Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Nguồn: Uỷ ban Đánh giá An Ninh và Kinh Tế Mỹ – Trung
Công bố ngày 14 tháng 11 năm 2018
Biên dịch: Đặng Sơn Duân
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15 tháng 11 năm 2018
(10 khuyến nghị có số thứ tự đặt trong dấu () được xác định là đặc biệt quan trọng)
CHƯƠNG 1: QUAN HỆ KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG
Mục 2: Các công cụ giải quyết thách thức kinh tế Mỹ – Trung
Ủy ban khuyến nghị:
(1) ▶ Quốc hội kiểm tra xem Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có nên phối hợp với các đồng minh và đối tác Hoa Kỳ khởi kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thượng mại thế giới (WTO) trong vụ kiện “làm triệt tiêu hoặc làm phương hại lợi ích nhưng không vi phạm hiệp định” – cùng với các vi phạm cam kết cụ thể khác – theo Điều 23 (b) của Thỏa thuận chung về Thương mại và Thuế quan hay không.
(2) ▶ Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xác định các hoạt động bóp méo thương mại của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và phát triển các chính sách để chống lại tác động chống cạnh tranh của họ.
(3) ▶ Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Kiểm toán chính phủ tiến hành đánh giá các sáng kiến cộng tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong hợp tác kỹ thuật. Đánh giá này nên mô tả bản chất của sự cộng tác, bao gồm tài trợ, tham gia và báo cáo về kết quả; chi tiết về cấp phép và chế độ quản lý theo đó các sáng kiến xảy ra; xem xét liệu quyền sở hữu trí tuệ của các nhà nghiên cứu và công ty Mỹ có được bảo vệ đầy đủ hay không; kiểm tra xem các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hay quân đội có được hưởng lợi từ nghiên cứu do người đóng thuế ở Hoa Kỳ tài trợ hay không; điều tra xem liệu có nhà nghiên cứu Trung Quốc nào tham gia vào sự cộng tác có quan hệ với chính phủ hay quân đội Trung Quốc hay không; điều tra xem có bất kỳ công ty, trường đại học hoặc phòng thí nghiệm nào của Hoa Kỳ tham gia vào chương trình cộng tác do chính phủ Hoa Kỳ dẫn đầu với Trung Quốc đã bị xâm nhập mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không; và đánh giá lợi ích của sự cộng tác này đối với Hoa Kỳ. Hơn nữa, đánh giá này nên kiểm tra sự dư thừa, nếu có, trong số các chương trình hợp tác khác nhau của chính phủ Hoa Kỳ-Trung Quốc và đưa ra đề xuất cải thiện cộng tác.
Phần 3: Chính sách nông nghiệp của Trung Quốc: Thương mai, đầu tư, an toàn và đổi mới
Ủy ban khuyến nghị:
4 ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xác định mức độ tác động bất lợi của hệ thống kiểm tra và phê duyệt công nghệ sinh học bất đồng bộ của Trung Quốc dành cho sản phẩm nông nghiệp đối với ngành này của Hoa Kỳ. Trong quá trình đánh giá của mình, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nên làm việc với Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để tìm kiếm các biện pháp song phương hoặc đa phương, nếu thích hợp, để giải quyết các tác động này.
5 ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, phối hợp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, chuẩn bị báo cáo hằng năm về cam kết kỹ thuật với Trung Quốc về an toàn thực phẩm, kiểm tra, cơ chế giải quyết các vấn đề về vệ sinh và kiểm dịch thực vật, và bất kỳ sự hỗ trợ kỳ thuật nào được cung cấp cho Trung Quốc để cải thiện chế độ kiểm tra an toàn thực phẩm của mình.
CHƯƠNG 2: QUAN HỆ AN NINH MỸ – TRUNG
Mục 2: Tái tổ chức và hiện đại quân sự của Trung Quốc: Hệ lụy cho Hoa Kỳ
Ủy ban khuyến nghị:
(6) ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cung cấp cho các ủy ban có thẩm quyền liên quan một báo cáo, với một phụ lục được xếp loại mật, đánh giá sự thay đổi cấu trúc chỉ huy của cảnh sát biển Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến tư cách một tổ chức thực thi pháp luật của lực lượng này khi nó hiện trực thuộc Quân ủy Trung ương. Báo cáo nên thảo luận về những hệ lụy của cấu trúc mới này đối với việc Trung Quốc sử dụng cảnh sát biển như một công cụ cưỡng chế trong hoạt động “vùng xám” ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Báo cáo cũng nên xác định sự thay đổi này có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương tác của Hải quân Hoa Kỳ và Tuần duyên Hoa Kỳ với Cảnh sát biển Trung Quốc, và liệu lực lượng này có nên được định danh là lực lượng quân sự hay không.
