Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Vào trong tâm điểm cuộc chiến
Anh Kim và anh Nghĩa mỗi buổi chiều, vẫn đặt cái bàn ăn gần cửa buồng giam. Vì vậy, tôi vẫn nghe được mọi bàn luận của anh em, sau mỗi lần mọi người ăn xong và uống trà.
Tuy nhiên, tôi hầu như chỉ lắng nghe và ít nói hẳn để tiết kiệm năng lượng.
Mấy hôm nay, tôi cảm thấy mau mỏi lưng, lúc ngồi. Khi mệt quá, tôi nằm xuống rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Có lúc tôi mơ thấy mình nhỏ lại và bay lọt ra ngoài như một chú chim. Trong giấc mơ, vào một sáng tinh sương, hình ảnh một bầy chuột khổng lồ – vì ăn phải thực phẩm biến đổi gien – bỗng ào ạt chui lên từ một cái hang khổng lồ dưới lòng đất. Thoắt cái, lần lượt và nhanh chóng, từng con chuột quái dị vừa xù xì vừa gớm ghiếc, rùng mình biến thành những dáng người trong bộ đồ công an quen thuộc. Chúng nháo nhác và hoảng hốt bủa ra nhiều ngã để tìm tôi.
Lúc khác, tôi lại mơ thấy một chú chim nhỏ bay đến đậu trước của sổ buồng giam, mang theo một bức thư cột ở chân – bức thư do anh em ở ngoài gửi vào thăm hỏi, khích lệ tôi. Tôi viết vội vài dòng gửi lại cho mọi người biết về “cuộc chiến”. Sau đó, tôi cẩn thận buộc lá thư vào chân chú chim nhỏ có đôi cánh màu xanh da trời. Vuốt nhẹ vài cái lên đầu nó, tôi thầm thì:
– Hỡi đôi cánh mang niềm hy vọng! Hãy đưa tin của ta đến với mọi người thân yêu nhé!
Chú chim nhỏ tung cánh bay đi. Mắt tôi ánh lên hy vọng – niềm hy vọng chan chứa về bạn bè và đồng bào tôi, ngoài kia, sẽ nhận được thông điệp của mình.
Chỉ những ai phải “chiến” trong hoàn cảnh bị cô lập như tôi, mới hiểu được nỗi khát khao truyền gửi thông tin mãnh liệt như thế nào, trước cánh cửa tử sinh.
Khi viết những dòng này, hình ảnh Trần Thuý Nga – Một người phụ nữ với khuôn mặt cương nghị – hiện lên trong tôi .
Thúy Nga đang bị giam tại trại giam Nga bị giam tại Trung Tam Yaun trại Gia Trung – Gia Lai, đã hơn hai tháng, chưa được gặp gia đình, sau khi cô ấy tố cáo bị đánh đập, bị đe doạ giết trong trại giam.
Linh cảm của một người tù từng trải như tôi cho biết, Thúy Nga đang gặp nguy hiểm.
Tôi tin chắc chắn, Nga đang ở trong một “cuộc chiến” và bị cô lập thông tin – như tôi ngày xưa – để trại tù dễ bề đàn áp.
Tôi tin mọi người hiểu được hoàn cảnh của Thúy Nga hiện nay để tìm cách cứu cô ấy.
Anh Kim thường tranh thủ lúc anh em đã vào buồng giam hết, mới ghé qua hỏi nhanh mấy câu về sức khoẻ tôi.
Tôi thường trả lời rằng “tôi ổn” và còn “đi tiếp” được. Các anh cố gắng tìm mọi cách đưa tin ra ngoài giúp tôi.
Một lần, vào buổi sáng, nhân lúc vắng người, anh Nghĩa bàn với tôi một kế hoạch đưa tin ra ngoài. Tuy cảm thấy không chắc chắn lắm, nhưng tôi vẫn nói rằng, dù sao chúng ta vẫn cố gắng thử xem sao.
Cả anh Kim và anh Nghĩa đều lo lắng cho tôi và sốt ruột vì chưa đưa được tin tôi tuyệt thực ra ngoài. Tôi xác quyết với hai anh rằng, chỉ cần đưa được tin, mọi việc coi như thành công.
Đều đặn ngày hai buổi , quản giáo và Phương cùng Y Don mang cơm đến phòng giam cho tôi. Đương nhiên, tôi luôn từ chối và họ đều phải ký vào một biên bản đã lập sẵn. Sau đó, Y Don mang cơm ra ngoài.
Tập biên bản đã khá dày mà cuộc tuyệt thực vẫn còn ở phía trước. Chưa thấy lóe lên cơ hội nào để đưa tin ra ngoài…
Nhớ hồi mới lên trại 6, thấy đường sá xa xôi cách trở, đi thăm nuôi từ Sài Gòn ra, quá tốn kém, tôi dặn gia đình, khoảng 3-4 tháng mới lên thăm một lần. Tôi nghĩ án mình dài, đi tù lần thứ hai, nên cũng khá quen cuộc sống trong tù, do đó không để gia đình vất vả. Đỡ được tháng nào hay tháng đó, dành sức lo cuộc sống bên ngoài.
