hay tranh phần trong công ty. Lúc trước mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn thì đồng hương nào giúp đồng hương đó; bây giờ thì cả công ty xúm lại góp gió thành bão. Có công nhân bị tai nạn giao thông được anh em đóng góp giúp cả trăm triệu đồng. Cũng không có chuyện một nhóm người cùng quê rủ nhau gây rối, kích động thắc mắc khiếu nại vô lối…

Như vậy, rõ ràng quan điểm của ông giám đốc là đúng. Thế nhưng tôi thấy chung quanh mình, ở khu trọ và các công ty khác người ta vẫn lập hội đồng hương. Mỗi dịp Tết đến Xuân về lại hội họp, tiệc tùng rình rang. Theo các bạn, hội đồng hương là tốt hay không tốt? Và chúng ta có nên nơi nào có đồng hương thì phải lập hội để “thắt chặt tình làng nghĩa xóm, nâng cao tính cố kết cộng đồng” như một người bạn là chủ tịch hội đồng hương quê tôi tại TP HCM đã nói?

https://nld.com.vn/cong-doan/dong-huong-dong-khoi-ma-lam-gi-2014122911191128.htm

717790cookie-checkĐồng hương, đồng khói mà làm gì!