7 ▶ Quốc hội xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước và cá nhân chủ chốt của Trung Quốc tham gia vào việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra của Trung Quốc.
CHƯƠNG 3: TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI
Mục 1: Sáng kiến Vành đai và Con đường
8 ▶ Quốc hội thành lập một quỹ hỗ trợ song phương bổ sung cho các nước là mục tiêu hoặc dễ tác động từ sức ép kinh tế hoặc ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quỹ này nên được sử dụng để thúc đẩy kết nối kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và tiếp cận năng lượng. Quỹ này cũng có thể được sử dụng để thúc đẩy phát triển bền vững, chống tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch, cải thiện sự thượng tôn pháp luật, ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo và xây dựng năng lực của xã hội dân sự và truyền thông.
9 ▶ Quốc hội yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị một báo cáo cho Quốc hội về những hành động mà họ đang thực hiện để cung cấp một sự mô tả thay thế dựa trên thực tế thay cho thông điệp của Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Một báo cáo như vậy cũng nên xem xét các dự án BRI không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và làm nổi bật mối liên hệ giữa BRI và nỗ lực của Trung Quốc nhằm bưng bít thông tin và báo cáo sai sự thật về các hành vi vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
(10) ▶ Quốc hội yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia soạn thảo một bản Đánh Tình báo Quốc gia (NIE), với phụ lục được được xếp loại mật, nêu chi tiết tác động của các cơ sở đồn trú và cơ sở tiếp cận hiện hữu và tiềm năng của Trung Quốc dọc theo Vành đai và Con đường đối với quyền tự do hải hành và kiểm soát biển, trong cả thời bình và khi xảy ra xung đột. NIE nên bao gồm tác động đến các lợi ích chính trị và an ninh của Hoa Kỳ, đồng minh và khu vực.
Mục 2: Quan hệ của Trung Quốc với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ
Ủy ban khuyến nghị:
(11) ▶ Quốc hội chỉ đạo Chính quyền tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về các lợi ích và chính sách kinh tế và an ninh chung liên quan đến Trung Quốc, bao gồm các biện pháp sau:
▷ Thúc giục Chính quyền tham gia vào việc chia sẻ thông tin và phối hợp giám sát thường xuyên các hoạt động đầu tư của Trung Quốc và chia sẻ các phương pháp hay nhất về sàng lọc đầu tư nước ngoài với các tác động an ninh quốc gia, bao gồm phát triển các tiêu chuẩn chung cho các cơ chế sàng lọc.
▷ Tăng cường tham vấn về giảm thiểu xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng cho Trung Quốc và xác định các công nghệ cơ bản khác quan trọng với an ninh quốc gia.
(12) ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ:
▷ Kiểm tra việc áp dụng các luật hiện hành của Hoa Kỳ, bao gồm luật “Âm mưu chống lại các quyền tự do”, để truy tố các cá nhân/tổ chức liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc uy hiếp, ép buộc hoặc đe dọa người dân Hoa Kỳ.
▷ Làm rõ rằng các nhãn hiệu bắt buộc bởi Đạo luật đăng ký đại diện cho nước ngoài trên các tài liệu thông tin được phổ biến dựa trên lợi ích của cá nhân/tổ chức nước ngoài, chẳng hạn như China Daily, phải xuất hiện nổi bật ở đầu trang đầu tiên của tài liệu đó.
(13) ▶ Quốc hội chỉ đạo Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia lập báo cáo không xếp loại mật hằng năm, với một phụ lục được xếp loại mật, về các hoạt động gây ảnh hưởng và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
14 ▶ Quốc hội chỉ đạo Chính quyền thảo luận về những tác động của quan hệ quân sự ngày càng gần gũi của Trung Quốc với Nga và tầm quan trọng ngày càng tăng đối với lợi ích an ninh xuyên Đại Tây Dương trong các cuộc tiếp xúc với EU và NATO. Các cuộc thảo luận như vậy sẽ bao gồm việc làm thế nào châu Âu và NATO có thể thúc đẩy việc trao đổi thông tin về quốc phòng thông thường và những thách thức khác mà Trung Quốc và Nga đặt ra, bao gồm cả hoạt động gây ảnh hưởng của cả hai nước.
