Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGCUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Những hy vọng mong manh bị dập tắt

Ngày thứ sáu 28/6/2013. 

Buổi chiều, đội A được gọi điện về nhà. 

Hai tên an ninh và một cán bộ giáo dục cùng với quản giáo vào giám sát từng cuộc gọi. 

Nơi gơi điện thoại là phòng quản giáo chỉ cách cửa sổ phòng tôi khoảng 10m, tôi ngồi sau cửa sổ theo dõi và nghe từng người gọi điện về nhà, hy vọng có điều gì bất ngờ xảy ra. 

Anh Kim ra khỏi phòng quản giáo nhìn về phía cửa sổ buồng giam tôi, lắc đầu… 

Rồi đến phiên anh Nghĩa bước ra… cũng với cái lắc đầu y như vậy. 

Anh Kim và anh Nghĩa cho hay, khi các anh gọi điện thoại thì ngón tay tên an ninh trại lăm lăm để hờ trên phím ngắt điện thoại, khiến không thể đưa tin ra ngoài được. Dù có nói nhanh cũng không đủ nội dung. 

Mọi cơ hội đưa tin ra ngoài hoàn toàn bế tắc. 

Tôi chợt nhớ ca khúc “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với thoáng bùi ngùi… 

“Vỏ Xe Điếu Cày” chẳng có tin gì vui nhưng không nuôi cảm giác tuyệt vọng. Đó là may mắn của tôi – một tâm trạng nữa, vô cùng cần thiết cho đời tù ngục, mà tôi nghĩ cần nhắn về quê nhà, nơi anh em tôi vẫn đang phải chịu kiếp đọa đày ngày một tàn khốc hơn… 

Trong thời gian tôi tuyệt thực, trại giam đang xây dựng một dãy phòng kỷ luật ngay phía sau khu an ninh, sát phía bên kia bức tường ngăn cách khu an ninh và khu giam phạm nhân nữ. 

Các tù nhân làm việc trên giàn giáo, cao hơn bức tường ngăn cách hai khu, ở đó có thể nhìn thấy tôi phía sau cửa sổ buồng biệt giam. 

Cửa sổ phía sau buồng biệt giam chắn bằng song sắt 12mm, tôi có thể thò tay ra ngoài và ném sang phía bên kia một vật gì đó. 

Tại sao mình không thử cách này? Hên xui, nhưng thà làm bất cứ gì đó mình có thể, vẫn còn hơn không. Tôi bật cười và khe khẽ hát: “Có còn hơn không! Có còn hơn không” một câu nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi rất thích… Tiếu lâm cũng là một phương thuốc giúp cho mọi người tù chúng ta.

Tôi còn mấy trái chanh. Một vài lời nhắn ngắn gọn và đầy đủ nhất, bỏ vào bịch nilon cùng với trái chanh, nó sẽ trở thành “chuyến xe tốc hành” cần thiết với tốc độ “động cơ trái chanh” sẽ giúp thông tin của tôi “đi khá xa”, nếu như ai đó nhặt được. 

Với những người bị biệt giam như tôi, bất kỳ cách nào, dù hy vọng mỏng manh, vẫn cứ phải làm. Biết đâu đấy, nó cũng như những thuỷ thủ bị đắm tàu trên đảo hoang, bỏ thông điệp cầu cứu vào một cái chai và quăng xuống biển, chờ cho sóng trôi dạt về bất cứ nơi đâu với hy vọng mong manh sẽ có người đọc được.

Tôi chợt thấy mình lãng mạn ra phết!

Dù sao tôi cũng đang bị biệt giam, nếu bọn an ninh trại có lượm được thì cũng vẫn biệt giam thôi, có gì phải ngán chứ?!

Tôi soạn 3 tin nhắn giống nhau và bỏ vào 3 bịch nilon, mỗi bịch với 1 trái chanh. Một bịch ném thẳng qua hàng rào, hai bịch khác vào khu vực tù nhân đang xây dựng…

Chiều muộn gần tối, Diệu cán bộ giáo dục và quản giáo vào gặp tôi với 3 cái bịch nilon có đủ 3 trái tranh và tờ biên bản. Diệu hỏi với giọng xách mé và khó chịu: 

– Đây có phải là chữ viết của anh không ? 