Tâm lý người ở tù, ai cũng vậy! Mình tù, khổ riêng mình đã đành, nên không muốn gia đình thêm âu lo.
Nhưng đối với chế độ cộng sản, đày đọa tù nhân chưa đủ, chúng còn hành hạ cả gia đình họ mới thỏa dạ. Nỗi khoái trá bất tận đó, tựa như “nguồn máu phi nhân” chảy rầng rậc khắp thân thể từng kẻ vong bản. Bất giác, tôi thở dài:
– Sao chúng không nhớ lời Karl Marx – ông Tổ cộng sản – dạy rằng: “Chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ lông của chính nó”?!
Chuyện người ở trong Nam bị lưu đày ra Bắc, người ở ngoài Bắc bị đẩy ngược vô Nam, khiến gia đình tù nhân vất vả tốn kém, ai cũng hiểu, mục đích của người CS nhằm đạt ý đồ hạn chế thông tin.
Cách ly tù nhân với bên ngoài càng nhiều, chúng càng dễ cô lập và đàn áp. Kể cả sự lãng quên mà người CS mong muốn.
Nỗi mong nhớ và sự lãng quên, vốn thuộc phạm trù “Con Người” – người CS quả thật chưa bao giờ biết Triết gia Térence đã dạy: “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Vốn dĩ, người CS gần với đươi ươi, tinh tinh hơn!
Bấy giờ ở trong hoàn cảnh như vậy, tôi lại mong có gia đình lên thăm thường xuyên để đưa tin ra ngoài.
Không được thăm gặp
Hôm nay đã là 16/7/2013, ngày thứ 25 tôi tuyệt thực.
Trưa hôm ấy, cán bộ quản giáo vào gọi Phương ra làm việc gì đó mà cả buổi trưa không thấy Phương vào.
Linh tính báo tôi biết, có việc gì đó xảy ra liên quan đến khu an ninh và tôi, bởi Phương ít khi ra ngoài như vậy.
Tôi đoán có thể an ninh ngoài BCA vô hoặc VKS Nghệ An vào làm việc về vụ của tôi.
Tôi linh cảm và tôi hy vọng. Có lẽ, một thay đổi nào đó sẽ đến trong cuộc chiến của mình.
Chiều muộn, Phương và quản giáo xách mấy túi đồ thăm nuôi vào khu, rồi mở cửa buồng biệt giam tôi.
Nhìn mấy túi đồ, tôi lặng người đi…
Gia đình tôi lên thăm từ khi nào mà chúng không cho gặp?!
Thường thì sau khi tù nhân thăm gặp gia đình rồi mới nhận quà mang vào trại, nhưng tôi chưa được gặp mà quà đã vào đây.
Giờ này trễ rồi, những người đi thăm nuôi đã lên chuyến xe cuối cùng để về Vinh. Tôi nghĩ đến sự thất vọng của gia đình mình, khi không gặp được tôi, sau hành trình hơn một ngàn cây số…
Nỗi quay quắt và khát khao gặp gia đình đã làm tôi bùng nổ tất cả năng lượng, mà tôi cố tiết kiệm để chiến đấu với chúng. Tôi vừa hỏi vừa như quát vào mặt tên quản giáo :
– Gia đình tôi còn ngoài kia không?!
– Tại sao tôi không được thăm gặp?!
– Ai cho phép các anh ngăn cản gia đình tôi thăm gặp?!
– Luật lệ cái quái gì của cái xứ “thiên đường mù lòa” này, hả?!
Giọng tôi như chiếc dùi trống đập ngay vào mặt tên quản giáo. Hắn cúi đầu nhẫn nhịn và nhỏ nhẹ nói tôi kiểm đồ thăm nuôi.
Đối mặt với tôi nhiều ngày qua, hắn hiểu cách tốt nhất là không tranh cãi về pháp luật với tôi. Bởi lẽ, hắn tự hiểu, cả cái xứ sở tội nghiệp này đang bị bọn “mặt người dạ thú” cai trị bằng một thứ luật rừng vô cùng man rợ.
Hình như chút phần người còn sót lại, khiến hắn còn biết chút hổ thẹn. Bởi tôi nhận thấy, vẻ mặt hắn co rúm lại và không kém sửng sốt trước chất giọng “tenor” của kẻ nhịn ăn gần cả tháng trời!
Tôi cố dằn xuống, giữ nhịp thở chậm và đều trở lại. Sự phẫn nộ làm tim tôi đập nhanh và tôi mơ hồ một cảm giác chóng mặt. Tôi nhận ra, ngay lúc này, không thể thay đổi được tình thế, cần phải giữ sức để đi tiếp.
Sức lực của tôi đang vơi dần…
Hôm nay, tôi không gặp được gia đình! Nhanh nhất phải một tháng nữa, gia đình tôi mới quay trở lại. Cũng có thể lâu hơn, bởi vì tôi đã dặn 3-4 tháng mới lên thăm một lần.
Tôi nhủ thầm:
– Còn hơn hai tháng phía trước của cái quyết định biệt giam ba tháng! Liệu tôi có còn đủ sức để đi tới đó không?!
Tiếng của Hùng giám thị K1 như từ dưới âm ty vọng lên, vang trong đầu tôi một lần nữa:
– Nếu anh không chấp hành, hết lệnh này sẽ gia hạn tiếp lệnh khác…
Tôi thoáng rùng mình, nhưng chợt nhớ lại cuộc tuyệt thực lần trước, lúc cận kề cái chết tôi vẫn đi thẳng vào nó, chẳng phải tôi đã chuẩn bị tâm thế cho tình huống xấu nhất sao?
Tôi cảm thấy sức lực của tôi hiện thời, so với những ngày cuối của lần tuyệt thực trước còn tốt hơn nhiều.
Kinh nghiệm của lần tuyệt thực trước đã giúp tôi tiết kiệm sức hơn, chịu đựng tốt hơn và quan trọng hơn, anh em tôi ở đây đã chứng kiến cuộc chiến của tôi. Nhất định vẫn còn cơ hội, nếu anh em quyết tâm giúp tôi.
Tôi nắm chặt hai tay, đưa nhịp thở trở lại bình thường, tự cười vào những suy nghĩ thoáng qua của mình: Đừng nóng! Nóng với tôi là không làm việc được đâu! – Tôi chợt nhớ lại câu tôi hay nhắc thượng tá Trần Văn Cống, khi anh ta nổi nóng với tôi trong khi điều tra. Nhưng lần này, tôi lại phải tự nhắc mình.
Tôi bảo Y Don và Phương mang hết đồ ăn ra ngoài chia cho anh em. Đồ đạc còn lại cột gọn vào một chỗ không để lẫn với số đồ cũ trước đó, vốn đã được kiểm đếm, lập biên bản trước khi mang vào buồng giam.
Tôi nhận ra thâm ý của trại giam này. Chúng lập biên bản kiểm đếm đồ đạc trước khi đưa vào buồng biệt giam tôi và yêu cầu Y Don ký làm chứng, bởi chúng đã dự đoán trước, khi bị biệt giam vô cớ, tôi sẽ tuyệt thực để phản đối. Vì vậy, nếu trong quá trình tuyệt thực, tôi không nhận cơm của trại giam, nhưng sử dụng đồ của mình, chúng sẽ lập biên bản mới và dùng hai biên bản đó so sánh để bôi xấu người tuyệt thực.
Những tên tiểu nhân và hạ tiện thật sai lầm và vô ích khi sử dụng “chiêu trò” đó! Bởi tôi đã quyết tuyệt thực, tất nhiên không cho chúng một cơ hội nào bôi xấu và hủy hoại cuộc đấu tranh của mình.
Chiều hôm ấy, sau bữa cơm, anh em ngồi uống trà gần cửa buồng giam nói chuyện. Ai cũng lên án lũ cai tù và lo lắng cho tôi, khi biết gia đình tôi lên trại mà không được gặp.
Tôi biết Anh Kim và anh Nghĩa rất lo cho tôi, bởi cuộc tuyệt thực đã kéo dài 25 ngày rồi.
Khi mọi người đã vào hết buồng giam, vẫn bên khung cửa sổ, nhìn ra ngoài khoảng sân tối nhỏ hẹp, tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời, lưa thưa vài ánh sao đêm, ở đó, lấp loáng có đôi mắt của mẹ tôi. Mồ côi mẹ từ năm lên 4 tuổi , nhưng mỗi lần tôi gặp hiểm nguy tôi luôn thấy mẹ bên tôi.
Gia đình tôi giờ này còn ở Vinh hay đã lên máy bay về Sài Gòn? – Tôi thắc thỏm trong lòng.
Nhớ đến tháng ngày sôi động và mạo hiểm, tôi hồi tưởng những chuyến đi vượt biên giới ra nước ngoài gặp anh em hải ngoại, bàn nhau tìm cách phát triển hoạt động báo chí tự do trong nước.
Tôi nhớ lắm, những bạn bè mà tôi đã gặp, đã nhắn gửi và đã nhờ họ tiếp tục giúp đỡ anh em của tôi trong nước nếu tôi bị bắt.
Làm sao tôi có thể quên, những cái ôm lúc chia tay lần cuối, như là dự cảm được sự nguy hiểm của tù đày khi quay về nước.
Rồi những lần thoát hiểm, những cuộc gặp gỡ bí mật, những kỷ niệm tôi giữ cho riêng mình…
Tôi biết, anh em bên ngoài vẫn cùng gia đình lo lắng cho tôi.
Miên man trôi theo dòng suy tưởng, tôi thiếp đi trên thành cửa sổ…
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
(Còn nữa)
https://youtu.be/h4a9dfsSQKA
( * )THÔNG TƯ 37-BCA CÓ NHỮNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN NGHIÊM TRỌNG
Blogger Điếu Cày trong mắt bạn tù
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)