Mục 3: Trung Quốc và Đài Loan
Ủy ban khuyến nghị:
15 ▶ Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nối lại các cuộc họp theo Thỏa thuận Khung Thương mại và Đầu tư Hoa Kỳ – Đài Loan trong năm 2019 và xác định các trình tự đàm phán nâng cao để giải quyết các vấn đề nổi cộm.
16 ▶ Quốc hội chỉ đạo Chính quyền soạn thảo báo cáo liên ngành về chiến lược của toàn chính phủ để hỗ trợ sự tham gia của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc xem xét, nhưng không giới hạn, các hành động sau đây:
▷ Tìm hiểu các cơ hội cung cấp hỗ trợ phát triển và an ninh chủ động cho các đối tác ngoại giao của Đài Loan trong nỗ lực khuyến khích họ duy trì quan hệ với Đài Bắc.
▷ Xác định các điều chỉnh mà Hoa Kỳ có thể thực hiện trong quan hệ của mình với Đài Loan để phản ứng với việc Bắc Kinh thay đổi hiện trạng quan hệ hai bờ eo biển và thực hiện hành động cưỡng bức để gây áp lực cho Đài Bắc.
▷ Thảo luận về quan hệ xuyên eo biển và chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan trong các cuộc họp với các chính phủ đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ và hỗ trợ mở rộng trao đổi thương mại, văn hóa và các trao đổi khác giữa Đài Loan và các quốc gia đó.
▷ Thiết lập một cuộc đối thoại phát triển song phương giữa Mỹ và Đài Loan để khuyến khích vai trò của Đài Loan trong việc thúc đẩy phát triển toàn cầu bền vững.
▷ Xác định các tổ chức quốc tế quan trọng sẽ hưởng lợi từ chuyên môn và sự tham gia của Đài Loan, và tập trung nỗ lực vận động cấp cao của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo tư cách thành viên hoặc sự tham gia của Đài Loan trong các tổ chức này.
17 ▶ Quốc hội xem xét sửa đổi luật chống tẩy chay theo Đạo luật Quản lý xuất khẩu hoặc thông qua luật mới để cấm các công ty Hoa Kỳ tuân thủ các nỗ lực của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên Đài Loan. Luật này có thể bao gồm các biện pháp cho phép xử phạt đối ứng đối với các thực thể Trung Quốc trong trường hợp chính phủ Trung Quốc trả đũa các công ty Mỹ.
18 ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hỗ trợ việc thực hiện Khái niệm Quốc phòng Toàn diện mới của Đài Loan và thực hiện các hành động hỗ trợ khả năng của Đài Loan trong việc duy trì đầy đủ năng tự vệ bằng cách mời quân nhân Đài Loan tham gia các cuộc tập trận quân sự của Mỹ hoặc đa phương do Mỹ dẫn đầu với tư cách thành viên hoặc quan sát viên; tiến hành các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên về lập kế hoạch quân sự và quân nhân cố vấn khác theo Đạo luật Công du Đài Loan; và xem xét tiềm năng của việc hỗ trợ Đài Loan mua sắm sáng suốt các vũ khí quốc phòng quan trọng, bao gồm cả việc đồng sản xuất công nghệ quốc phòng giữa các công ty Hoa Kỳ và Đài Loan.
19 ▶ Quốc hội xem xét nâng cao định mức báo cáo với Quốc hội về việc bán các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng cho Đài Loan lên ngang định mức dành cho các đồng minh lớn của Hoa Kỳ và xóa bỏ mọi yêu cầu báo cáo về hoạt động bảo trì và duy trì các khả năng hiện có của Đài Loan.
20 ▶ Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ với cách tiếp cận của Chính quyền Thái Anh Văn nhằm duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan.
MỤC 4: Trung Quốc và Hồng Kông
Ủy ban khuyến nghị:
21 ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các cơ quan chính phủ liên quan khác chuẩn bị báo cáo không được xếp loại mật, với một phụ lục được xếp loại mật, để kiểm tra và đánh giá sự tương xứng của chính sách kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với công nghệ lưỡng dụng khi nó liên quan đến cách đối xử của Hoa Kỳ với Hồng Kông như là các khu vực hải quan riêng rẽ.
22 ▶ Các nhóm liên nghị viện giao thiệp với các nghị sĩ từ Vương quốc Anh, EU và Đài Loan trong một cuộc đánh giá hai năm một lần về sự tuân thủ của Trung Quốc đối với Luật Cơ bản, đặc biệt chú ý đến sự thượng tôn pháp luật, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí và phát hành báo cáo dựa trên những kết luận sau mỗi lần đánh giá.
23 ▶ Các thành viên của Quốc hội tham gia vào các đoàn đại biểu quốc hội đến Hồng Kông và gặp gỡ các quan chức Hồng Kông, các nhà lập pháp dân chủ, xã hội dân sự và đại diện doanh nghiệp trên vùng lãnh thổ này và khi họ đến Hoa Kỳ. Trong các cuộc họp với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc, họ nên nêu lên mối lo ngại về sự tuân thủ của Bắc Kinh đối với chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và lời hứa của Trung Quốc cho phép Hồng Kông hưởng “một mức độ tự chủ cao”. Họ cũng nên tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền tự do biểu đạt và sự thượng tôn pháp luật ở Hồng Kông.
Mục 5: Chiến lược Triều Tiên đang chuyển hóa của Trung Quốc
Ủy ban khuyến nghị:
(24) ▶ Quốc hội chỉ đạo Bộ Tài chính Hoa Kỳ cung cấp báo cáo trong vòng 180 ngày về tình trạng trừng phạt trừng phạt hiện tại của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Một phụ lục được xếp loại mật phải cung cấp danh sách các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cán bộ tài chính Trung Quốc tham gia giao dịch với Bắc Triều Tiên có thể bị xử phạt trong tương lai và phải giải thích các tác động tiềm tàng rộng lớn hơn của việc xử phạt những thực thể đó.
CHƯƠNG 4: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO CỦA TRUNG QUỐC
Mục 1: Kết nối thế hệ kế tiếp
Ủy ban khuyến nghị:
(25) ▶ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Giám đốc An toàn thông tin Liên bang của Văn phòng Quản lý và Ngân sách chuẩn bị một báo cáo thường niên cho Quốc hội để đảm bảo các điểm yếu trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc được giải quyết đầy đủ. Báo cáo này nên thu thập và đánh giá:
▷ Các kế hoạch quản lý và đánh giá rủi ro chuỗi cung ứng của mỗi cơ quan;
▷ Chính sách bảo mật và mua sắm hiện có của tổ chức và hướng dẫn về an ninh mạng, an ninh hoạt động, bảo vệ vật lý, bảo mật thông tin và bảo mật dữ liệu có thể ảnh hưởng đến công nghệ thông tin và truyền thông, mạng 5G và thiết bị Internet of Things; và
▷ Các lĩnh vực có thể cần các chính sách và hướng dẫn mới – bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông cụ thể, mạng 5G và thiết bị, ứng dụng hoặc quy trình Internet of Things — và các chính sách và hướng dẫn bảo mật hiện có có thể được cập nhật để giải quyết những điểm yếu của chuỗi cung ứng, an ninh mạng, an ninh hoạt động, bảo vệ vật lý, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu.
(26) ▶ Quốc hội chỉ đạo Cơ quan Viễn thông và Thông tin Quốc gia và Ủy ban Truyền thông Liên bang xác định (1) các bước để đảm bảo triển khai nhanh chóng và an toàn mạng 5G, đặc biệt tập trung vào mối đe dọa do thiết bị và dịch vụ thiết kế hoặc sản xuất tại Trung Quốc; và (2) liệu có cần bất kỳ cơ quan luật định mới nào để đảm bảo an ninh cho mạng 5G trong nước hay không.
Nhà báo Đặng Sơn Duân là cựu phóng viên mảng quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và là cộng tác viên năm thứ nhất của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông theo cơ chế tự nguyện không nhận nhuận bút. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: Comprehensive list of the Comission’s Recommendations – U.S. – China Economic and Security Review Commission [PDF]
Xem đầy đủ báo cáo của Uỷ ban tại 2018 Annual Report – U.S. – China Economic and Security Review Commission 14/11/2018.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn : https://daisukybiendong.wordpress.com/2018/11/15/danh-sach-26-khuyen-nghi-cua-uy-ban-danh-gia-an-ninh-va-kinh-te-my-trung-14-11-2018/