Tôi gật đầu và hỏi lại anh ta : 

– Có chuyện gì không? 

Anh ta nói tôi vi phạm nội quy của trại. Tôi nói trại giam đang vi phạm pháp luật khi biệt giam tôi. 

Anh ta không cãi với tôi, dường như chỉ cố làm cho xong việc được giao. 

Tôi ngồi trên bục xi măng nghe anh ta trịnh trọng đọc tờ biên bản mà như nghe tiếng vọng từ nấm mồ âm u nào đó. 

Tôi không quan tâm đến biên bản hay quyết định kỷ luật gì tiếp theo, vì tôi đã đang ở trong buồng biệt giam rồi. 

Diệu đọc xong đưa tờ biên bản cho tôi hỏi bằng giọng lạnh tanh: 

– Anh có ký không ? 

Tôi dứt khoát:

– Không! Anh thừa biết không bao giờ tôi ký.

Khi Diệu và quản giáo ra khỏi phòng giam, tôi nghĩ một cơ hội lại bị dập tắt cùng những ngày gian khó phía trước, chắc chắn khắc nghiệt hơn. 

Tôi sẽ phải tìm cách khác để tiếp tục cuộc chiến. Tôi không cho phép mình buông tay, để mặc chúng muốn làm gì thì làm. 

Bên ngoài sân trại trời đã tối sẫm. Tôi nghe thấy nhiều tiếng động mạnh ở phía sau buồng giam. Có nhiều người đi vào khu đất giữa bức tường ngăn khu giam phạm nhân nữ và dãy buồng giam của chúng tôi. 

Nhìn về cửa sổ phía sau của buồng giam, tôi thấy tối thui ở chỗ đó. Thì ra , trại giam cho người vào đóng bít tất cả các cánh cửa sổ bằng gỗ phía sau song sắt của cả dãy phòng giam. 

Trong phòng ngột ngạt hẳn, bởi phòng giam ở đây xây như bát úp, phía trên sát trần không có khe thông gió, nên khi bị phơi nắng cả ngày, hơi nóng cứ quẩn bên trong. Đôi khi có một cơn gió đẩy cái nóng từ phía trước ra phía sau. 

Bây giờ chúng “chơi” như vậy, phòng giam như một cái ống bị bịt kín một đầu, không có không khí đối lưu. Sự ngột ngạt tăng dần theo thời gian, có thể khiến người tù ngộp thở vì thiếu không khí. Lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu não. Dễ choáng, dễ ngất.

Đương nhiên, việc làm lộ liễu đó nhằm mục đích không chỉ không để anh em ở các buồng khác chuyển thông tin của tôi ra ngoài mà còn chủ đích làm tôi thiếu dưỡng khí để thần kinh suy nhược. Khi con người ta như vậy, sẽ không còn bất kỳ ý thức phản kháng, bởi cái đầu không còn minh mẫn. Thật vô cùng gian ác!

Sáng nay, tôi dậy sớm, lót chiếc mền ngồi bên cửa sổ, cánh tay phải quàng qua hai ô song sắt. Tôi ngồi như thế suốt ngày này qua ngày khác. Khi mệt, nằm xuống nghỉ. 

Hai bên xương hông tím bầm do nằm trên nền cứng. Xương xẩu cũng bắt đầu lộ diện, đếm được từng cái một. Hai hốc xương vai, chắc đổ hai ly nước không hết. Da bụng nhăn nhúm lại, sát tới xương sống phía sau. 

Thể trạng tôi vốn “mình hạc xương mai”, nay xem ra có chiều “mỏng như lá lúa”!

Có lúc cầm quyển sách đọc mà nó tuột ra khỏi tay rơi xuống, tôi nghe nhịp thở của mình nặng nề bên tai. 

Đã đến lúc phải giữ nhiệt trong cơ thể cẩn thận hơn. Không được lạnh quá hoặc nóng quá, bởi như thế rất tốn năng lượng. 

Tôi vẫn ghi chép hàng ngày những sự kiện xảy ra với tôi và khu an ninh này trong một cuốn tập. Nhưng chữ viết mấy hôm nay đã “bất trị” bởi bàn tay và ngón tay run run, không còn điều khiển theo ý muốn của não bộ. Thật khó khăn, nhưng tôi vẫn cố viết. Tôi phải viết. Bởi đó sẽ là chứng nhân lịch sử cho không chỉ bản thân tôi. Tôi phải viết cho cả thế giới này hiểu tận tường chế độ cộng sản là những gì u mê nhất; tăm tối nhất! Chúng gần với rừng già hoang dã hơn là gần với thế giới loài người!

Rất tiếc, những cuốn tập này sau đó bị trại giam và an ninh ăn cắp mất trên đường đưa tôi từ trại giam ra sân bay Nội Bài. Hai cuốn tôi gửi Trương Duy Nhất cũng bị trại lấy mất trước khi anh hết án.

Bản đồ các nhà tù ở Việt Nam.

Đó là nỗi tiếc nuối rất lớn , bởi những cuốn tập đó vô cùng có giá trị về mặt lịch sử. Một khi, chế độ phi nhân – phi pháp – phi nghĩa này tàn lụi, giá trị lịch sử đó trở thành lời tố cáo đanh thép và thuyết phục vô cùng trước nhân loại toàn thế giới.

Quản giáo vừa vào mở cửa đã nghe anh Kim rồi anh Nghĩa thét lớn để phản đối vụ bít cửa sổ phía sau. Các buồng giam khác cũng đồng loạt phản đối. Tên quản giáo ậm ừ hứa ra báo cáo. 

Khi anh Kim đi bộ thể dục vòng quanh sân, đến gần buồng giam, tôi báo anh biết vụ 3 trái chanh của tôi dẫn đến vụ bít cửa này. Anh em đều sốt ruột vì chưa đưa được tin của tôi tuyệt thực ra ngoài. 

Trưa hôm ấy, trại giam mang lưới và nẹp sắt hàn vào cửa sổ phía sau của cả dãy phòng giam, mở hai cánh cửa gỗ ra. Vậy là không ai thò tay ra ngoài cửa sổ phía sau được nữa.

Chiều nay, mấy anh em Tây Nguyên có người nhà lên thăm, khi nghe Phương vào báo chuẩn bị ra gặp gia đình, tôi nhắn Knoon và Y Don báo giùm tình trạng của tôi. 

Anh em Tây Nguyên khi gặp gia đình nói tiếng dân tộc thì chúng không nghe được, tôi cũng nhắn hỏi thăm tình hình bên ngoài xem như thế nào. 

Tôi tiếp tục nuôi hy vọng hy vọng, ngọn lửa hy vọng đó vẫn cháy sáng trong tôi. Một khi Knoon đưa được tin tuyệt thực của tôi ra ngoài. 

Chiều chầm chậm trôi đi , tôi nhìn bóng nắng đổ trên tường phòng quản giáo để ước tính giờ anh em Tây Nguyên ra thăm gặp. 

Khoảng hơn một giờ sau, cả nhóm anh em Tây Nguyên 4 người vào. 

Tôi hỏi Knoon có đưa được tin của tôi tuyệt thực không ? Knoon không trả lời, chỉ gật nhẹ rồi đi nhanh qua cửa buồng giam. 

Chiều muộn, Y Don tưới giàn dưa leo gần cửa buồng giam, tôi hỏi : 

– Hôm nay thăm nuôi thế nào ? Gia đình khoẻ không ? Tây Nguyên tình hình thế nào ? 

Y Don nói gia đình khoẻ, tình hình Tây Nguyên đang nóng. Chuyện tuyệt thực của tôi không thấy Y Don nhắc tới, tôi cũng không hỏi nữa. 

Cái gật nhẹ của Knoon, làm tôi thấy không chắc chắn. Không biết Knoon có thực sự đưa được tin ra ngoài hay chỉ gật cho tôi hài lòng. 

Dù sao, tôi cũng đánh dấu ngày thăm gặp của anh em Tây Nguyên như một mốc trong chặng đường dài gian khó này…

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

(Còn nữa)


( * )THÔNG TƯ 37-BCA CÓ NHỮNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN NGHIÊM TRỌNG

TRẠI 6

Blogger Điếu Cày trong mắt bạn tù

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 6)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 7)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 8)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT(Phần 9)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần cuối)

 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular